Tổng kết năm 2022 là một năm nhiều biến động và thách thức. Tuy nhiên có thể thấy, trong thời điểm khó khăn như vậy, vẫn có những câu chuyện tích cực, những tấm lòng tỏa sáng, truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Thủ khoa thạc sĩ ở tuổi 72, cụ ông truyền cảm hứng học tập cho giới trẻ
Ông Trịnh Đức Chinh (72 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) vừa tốt nghiệp Thủ khoa Thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM. Ngày 27/7/2022, ông Chinh đã bảo vệ thành công luận tốt nghiệp thạc sĩ với đề tài 'Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển hàng không chung ở Việt Nam'.
Học viên Trịnh Đức Chinh bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ở tuổi 72. Ảnh VTC News.
Học cùng lớp với những người 'bạn' bằng tuổi con cháu mình, ông Chinh không những không gặp khó khăn về khoảng cách thế hệ. Ngược lại, nhờ kiến thức tích lũy qua hàng chục năm cùng tinh thần ham học hỏi, ông dần trở thành 'đầu tàu' của lớp.
Trước đó đầu năm 2012, sau 2 năm nghỉ hưu, ông Chinh quyết định nối lại con đường học vấn bằng việc theo học ngành Kế toán tài chính chương trình Đào tạo từ xa tại Đại học Trà Vinh. Thời gian này, con gái là người bạn cùng học, cùng tốt nghiệp với ông.
Kế đó, với mong muốn mở một văn phòng tư vấn luật miễn phí cho bà con, ông tiếp tục theo học ngành Luật chương trình Đào tạo từ xa tại Đại học Trà Vinh. Tuy nhiên, nguyện vọng này vẫn chưa thể hoàn thành vì ngoài thủ tục để mở văn phòng luật còn nhiều thủ tục khác nữa.
Tốt nghiệp Cử nhân Luật năm 2019, ông quyết định theo học chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh khóa 2020 của Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM. Nhờ sự cần cù, chăm chỉ, ông xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra ngành Kế toán Tài chính, ngành Luật, và mới nhất là Thủ khoa Thạc sĩ Quản trị kinh doanh với điểm tổng kết 9.0.
Ông Chinh với bảng thành tích học tập 'đồ sộ' khiến các sinh viên phải ngưỡng mộ. Ảnh VTC news.
Dù đã ở tuổi xế chiều, sức khỏe có phần giảm sút nhưng tinh thần ông Chinh vẫn trẻ trung với niềm đam mê học tập. Dự định sắp tới, ông sẽ bắt đầu chương trình Tiến sĩ tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM.
Không chỉ là tấm gương cho con cháu trong gia đình, ông Chinh còn truyền cảm hứng, động lực học tập cho thế hệ trẻ ngày nay.
Cô giáo ở Bình Dương tìm người chuyển nhầm 1,9 tỷ đồng để trả lại
Sau khi biết có người chuyển nhầm 1,9 tỷ đồng, cô giáo Vũ Thị Thu Huyền (SN 1984, giáo viên Trường Tiểu học Hiệp Thành, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) lập tức đăng lên mạng xã hội, tìm người trả lại.
Bài viết được cô giáo Thu Huyền đăng tải trên Facebook cá nhân để tìm người chuyển nhầm tiền.
Theo lời kể, vào khoảng 20h30 tối 7/12, chị Huyền bán hàng tại cửa hàng quần áo của gia đình ở đường Phú Lợi (thuộc phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) thì có người phụ nữ vào mua đồ.
Sau khi mua quần áo với số tiền 1,9 triệu đồng, người phụ nữ này thanh toán bằng chuyển khoản cho chị Huyền. Tuy nhiên, thay vì chuyển 1,9 triệu đồng thì người này chuyển nhầm thành 1,9 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù chuyển khoản nhầm số tiền khá lớn, nhưng người này không liên hệ lại với chị Huyền để nhận lại tiền. Đến sáng hôm sau (8/12), cả chị Huyền và vị khách chuyển nhầm đều chưa hề hay biết sự việc. Vào buổi trưa, khi vào tài khoản ngân hàng định chuyển tiền học cho con, chị Huyền phát hiện trong tài khoản của mình có nhiều tiền bất thường, kiểm tra lại thì thấy giao dịch 1,9 tỷ đồng từ người phụ nữ mua hàng nói trên.
