Pedersen đi tàu tại Sri Lanka.
Trước đó, Pedersen ấp ủ dự định trở thành người đầu tiên đến thăm tất cả 195 quốc gia trên thế giới mà không cần đi máy bay. Anh hình dung mình sẽ trở về nhà ở Copenhagen (Đan Mạch) chỉ sau 4 năm.
Nhưng Pedersen chỉ trở về nhà mới đây và cảm thấy may mắn khi mình vẫn còn sống sót. Pedersen cho biết anh đã mạo hiểm khoảng 418.000 cây số bằng ô tô, xe lửa, xe buýt, taxi, thuyền, container và bằng chính đôi chân của mình.
Ở tuổi 44, Pedersen cho biết anh gặp phải hàng trăm thử thách, bao gồm các vấn đề về thị thực, băng qua vùng chiến sự và những nỗi sợ hãi cận kề cái chết, nhưng anh vẫn vượt qua nhờ niềm tin ở bản thân và thế giới bên ngoài.
“Tôi cảm thấy mình già hơn tuổi thật sau chuỗi hành trình này. Đây có thể là 50 năm kinh nghiệm sống được nhồi nhét trong 10 năm', Pedersen ví von.
Vào tháng 1 năm 2013, Pedersen đã đọc một bài báo về những du khách đã đến thăm mọi quốc gia trên thế giới. Dù đã có một sự nghiệp bền vững ở Copenhagen, nhưng Pedersen vẫn có máu phiêu lưu và muốn lập kỷ lục, do đó anh bắt đầu vạch ra một lộ trình sẽ đưa anh ấy đi vòng quanh thế giới mà không cần bay.
Dù đã nhận được tài trợ từ một công ty kinh doanh năng lượng địa nhiệt của Đan Mạch, thế nhưng Pedersen vẫn phải rút hàng nghìn đô la từ tài khoản tiết kiệm của mình và vay nhiều khoản.
Tháng 10/2013, Pedersen bắt đầu chuyến đi bằng cách bắt tàu từ Đan Mạch đến Đức. Vị du khách đặc biệt này cho biết anh luôn dành ít nhất 24 giờ ở mọi quốc gia mình đặt chân, nơi anh thường thuê giường trong các ký túc xá hoặc nhà trọ, hay thuê nhà trên ứng dụng Couchsurfing. Anh đặt mục tiêu chi khoảng 20 đô la mỗi ngày.
Đi du lịch châu Âu là phần dễ dàng nhất trong chuyến đi của Pedersen. Trở ngại đầu tiên anh gặp phải đó là không thể tìm được một chiếc thuyền nào để đưa anh từ Na Uy đến Quần đảo Faroe vào tháng 12 năm 2013. Sau khoảng 3 tuần, một công ty vận chuyển đã cho anh đi nhờ ra đảo.
“Vào thời điểm đó, chuyện này có vẻ khó. Nhưng đó chỉ là trò trẻ con so với những gì tôi sắp trải qua', Pedersen chia sẻ.
Vào tháng 5 năm 2014, Pedersen đã gặp phải một cơn bão trong hành trình tự lái thuyền từ Iceland tới Canada. Trước khi con tàu đến Canada 12 ngày sau đó, Pedersen nghĩ rằng con tàu sẽ đâm vào các tảng băng trôi.
Pedersen trên một bãi biển New Zealand năm 2022.
Vào tháng 6 năm 2015, Pedersen được chẩn đoán mắc bệnh sốt rét thể não tại một phòng khám ở Ghana. Nhiều khả năng anh đã bị nhiễm ký sinh trùng khoảng 2 tuần trước đó ở Liberia, khi ngủ bên ngoài một trạm xăng. Pedersen cho biết anh bị ảo giác và tạm thời mất khả năng thực hiện những cử động đơn giản, chẳng hạn như viết lách. Ngay cả sau 2 tuần điều trị, tay anh vẫn run trong gần 3 tháng.
Nhưng có những khoảnh khắc khác nhắc nhở Pedersen lý do tại sao anh bắt đầu chuyến đi vòng quanh thế giới.
Tại Cộng hòa Congo vào tháng 10/2015, khi Pedersen ngồi sau một chiếc xe tải với khoảng 50 người, anh thấy một người phụ nữ bắt đầu đập chai nước vào tay và hát. Trong vài giây, mọi người trên xe tải đã hát cùng nhau.
Tuy nhiên, Pedersen đã vật lộn với ý nghĩ bỏ cuộc vào khoảng thời gian đó. Anh cảm thấy kiệt sức, cô đơn và không phải ai cũng đánh giá cao chuyến đi này.
