Loài bọ này có tên là Demodex, với kích thước rất nhỏ để có thể phát hiện bằng mắt thường. Ban ngày, những con bọ Demodex thường trốn kỹ và ban đêm chúng mới trườn ra bề mặt da người để bắt đầu giao phối và đẻ trứng.
Trên thực tế, bọ Demodex thường được tìm thấy tại các nơi dễ ra tuyến nhờn của cơ thể người. Theo các chuyên gia, những nơi này có lỗ chân lộng rộng nên tạo điều kiện cho chúng dễ dàng ẩn nấp. Theo trang NPR, phần lớn những nơi dễ ra tuyến nhờn trên khuôn mặt người như lông mày, chân tóc, vùng cánh mũi.
Bọ Demodex nhìn dưới kính hiển vi. Ảnh: Journey to the Microcosmos
Nhà hiển vi học James Weiss tại ĐH Bournemouth (Anh) mới đây tiến hành ghi hình về những con bọ Demodex sống ở trên mặt của ông. Theo đó, trước khi đặt dưới kính hiển vi và quay phim, ông Weiss đã thấy một đốm đen nhỏ ở trên trán và dùng kính thủy tinh để cạo ra. Đoạn video độc đáo này đã được ông chia sẻ trên kênh YouTube Journey to the Microcosmos.
Thước phim quay được của nhà hiển vi học James Weiss cho thấy các giọt hình cầu ở phần cuối cơ thể của Demodex. Đây chính là phần bã nhờn mà chúng đã tiêu hóa từ da người. Trên thực tế, bọ đực và bọ cái thường ghép đôi với nhau ở bên trong lỗ nang lông. Chúng thậm chí còn có thể giao phối cả đêm nhờ vào việc sử dụng melatonin do da người tiết ra vào lúc chạng vạng.
Sau đó, ấu trùng của loài bọ ký sinh trùng này sẽ nở trong vòng 3 – 4 ngày và trưởng thành sau 7 ngày. Tuy nhiên, tuổi thọ của chúng chỉ kéo dài trong khoảng 2 tuần.
Theo các chuyên gia, Demodex thường dài khoảng 0,3 mm. Chúng thực sự quá nhỏ để có thể trông thấy bằng mắt thường và có xu hướng lan truyền qua việc tiếp xúc gần giữa những thành viên ở trong gia đình.
Demodex thường dài khoảng 0,3 mm nên rất khó có thể quan sát bằng mắt thường. Ảnh: Journey to the Microcosmos
Mặt khác, các nhà nghiên cứu còn phát hiện có khoảng 65 loài Demodex, nhưng chỉ có 3 loài sống trên cơ thể con người. Đó là loài Demodex folliculorum và Demodex brevis. Cụ thể, D. folliculorum trú ngụ ở nang tóc người, còn Demodex brevis thì sinh sống ở tuyến bã nhờn nối liền với nang tóc.
Các nhà khoa học đưa ra ước tính rằng, khoảng 23 – 100% người trưởng thành khỏe mạnh có bọ ký sinh Demodex. Đương nhiên, nhiều người sẽ không hề biết về sự tồn tại của loài bọ ký sinh này cho tới khi họ gặp vấn đề về da. Một số nhà nghiên cứu cho biết, vì loài bọ Demodex không có hậu môn nên chúng sẽ tích tụ tất cả phân trong vòng đời trước khi giải phóng vào lúc chúng chết. Điều này có thể gây viêm da cho con người.
Theo các chuyên gia, số lượng Demodex có thể tăng lên đáng kể sau mỗi đem và do chúng ẩn nấp dưới lỗ chân lông nên rất khó bị tiêu diệt thông qua việc rửa mặt. Loài ký sinh trùng này cũng có thể gây bệnh viêm da, khiến da bị dị ứng, nổi mụn trứng cá...
Để giảm sưng ở các vùng bị mụn trứng cá, mỗi người nên rửa mặt 2 lần mỗi ngày bằng nước ấm và sau đó lau khô bằng khăn bông cá nhân.
Thế nhưng, một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 của các chuyên gia tại ĐH Reading lại tiết lộ Demodex có hậu môn và chúng không phải là thủ phạm gây ra các chứng viêm da cho con người.
Nghiên cứu của ĐH Reading cũng chỉ ra rằng, ký sinh trùng Demodex đang trở thành các sinh vật đơn giản hóa và chúng có thể sớm hòa làm một với con người. Trên thực tế, Demodex là loài ký sinh sống tách biệt với môi trường ở bên ngoài, nên chúng dần loại bỏ gene và đang tiến gần hơn đến sự tồn tại lâu dài với con người.
Theo bà Michelle Trautwein, một nhà côn trùng học tại Học viện Khoa học California ở San Francisco (Mỹ), mọi người cũng không nên quá lo lắng bởi thực tế loài Demodex xuất hiện ở trên cơ thể của hầu hết chúng ta, trong đó còn có loại ký sinh trùng có lợi cho da. Chúng thực sự có mối quan hệ mật thiết với con người ngay từ thời cổ xưa và sẽ gắn bó gần như đến hết cuộc đời của mỗi người.
Bài viết tham khảo nguồn: Dailymail, NPR