20 ngày tuổi đã nguy kịch vì nhiễm viêm não mô cầu
Ngày 9/6, khoa Hồi sức Sơ sinh – Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, vừa qua, khoa đã tiếp nhận một trường hợp viêm màng não mô cầu ở trẻ sơ sinh. Bệnh nhi 20 ngày tuổi, trú tại huyện Kỳ Sơn, thoát khỏi tình trạng nguy kịch nhờ được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Trẻ sơ sinh nhập viện trong tình trạng sốt cao, tím tái, thở rên, bụng chướng, nổi vân tím toàn thân, co giật. Trẻ vào khoa Hồi sức Sơ sinh với chẩn đoán: Suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, theo dõi viêm màng não.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã khẩn trương thăm khám và xử trí đặt nội khí quản, thở máy, theo dõi huyết áp động mạch liên tục, duy trì vận mạch, kháng sinh tích cực và điều chỉnh các rối loạn khác kèm theo.
Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số nhiễm trùng tăng cao. Đặc biệt, xét nghiệm PCR dịch não tuỷ xác định tác nhân gây bệnh là vi khuẩn não mô cầu.
Đồng thời, vấn đề nhiễm trùng nặng nề khiến trẻ sơ sinh xuất hiện kèm tình trạng bị thủng ruột và phải trải qua ca phẫu thuật cấp cứu. Sau mổ, bệnh nhi được chuyển về khoa Hồi sức Ngoại khoa, tiếp tục hội chẩn giữa các chuyên khoa để theo dõi, điều trị tiếp vấn đề hậu phẫu và viêm màng não mô cầu của trẻ.
![]()
Trẻ mới 20 ngày tuổi đã bị viêm não mô cầu - Ảnh BVCC
Bác sĩ khoa Hồi sức Sơ sinh nhận định, viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm. Bệnh diễn tiến rất nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ kể từ khi vi khuẩn não mô cầu thâm nhập vào cơ thể.
Đây là tình trạng cấp cứu đòi hỏi chẩn đoán nhanh và can thiệp chính xác. Bệnh gặp ở không ít ở trẻ nhỏ, nhưng hiếm gặp với trẻ sơ sinh. Trường hợp bệnh nhi X.Y.M. được phát hiện sớm và xử trí kịp thời là yếu tố then chốt giúp trẻ thoát được giai đoạn nguy kịch.
50% tử vong khi nhiễm trùng huyết
ThS.BS Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Đơn vị Suy tim, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, bệnh não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra, có thể dẫn đến viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết và nhiều biến chứng nặng nề khác.
Trong viêm màng não do não mô cầu, tỷ lệ tử vong thường khoảng 10% ở những bệnh nhân được điều trị đúng cách. Tỷ lệ tử vong khi nhiễm trùng huyết do não mô cầu có thể vượt quá 50%.
10%–20% số người sống sót phải chịu các di chứng lâu dài như khuyết tật thần kinh, mất chi hoặc ngón, hoặc mất thính lực.
Điều đáng lo ngại là bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, tỷ lệ nhiễm cao nhất ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và người trưởng thành từ 16-20 tuổi, những người có suy giảm miễn dịch.
![]()
Viêm não mô cầu thường gặp ở trẻ vào mùa hè - Ảnh minh họa
Các bác sĩ cảnh báo, vi khuẩn não mô cầu xâm nhập và cư trú trên bề mặt niêm mạc của hầu họng và lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết đường hô hấp chứa giọt lớn từ bệnh nhân hoặc người mang mầm bệnh không có triệu chứng, đặc biệt là trong môi trường đông đúc như: kí túc xá, môi trường quân đội, nhà giam...
Viêm màng não cấp tính đặc trưng bởi khởi phát đột ngột với các triệu chứng như đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng và cứng cổ. Ngoài ra, có thể xuất hiện các dấu hiệu thần kinh như lơ mơ, mê sảng, hôn mê và/hoặc co giật.
Nhiễm trùng huyết do não mô cầu rất khó nhận biết ngoài các đợt dịch: có thể khởi phát đột ngột với sốt và sốc, phát ban dạng đốm xuất huyết hoặc ban xuất huyết có thể không rõ ràng ban đầu, thường không có các triệu chứng màng não kèm theo.
Để phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm màng não mô cầu, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần đặc biệt chú trọng các biện pháp: Tiêm đầy đủ vắc xin phòng não mô cầu đầy đủ theo lịch khuyến nghị của Bộ Y tế; hạn chế để trẻ tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt khi trong gia đình, nhà trẻ hoặc trường học có ca bệnh.
Để phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm màng não mô cầu, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần đặc biệt chú trọng các biện pháp: Tiêm đầy đủ vắc xin phòng não mô cầu đầy đủ theo lịch khuyến nghị của Bộ Y tế; hạn chế để trẻ tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt khi trong gia đình, nhà trẻ hoặc trường học có ca bệnh.
Gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng hoặc dấu hiệu bất thường về ý thức … để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng hoặc dấu hiệu bất thường về ý thức … để được thăm khám và điều trị kịp thời.