Mọi chuyện dần xấu đi vào tháng 1 năm 2016, khi Pedersen băng qua một khu rừng rậm châu Phi vào ban đêm và bắt gặp một nhóm đàn ông đang uống rượu và nhảy múa trong tiếng nhạc lớn. Khi họ phát hiện ra Pedersen, 3 người đàn ông đã chĩa súng và hỏi anh đang làm gì ở đây. Pedersen nghĩ rằng mình sẽ khó sống sót qua đêm nay.
May mắn rằng họ đã tha cho Pedersen. Thế nhưng vận đen vẫn đeo bám vị lữ khách này, khi vào cuối tháng đó, Pedersen đang ngồi trên một chiếc xe cùng 7 người khác ở Cameroon. Bất chợt tài xế ngủ gật và chiếc xe bắt đầu trôi khỏi con đường đất và tiến đến một vách đá, buộc Pedersen phải nhảy ra khỏi ghế và nắm lấy bánh lái.
Tuy nhiên, lòng tốt của mọi người mà anh gặp trên đường đã tiếp thêm động lực cho Pedersen. Anh kết bạn được với rất nhiều tài xế trong suốt hành trình của mình.
Pedersen đã đến thăm Nam Sudan vào tháng 11 năm 2016, gần 3 năm sau cuộc nội chiến. Anh đã vô cùng sợ hãi khi chứng kiến những chiếc xe buýt bị bắn và hành khách bị tấn công.
Nhưng chẳng bao lâu sau mọi thứ lại xoay theo chiều hướng khác. Cuối tháng đó ở Kenya, Pedersen đã có một trong những kỷ niệm đẹp nhất đời mình khi cầu hôn người bạn gái trên đỉnh núi Kenya.
Sau khi chia sẻ về hành trình của mình trên mạng xã hội, Pedersen rất vui khi được những người xa lạ đề nghị tiếp đón và khao bia khi anh đến thăm đất nước của họ.
Mọi người thường tò mò hỏi Pedersen về chuyến đi tới Triều Tiên. Vào tháng 3 năm 2019, anh cùng một nhóm du khách đặt đi đi tàu đến Bắc Triều Tiên từ Bắc Kinh. Tại đây, anh được các nhà chức trách đưa ra các hướng dẫn, chẳng hạn như không chụp ảnh hoặc nhảy múa trước các tòa nhà chính phủ.
Pedersen đã trải qua một trong những kỷ niệm yêu thích của mình vào tháng 10 năm 2019 tại Quần đảo Solomon. Khi bỗng dưng xung quanh mất điện, một người dân hỏi liệu trong máy tính xách tay của anh có bộ phim nào không. Khoảng một giờ sau, Pedersen cùng 80 người đã ngồi quanh máy tính của anh ấy để xem bộ phim chiến tranh “The Thin Red Line”.
Pedersen cho biết anh nhận thấy sự tương đồng giữa mọi người trên toàn thế giới. Anh cho biết mọi người đều hào hứng trước chủ đề bóng đá hay bàn luận về cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Vào tháng 3 năm 2020, Pedersen đặt chân đến Hồng Kông và chỉ còn 9 địa điểm nằm trong danh sách. Đại dịch COVID-19 bùng phát khiến các hoạt động đi lại 'đóng băng'. Pedersen cho biết anh được một nhà thờ cho ở nhờ và đi làm thêm để trang trải cuộc sống tại đó.
“Không có câu trả lời chính đáng cho việc tại sao tôi không bỏ cuộc. Lẽ ra tôi nên bỏ cuộc nhiều lần', Pedersen nói.
Sau khi sống ở Hồng Kông gần 2 năm, Pedersen đến quốc đảo Palau vào tháng 1/2022. Vào tháng 10, anh và vị hôn thê kết hôn ở Vanuatu giữa những đồ trang trí bằng lá cọ và trái tim khắc trên cát.
Pedersen đặt chân xuống bến tàu tại Cảng Aarhus ở Đan Mạch vào tháng trước.
Tới tháng 5, Pedersen đặt chân đến quốc gia cuối cùng trong danh sách: Maldives. Vài ngày sau, anh bắt đầu chuyến đi kéo dài hai tháng qua nhiều đại dương để trở về Đan Mạch. Khoảng 150 người, bao gồm thành viên gia đình, bạn bè và những người theo dõi trên mạng xã hội, đã chào đón Pedersen trên bờ biển phía đông của Đan Mạch vào ngày 26/7.
Trở lại Đan Mạch, Pedersen đang tìm kiếm một danh tính mới. Một thập kỷ trước, anh là một người rụt rè, nhưng giờ đây anh hy vọng mình sẽ có thể viết ra một cuốn sách để chia sẻ những gì mình đã chứng kiến suốt hành trình 10 năm qua.
Pedersen cho biết hiện mình chỉ muốn đến một nơi nào đó yên tĩnh, nơi anh có thể sắp xếp lại tâm trí.