Ghi nhận trong ngày đầu khôi phục lại hoạt động vận tải khách, sân bay, nhà ga và bến xe ở Đà Nẵng chủ yếu làm công tác vệ sinh, mở cửa bán vé cho hành khách. Riêng các hãng hàng không đã đồng loạt mở lại đường bay Đà Nẵng.
Tuy nhiên, do lo ngại việc đi từ Đà Nẵng đến các tỉnh thành, địa phương khác tại thời điểm hiện nay liệu có phải tiến hành biện pháp cách ly 14 ngày nên hành khách đi lại rất ít, hoạt động vận tải tại các bến xe khách Trung tâm, nhà ga, sân bay Đà Nẵng đều thưa thớt.
Từ 00h ngày 7/9, Đà Nẵng được phép khôi phục 100% tần suất hoạt động khai thác vận tải hành khách.
Ngày đầu tiên Đà Nẵng được phép khôi phục, các hoạt động vận tải, các nhà ga sân bay, ga tàu, bến xe đều rất vắng khách.
Theo bà Lê Thị Tuyến, Đội trưởng Đội khách vận (Chi nhánh vận tải đường sắt Đà Nẵng) cho biết: Trong ngày 7/9 chỉ có 2 đội tàu hoạt động với 4 tuyến gồm tàu SE 1, SE7, SE2, SE8 đi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, buổi trưa có tàu SE1 và SE2, và buổi tối là SE7 và SE28. Vào ngày 8/9 sẽ bổ sung tàu SE21 từ Đà Nẵng đi TP Hồ Chí Minh. Hiện Ngành đường sắt đã chủ động mở bán vé trên mạng để hạn chế đông người…
Việc vận hành đường sắt trở lại được thực hiện với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn cho hành khách đi tàu và nhân viên phục vụ.
Cùng ngày, ông Phạm Lợi, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết, từ sáng sớm ngày 7/9, lãnh đạo bến xe đã cho nhân viên phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên bến. Chuyến xe đầu tiên trong ngày xuất phát lúc 5h sáng. Tuy nhiên, lượng khách rất thưa thớt, thậm chí nhiều tài xế, nhà xe đã báo không thể xuất bến vì không có khách.
Tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, trong ngày 7/9 có 2 chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airline) bay đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với lượng khách khá khiêm tốn. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, các hãng bay cam kết việc khuyến cáo hành khách có sử dụng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng Bluezone cảnh báo sớm khi có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng lây nhiễm. Đồng thời, tăng cường các công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh, kiểm soát nghiêm ngặt các quy trình kiểm tra sức khỏe cho hành khách, tổ bay trước và sau mỗi chuyến bay, thực hiện các quy định y tế bắt buộc...
TP Đà Nẵng sẽ phục hồi hiệu lực các loại Phù hiệu xe chạy tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe điện bốn bánh và biển hiệu tàu thủy vận tải khách du lịch do Sở GTVT TP Đà Nẵng tạm thời đình chỉ trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trong chiều ngày 7/9, Sở GTVT TP Đà Nẵng cũng đã có chỉ đạo các đơn vị, phương tiện vận tải trên địa bàn phải chấp hành thực hiện Công văn số 8777/BGTVT-VT ngày 6/9 của Bộ GTVT về việc khôi phục hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách đi/đến thành phố Đà Nẵng. Qua đó, TP Đà Nẵng sẽ phục hồi hiệu lực các loại Phù hiệu xe chạy tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe điện bốn bánh và biển hiệu tàu thủy vận tải khách du lịch do Sở GTVT TP Đà Nẵng tạm thời đình chỉ trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Sở GTVT TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị vận tải, bến xe phải bảo đảm phòng chống, dịch bệnh theo nguyên tắc: Chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của đơn vị mình quản lý và trên các phương tiện vận tải khách (ô tô, xe điện, phương tiện thủy).
Trên mỗi chuyến xe/ tàu yêu cầu người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ phải tuân thủ các quy định hướng dẫn về bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế và Bộ GTVT quy định, cụ thể: Trang bị dung dịch rửa tay (có ít nhất 60% nồng độ cồn), dung dịch khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy trên mọi phương tiện vận tải khách.; Yêu cầu tất cả người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ và hành khách phải đeo khẩu trang đúng cách trong khu vực bến xe, bến cảng thủy nội địa,...trên các phương tiện vận tải khách ; Sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên phương tiện cách nhau một ghế hoặc đảm bảo cách nhau 01m (không áp dụng với xe giường nằm nhưng phải bảo đảm chở đúng số người cho phép chở, theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và không được vượt quá 30 người trên phương tiện, kể cả lái xe, nhân viên phục vụ).
Yêu cầu hành khách trước khi lên phương tiện phải khai báo y tế điện tử bắt buộc tại nhà, chỉ khai báo y tế giấy khi không thực hiện được khai báo y tế điện tử (không áp dụng với xe taxi, xe buýt, xe Điện bốn bánh thí điểm) theo mẫu tờ khai y tế Bộ y tế đã ban hành; Kiểm tra thân nhiệt; Sát khuẩn tay, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn tại các khu vực nhà vệ sinh; Hạn chế nói chuyện, ăn uống trong chuyến đi. Khuyến khích thông gió tự nhiên trên phương tiện (đối với phương tiện mở được cửa sổ); Thực hiện khử khuẩn các bề mặt phương tiện trước và ngay sau khi kết thúc chuyến đi, trong quá trình di chuyển vần khử khuẩn thường xuyên tùy tình hình thực tế. Khuyến cáo hành khách có sử dụng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng Bluezoe cảnh báo sớm khi có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm.
Trong quá trình di chuyển nếu hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần thông báo với nhân viên phục vụ trên phương tiện, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 19003228 hoặc 19009095) và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Ngay sau khi trả khách trên, lái xe thực hiện khử khuẩn xe và vệ sinh cá nhân. Yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tăng cường cán bộ theo dõi ATGT thường xuyên giám sát phương tiện hoạt động trên thiết bị giám sát hành trình để kịp thời có những chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có). Bố trí nhân viên hướng dẫn hành khách phải đeo khẩu trang, không tập trung đông người tại một vị trí, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, khai báo y tế theo quy định và giữ khoảng cách ghế ngồi cũng như vị trí hành khách mua vé là 1m.
Bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của các phương tiện trên thiết bị giám sát hành trình để kịp thời có những chấn chỉnh, xử lý vi phạm.