“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”
Nhắc đến những câu thơ này, trong lòng độc giả bỗng bồi hồi nhớ về một nét đẹp văn hóa của người Việt, đó là phong tục xin chữ đầu năm. Trong bài viết này, cùng VOH tìm hiểu tục xin chữ đầu năm là gì, xin chữ gì đầu năm để cầu chúc một năm mới thuận lợi và bình yên nhé.
Xin chữ đầu năm có ý nghĩa gì?
Dân gian có câu 'Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng' để nhấn mạnh thú 'chơi chữ' từng được ông cha ta ưa chuộng hàng đầu. Theo quan niệm của người xưa, “chơi chữ” là thú chơi nghệ thuật khó nhất và cũng là thanh cao nhất. Những ai yêu chữ chính là những người uyên thâm, có tâm đức và cốt cách cao quý.
Ngày xuân là ngày khởi đầu của năm mới, cũng là khởi đầu của mọi sự mới. Vào những ngày này, mọi người đều mong muốn gia đình, bản thân có được những điều tốt đẹp, khởi sắc hơn. Khi đó, xin chữ cũng trở thành một cách thức 'cầu may'. Trong nhà không thể thiếu một chữ Hán được viết trên giấy đỏ để treo trong nhà cầu may mắn.
Những con chữ được xin được thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong muốn của người xin. Thường là sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt, gia đạo bình an.
Chữ xin về thường được gia chủ treo ở những nơi trang trọng trong nhà. Câu đối được xin về treo đầu năm mới không chỉ trang trí cho ngôi nhà tăng thêm sinh khí mà còn thể hiện ước vọng của chủ nhà về một năm mới bình yên, thuận lợi và may mắn.
Như vậy, xin chữ là một phong tục truyền thống, một nét văn hóa đẹp, thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc mỗi dịp tết đến xuân về của người Việt Nam.
Xin chữ là một hoạt động truyền thống diễn ra vào dịp Tết đến Xuân về - Ảnh: Canva
Xin chữ đầu năm diễn ra thế nào?
Xa xưa, khi muốn xin chữ vào đầu năm mới, người xin sẽ chuẩn bị một cái lễ nhỏ gồm trầu cau, chè thuốc,... để đến nhà thầy đồ. Thầy đồ là những nho sĩ, tú tài được học hành đỗ đạt, uyên thâm chữ nghĩa và rất được tôn kính trong xã hội.
Ngày nay, việc xin chữ đầu năm đã dễ dàng hơn khi không cần phải đến nhà thầy đồ hay chuẩn bị các lễ nghi cầu kỳ nữa. Chỉ cần đến các khu phố ông đồ, các khu chợ xuân, bạn có thể chọn một ông đồ trong đó để xin chữ.
Ý nghĩa những chữ thường được xin trong ngày Tết
Tùy vào mong muốn của mỗi người mà họ sẽ xin những con chữ khác nhau. Mỗi chữ luôn chứa đựng những sự mong cầu, lời chúc tốt đẹp dành cho năm mới. Cùng VOH tìm hiểu ý nghĩa của những chữ thường được xin trong ngày Tết nhé.
Mỗi con chữ đều chứa đựng những ý nghĩa tốt lành cho năm mới - Ảnh: Internet
An: Tượng trưng cho sự bình an, cầu mong một cuộc sống an lành, hạnh phúc.
Cát: Mong muốn mọi sự đều tốt đẹp.
Duyên: Biểu tượng cho tình yêu, duyên phận, cầu mong sự may mắn trong tình yêu, dấu hiệu của hỷ sự.
Đức, Trung, Nghĩa, Lễ, Trí: Biểu trưng cho nét đẹp và đạo đức của con người. Người xin chữ muốn răn dạy chính bản thân mình phải sống tốt, làm những điều tốt đẹp.
Lộc, Hưng, Thịnh, Phát, Vượng: Biểu trưng cho sự phát triển, cầu mong một năm may mắn về mặt kinh tế, tiền bạc.
Hiếu: Thể hiện sự biết ơn về công ơn sinh thành, nuôi dưỡng khó nhọc của ông bà, cha mẹ.
Nhẫn: Có nghĩa là độ lượng, là sự khoan dung và bản lĩnh của con người.
Phúc: Tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn.
Thọ: Biểu tượng cho sự mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi, cầu mong gia đình mạnh khỏe, sung túc và chúc thọ ông bà, cha mẹ.
Tâm: Mong muốn tâm được thanh tịnh, có một cuộc sống yên bình và thanh thản.
Tài: Tượng trưng cho tài năng, mong muốn thành đạt trong học tập và công việc.
Tín: Tượng trưng cho lòng tin cậy, cầu mong luôn thực hiện đúng với những điều mình đã đề ra.
An Khang: Cầu mong có sức khoẻ tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.
Cát Tường: Cầu mong sự bình yên cho gia đạo, mọi việc đều tốt lành.
Phát Tài, Phát Lộc: Mong cho công việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió.
Ngoài ra, còn có những câu chúc phổ biến như:
An khang thịnh vượng.
Chúc mừng năm mới.
Công thành danh toại.
Phúc lộc song toàn.
Mã đáo thành công.
Tân niên hạnh phúc.
Ngũ phúc lâm môn
Vạn sự như ý,...
Học sinh nên xin chữ gì đầu năm?
Để cầu mong một năm học hành, thi cử thuận lợi, các bạn học sinh ngày nay cũng mong muốn lấy 'vía' đầu năm bằng phong tục xin chữ. Chữ thư pháp sẽ được treo ở nơi đầy đủ ánh sáng, dễ nhìn thấy khi học tập. Sau đây là những chữ nên xin vào đầu năm mà các bạn học sinh có thể tham khảo.
Đạt: Cầu mong vị thế cao và thành công trong học tập.
Đỗ: Thể hiện mong muốn thi cử đỗ đạt.
Đăng Khoa: Mong muốn thi cử đỗ đạt, học hành giỏi giang.
Học: Thể hiện sự ham học, mong muốn đường học rộng mở, thuận lợi.
Trí: Sự thông tuệ, sáng suốt, hiểu biết.
Thành: Làm mọi chuyện đều được hoàn thành, trọn vẹn.
Xin chữ đầu năm cũng thể hiện truyền thống hiếu học của các sĩ tử - Ảnh: Internet
Trên đây là lý giải của VOH về xin chữ đầu năm là gì, một hoạt động trong ngày Tết vẫn luôn được mong chờ từ xa xưa cho đến nay. Tết đang đến gần, những phong tục cổ truyền vẫn luôn giúp cho không khí ngày Xuân thêm rộn ràng và hân hoan. Hy vọng rằng, những nét đẹp văn hóa của dân tộc vẫn sẽ được mọi người gìn giữ và lưu truyền để dấu ấn bản sắc Việt Nam vẫn luôn đậm đà, không phai nhạt theo thời gian.
Đừng quên theo dõi VOH - Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.