Sau khi phát hiện vụ việc, nữ giáo viên lên mạng xã hội facebook đăng bài viết nhờ tìm người trên để trả lại tiền.
Đến trưa cùng ngày, sau khi đọc được bài viết của chị Huyền, người này mới tới cửa hàng để xin nhận lại tiền, đồng thời cho hay tuy chuyển nhầm nhưng không để ý do quá bận rộn.
Nữ giáo viên Vũ Thị Thu Huyền.
Hành động của nữ giáo viên ở Bình Dương là hành động đẹp, đáng khen ngợi. Tấm gương 'nhặt được của rơi, trả lại người mất' điển hình này cần được biểu dương, lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
Vợ chồng bác sĩ chi 10 tỷ xây 'nhà 0 đồng' cho bệnh nhân nghèo
Chứng kiến nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo điều trị ngoại trú tốn kém nhiều sức lực, thời gian, tiền bạc khi phải thường xuyên di chuyển ngược xuôi từ quê lên TP.HCM để khám, chữa bệnh, vợ chồng gia đình bác sĩ Lê Thanh Nga (44 tuổi, từng công tác tại Bệnh viện 175) và lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy (47 tuổi, công tác tại Bệnh viện Lê Văn Việt) - Trưởng nhóm y bác sĩ thiện nguyện vì người nghèo vừa xây dựng và ra mắt 'nhà lưu trú 0 đồng' cho bệnh nhân nghèo.
Vợ chồng bác sĩ Lê Thanh Nga (áo trắng) thăm khám cho bệnh nhân ở ngôi nhà '0 đồng' của mình. Ảnh Minh Tâm (Vnexpress)
Căn nhà nghĩa tình được ấp ủ suốt 4 năm qua vừa khai trương vào ngày 17/12 tọa lạc tại số 340/10 đường Long Phước, phường Long Phước, TP. Thủ Đức, gồm 1 trệt, 1 lầu với tổng diện tích gần 300m2. Nhà được chia thành 5 phòng ngủ tập thể, 1 bếp ăn, sân vườn và bể cá, có quy mô sức chứa khoảng 50 người. Các trang thiết bị trong nhà đầy đủ từ giường, quạt, chăn, mền, chiếu, gối, quạt hút... Tổng chi phí đầu tư lên đến khoảng 10 tỷ đồng.
Bác sĩ Nga trong buổi lễ khánh thành 'Nhà lưu trú 0 đồng cho người nghèo'. Ảnh Tổ Quốc.
'Nhà lưu trú 0 đồng' dự kiến sẽ là điểm lưu trú miễn phí cho các bệnh nhân xa quê từ khắp mọi miền tổ quốc vào TP.HCM điều trị bệnh, có hoàn cảnh khó khăn, cần một nơi nghỉ ngơi để thuận tiện cho việc đi lại và điều trị bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Chia sẻ về công trình ý nghĩa này, bác sĩ Lê Thanh Nga cho biết mình là một bác sĩ làm ở trong bệnh viện gặp quá nhiều cảnh bệnh nhân ở tỉnh xa lên TP.HCM khám chữa bệnh mà không có nơi lưu trú. Không phải người bệnh nào đến khám cũng được ở lại, nhập viện, có một số bệnh nhân ung thư hóa trị vào hóa chất xong là được cho về. Đa số người bệnh họ đều đau yếu, đi lại nhiều vất vả nên bác sĩ Nga làm nhà lưu trú này để cho bà con giảm bớt một phần lo lắng về chỗ ở.
Khu sân vườn của nhà 'lưu trú 0 đồng' cho bệnh nhân nghèo. Ảnh Tổ Quốc.
