Rước họa vì tiêm tan mỡ giảm béo
Vào tháng 8/2023, một cô gái trẻ ở Hà Nội nổi u cục khắp người sau khi tiêm tan mỡ giảm béo. Báo Người Lao Động đưa tin, cô gái này tình cờ xem được quảng cáo tiêm chất làm tan mỡ của một spa trên facebook nên quyết định đến cơ sở này để trải nghiệm.
Tuy nhiên, sau tiêm một tuần, vùng bụng, đùi của cô nổi nhiều nốt đỏ, sưng, cứng, tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn, sau vài ngày các ổ mủ xuất hiện dày đặc hơn, gây đau nhức... Bệnh nhân sau đó quay lại cơ sở spa nhưng cơ sở này đã đóng cửa, không liên lạc được.
Cô gái sau đó đến bệnh viện khám. Qua kiểm tra, bệnh nhân được chẩn đoán bị áp-xe sau tiêm tan mỡ. Bệnh nhân phải điều trị bằng các thuốc kháng sinh, kháng viêm liều cao, chích rạch và dẫn lưu áp-xe…
Sau hơn một tuần, các vết loét khô, các nốt viêm giảm sưng. Tuy nhiên, điều trị tai biến tiêm tan mỡ là điều trị khó, bệnh nhân được theo dõi lâu dài.
Cô gái trẻ nổi u cục trên người sau khi tiêm tan mỡ. Ảnh: Bác sĩ cung cấp/Người Lao Động.
Trước đó, vào tháng 5/2023, bác sĩ Phạm Duy Linh, khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), tiếp nhận điều trị cho chị L.T.T. (40 tuổi, ở Thái Nguyên) đến bệnh viện trong tình trạng vùng má, nọng cằm, cánh tay 2 bên, bụng xuất hiện nhiều khối u cục bất thường, cứng chắc, viêm tấy, một số chỗ vỡ chảy dịch đau tức do tiêm thuốc tan mỡ để giảm béo tại spa.
Báo Quân đội Nhân dân dẫn lời bệnh nhân cho biết, cách vào viện 3 tháng, bệnh nhân mong muốn giảm cân tại một số vùng trên cơ thể, nhưng lại lo ngại không muốn phẫu thuật.
Qua lời giới thiệu của người quen, bệnh nhân đến một cơ sở spa và được nhân viên tư vấn là tiêm thuốc tiêu mỡ với quảng cáo chỉ cần một liệu trình điều trị có hiệu quả giảm cân tức thì, không cần nghỉ dưỡng, không động chạm dao kéo.
Chị T. đã đồng ý sử dụng dịch vụ và được tiêm những hợp chất không rõ nguồn gốc vào nhiều vùng cơ thể. Sau 2 tuần tiêm, vị trí tiêm mặt sau bắp tay 2 bên và nhiều vùng trên cơ thể xuất hiện những cục mụn bất thường. Khi sờ vào có cảm giác cứng, tức khó chịu, nhưng cơ sở thẩm mỹ lại giải thích đây là do thuốc tác dụng chậm, tan từ từ.
Sau 2 tháng, những khối u cục, mụn cứng chắc tăng lên, viêm tấy lan toả. Nhiều mụn nhỏ rỉ chảy dịch mủ, máu và đau. Chị T. được cơ sở spa liên tục đưa cho nhiều đơn thuốc kháng sinh, giảm đau nhưng tình trạng ngày càng chuyển biến xấu hơn. Chị quyết định đến Bệnh viện đa khoa Đức Giang khám và điều trị.
Tháng 8/2022, chị H. 46 tuổi (ở Đồng Tháp) phải lên TP HCM cầu cứu bác sĩ thẩm mỹ do vùng bụng chị sưng to, có nhiều lỗ thủng áp xe, hoại tử, thâm tím sau lần tiêm tan mỡ.
Vietnamnet đưa tin về trường hợp này cho biết, hai tháng trước khi vào viện, chị H. đã thực hiện dịch vụ tiêm chất tan mỡ bụng tại một cơ sở thẩm mỹ ở Đồng Tháp. Nghe quảng cáo rằng một bác sĩ chuyên khoa sản - thẩm mỹ có kinh nghiệm sẽ trực tiếp thực hiện, tiêm tới đâu, giảm mỡ tới đó nên chị quyết định làm.
Tuy nhiên, vài ngày sau tiêm, vùng bụng chị nổi lên nhiều cục u, đau nhức. Thẩm mỹ viện cho chị dùng nhiều thuốc giảm đau nhưng tình trạng không thuyên giảm. Các ổ mủ xuất hiện dày đặc, sưng và căng cứng.
Trải qua 1 tháng chịu đựng, chị H. liên tục đến thẩm mỹ viện rạch da nặn mủ mà không khỏi, hành sốt liên tục. Chị quyết định lên TP HCM cầu cứu.
Bác sĩ khuyến cáo gì?
Báo Dân Trí dẫn lời ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam, cho biết có 3 nguyên nhân có thể gây xuất hiện các nốt viêm sau tiêm tan mỡ:
Thứ nhất là thuốc tiêm tan mỡ không rõ nguồn gốc. Hiện nay, không có loại thuốc tiêm tan mỡ nào được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Vì vậy, thuốc mà cơ sở thẩm mỹ tiêm cho bệnh nhân là hàng trôi nổi, không an toàn.
Thứ hai là kỹ thuật tiêm sai. Hiện nay, một số nước như Mỹ cho phép sử dụng thuốc tiêm tan mỡ, họ cũng nhấn mạnh rằng kỹ thuật tiêm vô cùng quan trọng.
Thứ ba là không đảm bảo vô trùng trong kỹ thuật tiêm. Tại các cơ sở spa, các nhân viên không được đào tạo y tế nên kỹ thuật thực hiện thường không đảm bảo vô khuẩn.
Theo bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, trường hợp sau khi đi tiêm giảm béo, nếu xuất hiện biểu hiện sưng tấy, chảy mủ…người bệnh cần phải đến bệnh viện để điều trị các nốt viêm do tiêm thuốc càng sớm càng tốt. Nhiều trường hợp, thuốc tiêm tan mỡ phá hủy luôn màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh nơi thuốc đi đến, khiến tình trạng hoại tử lan rộng, ăn sâu vào trong càng gây khó cho quá trình điều trị khắc phục.
Lúc đó, cần cắt lọc ổ hoại tử, nguy cơ mất da-cơ, có thể để lại sẹo xấu vĩnh viễn, gây mất thẩm mỹ. Những biến chứng khó lường cũng có thể xảy ra, ở mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể đối diện nguy cơ sốc phản vệ dẫn đến tử vong.
Để tránh tiền mất, tật mang, các chuyên gia khuyến cáo chị em cần lựa chọn các địa chỉ uy tín, được cấp phép khi thực hiện bất cứ thủ thuật làm đẹp nào.
Mời độc giả xem thêm video: Hà Nội: Người đàn ông tử vong khi hút mỡ bụng tại thẩm mỹ viện
Nguồn video: THĐT