GenZ đã không còn là những cô bé, cậu bé tiểu học non nớt trong trí nhớ của chúng ta. Họ đã học đại học, ra trường, đi làm, là lực lượng lao động khổng lồ đang bước chân vào thị trường lao động.
'Đứng núi này trông núi nọ' hay thích tự lập trên con đường sự nghiệp?
Không giống như những thế hệ đi trước, thay vì gắn bó nhiều năm cho một công việc thì giờ đây Gen Z có xu hướng nhảy việc cao hơn, xu hướng nghỉ việc ra làm riêng càng ngày càng tăng cao. Thậm chí nhiều người trẻ còn chia sẻ, bản thân từng viết thư xin việc vào nơi khác ngay cả khi còn đang ngồi ở công ty hiện tại.
Một trong những điều tạo nên sự khác biệt quan trọng nhất giữa Gen Z và các thế hệ khác là sự nhạy bén với thế giới công nghệ. Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội mang tới vô vàn các trang web cung cấp thông tin việc làm phổ biến giúp nhân sự tìm tòi được những cơ hội tốt hơn, dễ so sánh với công việc cũ và đổi việc để có mức đãi ngộ tốt hơn.
Lương thấp, chế độ đãi ngộ không tốt, môi trường gò bó,... nằm trong vô vàn lý do khiến Gen Z thường xuyên nhảy việc (Ảnh minh họa - freepik)
Là một GenZ được nuôi dưỡng trong một thế giới kết nối mạng, Ngọc Ánh (sinh viên năm thứ hai, Đại học Hà Nội) thường có nhiều lựa chọn để tự quyết định cho chính mình trong con đường sự nghiệp.
Ánh chia sẻ: 'Sinh ra và lớn lên trong một thế giới được kết nối mạng, với thông tin và tài nguyên đa dạng, mình có thể dễ dàng truy cập thông tin về các lĩnh vực khác nhau và có thể tìm kiếm cũng như khám phá các cơ hội sự nghiệp một cách độc lập. Điều này sẽ cho phép mình tự quyết định con đường sự nghiệp của mình mà không cần phải dựa vào sự hướng dẫn của người khác'.
Ngoài ra, Ngọc Ánh cũng cho biết cô nàng có khả năng linh hoạt và đa năng, với khả năng thích nghi với nhiều lĩnh vực khác nhau. 'Mình muốn tài chính không chỉ dựa vào một mức lương cố định mà còn đến từ nhiều nguồn thu nhập khác nhau. Bản thân mình cũng rất muốn khám phá nhiều con đường sự nghiệp khác nhau và không muốn bị giới hạn bởi một công việc duy nhất', Ánh tâm sự.
Ngọc Ánh không ngừng tìm kiếm những cơ hội việc làm tốt hơn
Có thể nói, khác với 7x, 8x, GenZ thường thích thử thách và thách thức giới hạn của họ, Internet phát triển giúp cho họ có thể tự học mọi thứ, sẵn sàng nhảy vào những ngành nghề khác dù họ chưa từng được đào tạo qua đại học.
Một số bạn trẻ khác lại thường có xu hướng tìm kiếm ý nghĩa và giá trị trong cuộc sống và sự nghiệp của mình. Họ có thể muốn tự lập để tạo ra những tác động tích cực đối với thế giới xung quanh họ.
Là một cô nàng cá tính và phóng khoáng, Minh Anh (21 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: 'Mình thích đổi mới và thử nghiệm những ý tưởng mới mà bản thân nghĩ ra, chính vì vậy mà mình không muốn những ý tưởng đó bị giới hạn bởi các khung giờ làm việc cố định hoặc bởi các công việc đã được phân chia sẵn”.
'Bật' sếp hay mong muốn được công nhận?
Dạo một vòng trên Facebook, không khó để bắt gắp những dòng trạng thái như: 'Đi làm lương 5 triệu bật lại sếp là chuyện bình thường'. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nên đón nhận câu nói với mục đích giải trí, không nên cổ xúy việc cãi lại cấp trên một cách vô lý, không có luận điểm rõ ràng và càng không nên đánh đồng với những người mong muốn được công nhận đóng góp của bản thân. Bởi lẽ, trong thời đại dân chủ văn minh, việc nói lên tiếng nói của bản thân là điều nên làm, đặc biệt là những ý kiến đóng góp cho môi trường làm việc tốt hơn.
Thay vì 'bật' sếp 'tanh tách', các bạn trẻ cần chú ý lựa chọn cách góp ý với cấp trên (Ảnh minh họa - freepik)
Minh Anh chia sẻ: 'Hồi mới đi làm, nhờ thái độ làm việc tốt nên mình được sếp quý, nhưng cũng vì nhiều quan điểm bất đồng nên mình hay đi quá giới hạn và tranh luận gay gắt với cấp trên để được công nhận ý kiến. Không lâu sau mình cũng nghỉ việc, nhưng điều mình nhận ra, dù không tán thành với ý tưởng của cấp trên thì việc cãi vã cũng là điều không nên làm.
Đến thời điểm hiện tại có những lúc mình thấy căng thẳng vì áp lực công việc nhưng cãi nhau với sếp, cãi nhau với đồng nghiệp đã không còn nữa. Với những ý tưởng hay quan điểm khác, mình chọn cách góp ý trên tinh thần xây dựng và bình tĩnh chia sẻ, lập luận chặt chẽ, rõ ràng. Làm như thế vừa không mất lòng sếp mà bản thân cũng dễ dàng có được sự tin tưởng, công nhận'.
Bà Sharon Daniels, CEO của hãng tư vấn và đào tạo quốc tế AchieveGlobal cũng đã nêu lên quan điểm về vấn đề này: 'Việc nhân viên đưa ra những ý tưởng và phản hồi đầy hiểu biết sâu sắc của bạn với cấp trên sẽ mang lại cho họ những cơ hội nắm giữ vị trí quản lý cao hơn, gia tăng giá trị của họ với tổ chức đang làm việc và mở ra con đường thăng tiến trong sự nghiệp'.
Không gò mình trong khuôn mẫu, định kiến là một phần dẫn đến xu hướng nhảy việc, 'bật' sếp ở GenZ. Tuy nhiên, người trẻ cũng nên hiểu, mỗi nhân sự có 5 năm đầu rất quan trọng, nếu nhảy việc qua nhiều trong thời gian này mà chưa nắm được vị trí tốt thì bản thân rất dễ bị đào thải bởi người trẻ hơn. Đồng thời, 'bật' sếp cũng không phải hướng giải quyết tốt trong công việc. Điều này còn có thể khiến bạn rơi vào 'danh sách đen' của nhà tuyển dụng.