Mặc dù vừa mới khánh thành nhưng 'nhà lưu trú 0 đồng' cho bệnh nhân nghèo đã có 15 người bệnh đăng ký tá túc. Bệnh nhân khó khăn ở xa có nhu cầu ở lại 'khách sạn' nghĩa tình này, chỉ cần xuất trình giấy khám bệnh hoặc hồ sơ bệnh án và giấy tờ tùy thân là được đăng ký tạm trú.
Từ nỗi trăn trở khi nhìn bệnh nhân nghèo chịu cảnh màn trời chiếu đất, hai vợ chồng bác sĩ Thanh Nga - Văn Huy đã tự bỏ tiền túi xây dựng công trình nhà ở '0 đồng'. Đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa, giúp được nhiều mảnh đời khó khăn có điều kiện ăn ở tốt hơn khi đi khám chữa bệnh.
Câu chuyện truyền cảm hứng của cậu bé không cha, từng xin cơm nơi cửa chùa
Trương Chấn Sang (Bình Dương) hiện đang là Ủy viên Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Dương, đồng thời là chủ nhiệm CLB Tiếng Anh vì cộng đồng. Dù mới 26 tuổi nhưng anh thường xuyên tham gia đề xuất và thực hiện nhiều chương trình hướng nghiệp cho học sinh tại tỉnh Bình Dương, Gia Lai.
Tham gia năng nổ trong các hoạt động cộng đồng, anh Sang vừa vinh dự đón nhận bằng khen 'Thanh niên sống đẹp tỉnh Bình Dương' do Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam trao tặng.
Chàng trai trẻ thực hiện nhiều chương trình hướng nghiệp cho học sinh ở Bình Dương, Gia Lai. Ảnh Báo Giao thông
Ít ai biết rằng Trương Chấn Sang là con út trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi cha làm nghề chài lưới, mẹ bán quán nhậu thu nhập bấp bênh. Tuổi thơ của anh đã phải đối mặt với nhiều mất mát khi vừa lên 3 tuổi, gia đình đổ nợ và cha mẹ li dị. Năm anh lên lớp 1 thì người anh cả trong gia đình vừa mới học xong đại học đã không may qua đời bởi căn bệnh gan.
Năm anh học lớp 8, cả cha và chị gái đều lần lượt ra đi do căn bệnh gan. Cũng trong năm ấy, anh gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường đi học dẫn đến chấn thương sọ não, nằm hôn mê gần 1 tháng. Sau khi phẫu thuật và tỉnh lại, anh mất trí nhớ tạm thời suốt 3 tháng. Sang và mẹ từng phải đến nương tựa cửa chùa để xin bữa cơm qua ngày.
Dù gia đình khó khăn nhưng từ nhỏ, anh Sang đã nổi tiếng học giỏi, đặc biệt là tiếng Anh. Anh Sang thi đỗ vào ngành Ngôn ngữ Anh tại một trường đại học công lập ở Bình Dương. Từ dạy tiếng Anh tại nhà thiếu nhi xã, anh Sang tham gia dạy tại Trung tâm hoạt động thanh niên tỉnh Bình Dương.
Lớn lên từ hoàn cảnh gia đình khó khăn và mất mát, anh Sang hiểu hơn hết khao khát được đến trường để thực hiện ước mơ của nhiều học sinh nghèo. Đây cũng chính là lý do thúc giục anh mở các câu lạc bộ và lớp dạy tiếng Anh miễn phí. Hiện nay, anh Sang đang làm chủ nhiệm CLB Tiếng anh vì cộng đồng, trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Dương. Đối với các bạn học sinh nghèo, lớp học của anh hỗ trợ 50 - 100% học phí.
Trương Chấn Sang tích cực tham gia vào các hoạt động thiện nguyện tại nhiều tỉnh thành, giúp đỡ cho nhiều em nhỏ.
Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động thiện nguyện tại nhiều tỉnh thành để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như Xuân tình nguyện, chiến dịch Mùa hè xanh dạy tiếng Anh miễn phí, Trung thu cho em, Áo ấm cho em…
Câu chuyện về tinh thần lạc quan và ý chí bền bỉ, nỗ lực vượt lên nghịch cảnh của anh đã lan tỏa những giá trí tích cực đến cộng đồng nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ.