Những ngày qua, nhiều vụ cháy rừng xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng. Trong đó nghiêm trọng nhất phải kể đến các vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng trước sức tàn phá khủng khiếp của ngọn lửa.
Chiều ngày 28/6, một đám cháy rừng thông đã bùng phát tại Tiểu Khu 92A, xã Xuân Hồng (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Điều kiện thời tiết nắng nóng trên 40 độ, gió Lào thổi mạnh cùng thảm thực vật dày và dễ cháy đã khiến đám cháy ngày một lan rộng.
Trong nhiều ngày, các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đã được huy động chữa cháy cứu rừng, di tản dân và tài sản. Ngoài công tác chữa cháy, chiều ngày 1/7, Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Phan Đình Thành về tội 'Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy'. Nguyên nhân là vì vào trưa ngày 28/6, người này gom rác ở vườn nhà để đốt. Sau đó, ngọn lửa đã lan mạnh từ vườn nhà ông sang rừng thông phía sau, gây ra vụ cháy rừng liên tục nhiều ngày qua, gây thiệt hại gần 50 héc-ta rừng.
Hình ảnh vụ cháy rừng tại Hà Tĩnh.
Tuy có thể xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên nhưng hầu hết các vụ cháy rừng ở Việt Nam đều do con người. Sự việc ở Hà Tĩnh chỉ là một trong số hàng trăm vụ cháy xảy ra hàng năm ở nước ta. Đây cũng là một hồi chuông cảnh báo về tình trạng đốt vườn gần rừng của người dân.
Xung quanh vụ cháy lớn ở Hà Tĩnh là rất nhiều luồng ý kiến khác nhau của cộng đồng mạng. Đa phần mọi người đều cảm thấy xót xa cho những thiệt hại mà người dân địa phương này phải gánh chịu. Tuy nhiên, khi vụ cháy qua đi, điều quan trọng chúng ta cần làm là tích cực hơn nữa trong công tác khắc phục hậu quả. Đặc biệt là công tác trồng cây gây rừng, phủ xanh trở lại các diện tích rừng đã bị bà hỏa thiêu rụi. Câu chuyện dưới đây có thể là nguồn cảm hứng cho những ai thực sự yêu cây, yêu rừng và yêu mảnh đất miền Trung ruột thịt vừa trải qua cơn đại nạn hỏa hoạn vừa qua.
---
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, 129 triệu ha rừng, diện tích gần tương đương với Nam Phi, đã biến mất khỏi Trái Đất mãi mãi kể từ năm 1990. Ngoài ra, một khu vực rộng gần bằng đất nước Panama cũng đang bị mất đi mỗi năm.
Sự khác biệt của vùng đất sau 13 năm.
Thống kê cho thấy khoảng 15% lượng khí thải nhà kính đến từ nạn phá rừng và vô số loài động thực vật mất đi môi trường sống mỗi ngày. Đây là tình trạng đáng báo động đối với sức khỏe của hành tinh và khiến con người cảm thấy nhỏ bé và bất lực trong việc khắc phục. Liệu những gì chúng ta đang làm có thể tạo ra sự thay đổi không?
Câu trả lời là có! Nhiếp ảnh gia người Brazil Sebastião Salgado và vợ Lélia Deluiz Wanick Salgado đã cho thế giới thấy rằng một nhóm nhỏ những người tận tụy và đam mê có khả năng đóng góp được gì cho môi trường bằng cách trồng lại rừng.
Salgado là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng đã giành được nhiều giải thưởng lớn về phóng sự ảnh. Tuy nhiên, trở lại những năm 90s, cảm thấy kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần sau khi ghi lại sự man rợ khủng khiếp của nạn diệt chủng Rwandan, ông quyết định trở về quê nhà Brazil, nơi từng được bao phủ bởi rừng mưa nhiệt đới tươi tốt quanh năm.
Thế nhưng Salgado lại càng sốc hơn khi thấy rằng nơi đây đang sa mạc hóa, cằn cỗi và không có động vật hoang dã. Còn bà Lélia thì tin rằng tình trạng này có thể được cải thiện.
Chia sẻ với tờ The Guardian năm 2015, Salgado nói: 'Vùng đất này tàn tạ như chính bản thân tôi vậy – mọi thứ đều bị hủy hoại nặng nề. Ở thời điểm đó, chỉ có khoảng 0,5% diện tích đất được phủ xanh. Sau đó tôi và vợ lên kế hoạch trồng lại rừng. Và khi chúng tôi làm điều đó, các loài côn trùng, chim chóc và cá đã quay trở lại. Tôi cũng đã được tái sinh'.
Vợ chồng Salgado cùng nhau thành lập Instuto Terra, một tổ chức nhỏ đã trồng 4 triệu cây con, trong đó riêng cặp đôi này trồng được 2 triệu cây con, đưa khu rừng trở về từ 'cõi chết'. Theo nhiếp ảnh gia, cây cối là một thực thể duy nhất trong thiên nhiên có thể biến khí Carbonic thành Oxi và con người cần trồng lại rừng.
Nhờ được chăm sóc tốt, khu vực được phủ xanh bởi vợ chồng Salgado đã phát triển mạnh mẽ trong 20 năm sau đó. Động vật hoang dã kéo nhau trở lại và sự im lặng chết chóc giờ đây đã được thay thế bằng âm thanh của các loài động vật.
Tổng cộng, có khoảng 172 loài chim cũng như 33 loài động vật có vú, 293 loài thực vật, 15 loài bò sát và 15 loài lưỡng cư đã quay lại khu rừng.
Gần như toàn bộ hệ sinh thái được xây dựng lại từ đầu.
Dự án của vợ chồng Salgado đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người bằng cách đưa ra một ví dụ cụ thể về hành động tích cực của con người và khả năng phục hồi nhanh chóng của môi trường.
Salgado giãi bày: 'Chúng ta cần lắng nghe người dân bản địa. Thiên nhiên chính là Trái Đất của chúng ta và những loài sinh vật khác. Nếu không làm gì để cải thiện môi trường thì một ngày nào đó, chính chúng ta sẽ bị tàn phá'.