Anh Lê Thanh Bình tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội, từng là doanh nhân thành đạt, giám đốc của một doanh nghiệp sản xuất bao bì ở Quảng Ngãi, với số lượng công nhân hơn 500 người. Năm 2018, công việc kinh doanh không thuận lợi, xảy ra biến cố khiến anh rơi vào phá sản.
Thất bại từ việc kinh doanh, anh Nguyễn Thanh Bình quyết định rẽ hướng, theo đuổi con đường trồng rau sạch mà mình ấp ủ từ lâu
Bắt tay vào làm lại từ đầu, anh Bình tâm sự, lúc đó anh có nhiều công việc để lựa chọn nhưng anh quyết định theo đuổi con đường làm nông nghiệp sạch dẫu biết rằng làm nông nghiệp là một chiến lược lâu dài chứ không thể “ăn xổi ở thì”.
Anh Bình kể, thực ra anh có đam mê với nông nghiệp từ lâu. Hồi còn làm doanh nghiệp bao bì, anh đã có ý định sẽ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Anh bắt tay nghiên cứu lĩnh vực này suốt 10 năm, sang tận Israel, Nhật Bản… để học hỏi.
Năm 2019, anh Bình quyết định về Đà Nẵng xin thuê đất bỏ hoang để bắt tay vào nông nghiệp sạch theo mô hình trồng rau thuỷ canh.
Được chính quyền đồng ý, Việt Phú Farm (nằm trên đường Trần Thánh Tông, quận Sơn Trà) ra đời với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 2 tỷ đồng. Vườn rau có diện tích gần 5.000m2.
Vườn rau áp dụng mô hình trồng thuỷ canh
Anh Bình chia sẻ, trước đây, khu đất bị bỏ hoang, là “điểm đen” về ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị. Khi bắt tay vào làm, anh phải mất một tháng thuê người dọn dẹp cỏ, rác, xà bần, sau đó đầu tư lắp đặt hệ thống nhà lưới, hệ thống ống nuôi cây, phun sương…
Mất 2 năm trời để trồng thử nghiệm, xem hạt giống có đạt không, chất lượng rau đạt chuẩn chưa, test mẫu, kiểm tra tiêu chí mỗi mẫu rau… cuối cùng anh Bình cũng thành công.
Không như những vườn rau thuỷ canh khác, anh không tập trung trồng xà lách mà chủ yếu trồng các loại rau cải và rau muống.
“Tôi đầu tư mạnh vào “nồi canh” của mỗi gia đình, do đó tôi chỉ trồng cải ngọt, cải thìa, cải xanh, cải bó xôi và rau muống. Sắp tới phát triển thêm hai mã rau khác”, anh Bình nói.
Vườn rau có có diện tích 5.000m2, nằm trên đường Trần Thánh Tông, quận Sơn Trà.
Năm 2021, rau sạch của Việt Phú Farm đã có mặt tại các chuỗi cung ứng lớn như Winmart, Mega trên địa bàn thành phố. Mỗi ngày đều đặn vườn rau thuỷ canh của anh Bình cung cấp khoảng 150kg rau sạch, thu hơn 6 triệu đồng/ngày. Vườn rau của anh cũng đang tạo việc làm cho gần 10 lao động thường xuyên, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo anh Bình, ngay từ đầu anh đã chọn làm nông nghiệp đô thị bởi như vậy mới dễ dàng kết nối vùng, kết nối tiêu thụ.
“Tưởng tượng mỗi nhà cung cấp, nhà đầu tư đến Đà Nẵng muốn tham khảo làm nhà hàng, khách sạn…chắc chắn họ sẽ ưu tiên những vườn rau sạch ở ngay gần trung tâm thành phố. Để kết nối được với nông thôn thì bắt buộc phải có farm ở đô thị đã và đang cung cấp cho những chuỗi lớn”, anh Bình nói.
Ngoài ra, nguồn nước máy ở đô thị đã được xử lý lưu huỳnh, kẽm, chì… thích hợp trồng rau thuỷ canh. Trong khi đó, về nông thôn anh bắt buộc phải đầu tư, xử lý lại nguồn nước.
Theo anh Bình, trồng rau thuỷ canh có ưu điểm là có thể sản xuất quanh năm, tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm chi phí đầu tư lớn, giá thành cao nên đầu ra tiêu thụ kém. Điều đó bắt buộc anh Bình phải làm một cách bài bản, chất lượng, đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt để có thể vào chuỗi cung ứng lớn.
Hiện vườn rau thuỷ canh của anh Lê Thanh Bình đang tạo công ăn việc làm cho 6 lao động địa phương
Về kế hoạch trong tương lai, anh Bình cho biết, anh sẽ tập trung phát triển nông nghiệp đô thị. Hiện nay, anh đang xin thuê thêm đất để mở rộng diện tích trồng rau. Theo anh Bình, TP Đà Nẵng có nhiều khu đất trống, khu dự án treo, bỏ hoang nhiều năm gây ô nhiễm, nhếch nhác đô thị. Anh rất mong muốn xin thuê lại, tận dụng để trồng rau, vừa tạo ra sản phẩm rau sạch, vừa bảo vệ môi trường. Tuy nhiên việc này đang gặp khó khăn vì vườn rau thuỷ canh đòi hỏi đầu tư lớn, doanh nghiệp thuê đất thì mong muốn được ổn định, trong khi đất bỏ hoang lại có thể bị đòi lại bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, anh đang phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng liên kết hộ, cung cấp giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm.
“Tôi hướng dẫn hộ gia đình quy trình, chăm sóc, giám sát. Rau sản xuất ra ngoài cung cấp cho gia đình sẽ được tôi thu mua, bao tiêu sản phẩm. Với khoảng sân thượng hoặc mảnh đất nhỏ 12m2, chi phí đầu tư trên dưới chục triệu là mỗi người dân có thể có thu nhập từ 2,5- 3 triệu đồng/tháng. Hiện đã có gần chục hộ gia đình tham gia và sắp tới tôi sẽ nhân rộng mô hình này”, anh Bình cho hay.