Sau một ngày dài bận rộn, được chìm vào giấc ngủ ngon lành là điều ai cũng muốn. Và nếu được lựa chọn thì nhiều người sẽ muốn mình 'đặt lưng xuống giường là ngủ luôn' chứ không phải nằm trằn trọc mãi trên giường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về giấc ngủ, ngủ quá nhanh hoặc quá lâu đều có thể là tín hiệu cảnh báo sức khỏe.
Khoảng thời gian lý tưởng để cơ thể mỗi người chìm vào giấc ngủ không giống nhau. Kristen Casey, một nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên gia giấc ngủ được cấp phép tại Mỹ, chia sẻ trên trang Huffington rằng: Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia gợi ý rằng một người khỏe mạnh cần 15-20 phút để chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên, có những người gặp nhiều vấn đề khiến họ không ngủ ngon. Cũng có người vì lý do sức khỏe mà có thể mất 30-40 phút mới có thể bắt đầu ngủ.
Tiến sĩ Dave Rabin (nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần được chứng nhận, người đồng sáng lập và giám đốc đổi mới tại Apollo Neuroscience - công ty đã phát triển công nghệ đeo được nhằm cải thiện giấc ngủ), cho biết, nếu có thể chìm vào giấc ngủ trong vòng nửa giờ thì sẽ rất tốt. Muốn vậy, nên dành nửa giờ trước khi đi ngủ để thư giãn hoặc thực hiện những thói quen có lợi cho giấc ngủ.
Khi bạn ngủ quá nhanh, cơ thể muốn cảnh báo điều gì?
Ngủ thiếp đi sau vài phút đầu chạm vào gối không phải lúc nào cũng đáng lo ngại. Nguyên nhân khiến mọi người dễ ngủ không giống nhau nhưng khi bạn quá 'dễ ngủ' như vậy thì hãy nghĩ đến những khả năng sau:
- Cơ thể bạn cần được ngủ nhiều hơn
'Ngủ quá nhanh có thể là dấu hiệu của sự kiệt sức, một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang làm việc quá sức và không dành đủ thời gian để nghỉ ngơi, phục hồi', tiến sĩ Rabin nói.
Tuy nhiên, cũng có những người ngủ quá nhanh vì họ tập thể dục quá nhiều và làm việc 12 giờ/ngày. Lúc này có khả năng họ có ham muốn ngủ rất cao.
- Có thể bạn đang bị rối loạn giấc ngủ
Ngưng thở khi ngủ, phổ biến nhất ở người lớn tuổi, cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn ngủ quá nhanh. 'Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ mãn tính, theo đó đường thở trên bị tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần trong khi ngủ, dẫn đến giảm hàm lượng oxy trong máu và phân mảnh giấc ngủ', Theresa Schnorbach, một nhà khoa học về giấc ngủ của công ty nệm Emma cho biết.
Nếu bạn đang vật lộn với điều này, bạn cũng có thể nhận thấy mình bị mệt mỏi trong ngày và ảnh hưởng đến chức năng nhận thức. Bởi vậy Theresa Schnorbach khuyên mọi người nên có lịch ngủ đều đặn và bỏ hút thuốc (nếu có).
'Nếu bạn nghi ngờ mình có thể bị rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ, hãy cân nhắc đến việc gặp bác sĩ', chuyên gia khuyến cáo.
Nếu bạn khó ngủ, đây có thể là nguyên nhân
- Do lệch với nhịp sinh học của cơ thể
Một lý do khiến bạn không thể ngủ khi nằm xuống là do đi ngủ không đúng nhịp sinh học của cơ thể. Nhịp sinh học chu kỳ 24 giờ điều hành cơ thể và quy định thời gian ngủ, thức dậy... Và nếu bạn làm mọi thứ lệch với nhịp sinh học của mình thì có thể gặp những trục trặc, ví dụ như đi ngủ trái giờ sẽ khiến bạn khó ngủ.
- Bạn đang căng thẳng hoặc lo lắng
Nhiều người sẽ khó ngủ nếu như cơ thể đang phải 'vật lộn' với những thứ khiến mình cảm thấy không an toàn hoặc lo lắng, căng thẳng. Nhà khoa học Schnorbach đồng ý rằng những cung bậc cảm xúc sự đau khổ, lo lắng... có thể khiến hệ thống thần kinh giao cảm hoạt động quá mức kiểm soát, gây ra chứng mất ngủ. Cô cũng đề cập đến bản chất hai chiều của vấn đề này, rằng mất ngủ có thể dẫn đến trầm cảm và trầm cảm có thể làm trầm trọng thêm chứng mất ngủ.
Mất ngủ cũng có thể xảy ra do các tình trạng sức khỏe hoặc thuốc bạn dùng. Nếu bạn thường xuyên không thể ngủ trong vòng nửa giờ sau khi tắt đèn vào ban đêm, hãy nói chuyện với bác sĩ.
'Vệ sinh giấc ngủ' thế nào để có một giấc ngủ ngon?
'Vệ sinh giấc ngủ', nói một cách khác là thiết lập thói quen ngủ tốt sẽ giúp bạn có một giấc ngủ ngon và thời gian chìm vào giấc ngủ hợp lý. Một số cách bạn có thể làm để có một giấc ngủ lành mạnh bao gồm:
Bạn cần tạo điều kiện cho giấc ngủ cho cơ thể theo cùng một cách mỗi đêm để đạt được giấc ngủ chất lượng. Điều này bao gồm:
- Tránh tập thể dục muộn vào ban đêm
- Không uống đồ uống chứa caffein 6 giờ trước khi đi ngủ
- Tắt nguồn các thiết bị điện tử ít nhất nửa giờ trước khi đi ngủ
- Đảm bảo giờ đi ngủ của bạn tương đối ổn định mỗi ngày cũng là chìa khóa cho giấc ngủ chất lượng và thời gian chìm vào ngủ trong phạm vi bình thường.
- Ngủ quá nhiều có thể khiến bạn khó ngủ vào ban đêm. Vì vậy, hãy chắc chắn cố gắng ngủ 7- 8 giờ một đêm (nếu bạn là người lớn) và tránh ngủ trưa muộn.