Lên cơn dại tỷ lệ vong gần 100%
Theo thông tin từ gia đình, vào năm 2023, chó nhà ông K. bị một con chó lạ cắn. Trong quá trình bắt giữ chó để nhốt lại, ông K. không may bị cắn vào tay nhưng không đi tiêm phòng dại. Con chó của gia đình ông sau đó tự chết và được người nhà làm thịt ăn.
Những trường hợp sau đây cần tiêm phòng dại sau khi bị mèo cắn, chó cắn:
- Động vật gây ra vết cắn/ cào chảy máu; vết cắn/ cào sâu, nhiều vết; vết cắn/ cào gần thần kinh trung ương (như đầu, mặt, cổ), ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục.
- Động vật gây ra vết xước, liếm trên vùng da bị tổn thương, niêm mạc.
- Động vật tại thời điểm cắn người có triệu chứng dại hoặc không theo dõi được động vật sau khi cắn người.
- Thời gian tiêm phòng sau khi bị chó mèo cắn tốt nhất là trong khoảng 24 giờ sau khi bị chó mèo cắn.
Đến sáng 14/2/2025, ông K có biểu hiện đau nhức nhiều trong người, lạnh run, sợ nước, sợ gió, ăn uống kém, được người thân chở tới Trung tâm Y tế huyện Ia Pa chữa trị. Sau đó tiếp tục chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai cứu chữa. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán: dại lên cơn.
Đến 21h ngày 14/2, sau khi nghe các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai giải thích về tình trạng bệnh nhân, người nhà đã xin đưa bệnh nhân về nhà để tiện chăm sóc. Đến khoảng 3h ngày 15/2, bệnh nhân tử vong tại nhà.
BSCKI Võ Thành Lâm, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh dại (Rabies) là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương, lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt bị nhiễm vi-rút dại.
Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với vi-rút dại qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc cấy ghép mô/cơ quan bị nhiễm vi-rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều có tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Ổ chứa vi-rút dại trong thiên nhiên thường là các loài động vật có vú như chó, mèo, dơi, cáo … Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có khoảng 59.000 người chết vì bệnh dại trên toàn thế giới. Hầu hết những trường hợp tử vong xảy ra ở các nước nghèo vì không kiểm soát được bệnh dại ở động vật nuôi là chó, mèo.
![]()
Lên cơn dại, tử vong sau 2 năm bị chó cắn - Ảnh minh họa
Bệnh có thể kéo dài nhiều năm sau
Theo TS.BS Dương Bích Thủy, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh dại có thể phát tác sau 4 ngày nhưng cũng có thể kéo dài sau nhiều năm phơi nhiễm với vi-rút dại.
Theo đó, bệnh dại gồm các giai đoạn bệnh như sau:
Giai đoạn ủ bệnh: trung bình 20-60 ngày nhưng có thể kéo dài từ 4 ngày đến nhiều năm sau (y văn ghi nhận có trường hợp ủ bệnh đến 19 năm), thời kì ủ bệnh ngắn khi vết thương ở vùng đầu mặt hoặc lây bệnh qua ghép giác mạc.
Giai đoạn khởi phát: thường 2-10 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi-rút xâm nhập.
Giai đoạn toàn phát hoặc 'giai đoạn viêm não': thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp …
Bệnh tiến triển theo hai thể: thể liệt kiểu hướng lên (hội chứng Landly) và thể hung dữ chiếm 80%. Giai đoạn này thường kéo dài 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp. Thể liệt thường sống lâu hơn thể hung dữ vài ngày.
Chẩn đoán sơ bộ bệnh dại: thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng và các yếu tố dịch tễ có liên quan.
Chẩn đoán xác định bệnh dại: bằng xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (IFA) từ mô não hoặc phân lập vi-rút trên chuột hay trên hệ thống nuôi cấy tế bào. Có thể dựa vào kết quả xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang của các mảnh cắt da đã làm đông lạnh lấy từ rìa tóc ở gáy bệnh nhân hoặc chẩn đoán huyết thanh bằng phản ứng trung hoà trên chuột hay trên nuôi cấy tế bào.
Ngày nay, với kỹ thuật mới chẩn đoán bệnh dại có thể được thực hiện bằng cách phân lập vi-rút hoặc phát hiện RNA vi-rút bằng xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) từ nước bọt, dịch não tủy, nước tiểu, mô sinh thiết (não, da).
Hiện chưa có phương thức điều trị đặc hiệu cho bệnh dại. Điều trị chủ yếu là hỗ trợ (oxy liệu pháp, thở máy, truyền dịch, vận mạch) và chăm sóc giảm nhẹ (an thần, giảm đau, chống co giật …).
Phòng bệnh dại sau tiếp xúc
Để phòng bệnh dại Cần thực hiện phối hợp nhiều biện pháp, bao gồm: cảnh giác với động vật có nguy cơ lây bệnh dại; phòng bệnh dại trên động vật (chích ngừa bệnh dại cho chó, mèo…); phòng bệnh dại trước tiếp xúc ở các đối tượng nguy cơ cao; và phòng bệnh dại sau tiếp xúc.
Sau khi tiếp xúc với bệnh dại cần:
- Xử lý vết thương: Rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy trong khoảng 15 phút, có thể dùng thêm xà phòng để rửa vết thương, và phải lấy hết dị vật và mô dập nát (nếu có)
Sát trùng vết thương bằng cồn 70o hoặc dung dịch iode, không nên khâu kín da. Nếu buộc phải khâu da, thì phải tiêm huyết thanh kháng dại vào vết thương và trì hoãn việc may vết thương ít nhất vài giờ.
Nếu vết thương xuyên thấu, chảy máu, vị trí ở đầu, mặt, cổ và bộ phận sinh dục, thì phải dùng huyết thanh kháng dại tiêm sâu bên trong và xung quanh vết thương.
Tiêm phòng bệnh uốn ván.
Dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng vết thương (nếu có chỉ định).
-Tiêm huyết thanh kháng dại từ người: liều 20 IU/kg. Huyết thanh kháng dại từ ngựa: liều 40 IU/kg.
Nếu huyết thanh kháng dại không có sẵn để tiêm cùng với vắc-xin kháng dại mũi 1, thì có thể trì hoãn tối đa đến 7 ngày sau.
– Không tiêm huyết thanh kháng dại nếu trước đó bệnh nhân đã được chủng ngừa dại đầy đủ.
Tiêm vắc-xin kháng dại: Chỉ định ở người có các tiếp xúc. Đối tượng chưa có miễn dịch: tiêm bắp theo 1 trong 2 phác đồ (4 liều (4 liều: 2 liều vào ngày 0, 1 liều vào ngày 7 và 1 liều vào ngày 2 ) hoặc 5 liều (1 liều vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28 hoặc 30).