Chưa có tiền lệ, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm
Tại phiên thảo luận tổ sáng nay (21/10) của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19..., Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chia sẻ về cuộc chiến chống với Covid-19 gần 2 năm qua.
'Cuộc chiến với Covid-19 chưa có trong tiền lệ, tất cả quốc gia vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa học hỏi, vừa trao đổi, vừa kế thừa các bài học' – ông Long nhìn nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhìn lại gần 2 năm chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam
Vì chưa có trong tiền lệ và phạm vi, mức độ ảnh hưởng lớn, tác động sâu sắc, toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân, ảnh hưởng sinh mạng, sức khỏe người dân, nên theo ông Long, Đảng, Nhà nước khẳng định phải hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Đề cập đến tính chất phức tạp của đợt dịch lần thứ 4, Bộ trưởng Y tế cho biết, với biến thể Delta, thế giới coi như 1 đại dịch mới.
'Chúng tôi đã cố gắng báo cáo đầy đủ nhưng cũng không thể phản ánh hết được. Biến thể Delta gây ra tác động lớn, đảo ngược lại tất cả thành tựu chống dịch của các nước, kể cả nước phát triển và có tỷ lệ tiêm cao' – Bộ trưởng Long phản ánh.
Từ góc độ chuyên môn, ông Long chỉ ra, biến thể Delta có khả năng bám dính với tế bào niêm mạc đường hô hấp tăng 175 lần. 'Tốc độ nhân lên tăng rất cao, trong 48 giờ đã tạo nên chu kỳ lây nhiễm mới' – ông Long giải thích lý do Bộ Y tế khuyến cáo phải xét nghiệm thần tốc.
Vẫn theo Bộ trưởng Y tế, trước đây lây nhiễm chỉ 1-2 người nhưng với biến thể này, mức độ lây nhiễm lên tới 5-10 người và có thể nhiều hơn. Những người trong môi trường hẹp, kín hầu như bị lây.
'Trước đây trong gia đình có thể có người nhiễm, người không nhưng giờ hầu hết 1 người nhiễm là cả gia đình bị' – ông Long nói và thừa nhận rất căng thẳng khi ứng phó với biến chủng Delta.
Biến thể Delta tạo ra một 'đại dịch mới'
Cập nhật tình hình chống dịch đến thời điểm nay, Bộ trưởng Long chia sẻ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát ở những vùng tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… Số người nhiễm, tử vong giảm rõ rệt. 'Rất nhiều nhiều bài học kinh nghiệm đúc kết' – ông Long nói.
Đợt điều quân lớn nhất
Chia sẻ về những 'quyết định khó khăn', Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói, việc quyết định giãn cách xã hội thời gian vừa rồi rất khó khăn, nhất là khi giãn cách với 19 tỉnh, thành phía Nam, rồi sau đó là tăng cường giãn cách xã hội, ai ở đâu ở đó, người dân hạn chế ra khỏi nhà.
'Lần này làm cao hơn nhờ Nghị quyết 30 của Quốc hội mở đường cho Chính phủ thực hiện các biện pháp tương tự trường hợp khẩn cấp nhưng không ban bố tình trạng khẩn cấp' – ông Long bình luận.
Triển khai giãn cách xã hội sẽ đi kèm cả câu chuyện lo ăn cho dân trong vùng giãn cách là 1 thách thức lớn.
Khó khăn nữa là việc điều quân. 'Hơn 300.000 người đã được điều động bao gồm y tế, quân đội, công an. Trước đây Đà Nẵng có 1.000 người, nhưng TP.HCM hơn 24.000 người' – ông Long so sánh và khẳng định đây là lần điều quân lớn nhất.
'Đó là quyết định rất cam go trong thời khắc lịch sử' – Bộ trưởng chia sẻ.
Chưa hết, việc thiết lập các phòng cấp cứu và trung tâm hồi sức cấp cứu ở TP.HCM, các tỉnh phía Nam cũng rất khó khăn. Bộ trưởng Y tế cho biết, khi ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn thì hệ thống y tế ko thể đáp ứng nổi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm một cơ sở sản xuất thiết bị, vật tư y tế
So với những nơi khác, TP.HCM có nền tảng y tế tốt nhất nhưng rất nhiều bệnh nhân nặng cấp cứu nên các cơ quan chức năng quyết định thành lập trung tâm hồi sức tích cực, có trung tâm 500, có trung tâm lên tới 1.000 giường.
'Chúng ta phải điều những lực lượng chưa bao giờ tham gia hồi sức tích cực vào đó làm việc' – ông Long chia sẻ.
Với y tế cơ sở, câu hỏi đặt ra là làm thế nào cho người dân tiếp cận y tế từ sớm từ xa? Vậy là quyết định lập 536 trạm y tế lưu động ở xã phường do quân, dân y đảm nhiệm, đảm bảo y tế cho người dân.
Rồi về đảm bảo an sinh xã hội, an toàn xã hội, theo lãnh đạo ngành y tế, đều là sự cố gắng rất lớn của các cấp ủy và chính quyền địa phương.
Thông tin về vấn đề vaccine, Bộ trưởng Y tế cho biết, chiến lược vaccine đã được triển khai thành công. 'Ta tăng mua, nhập khẩu, thỏa thuận, viện trợ, vượt qua tất cả khó khăn về pháp lý' – ông Long phản ánh.
Trong việc mua vaccine có rất nhiều câu chuyện. Theo Bộ trưởng Long, đó là phải chấp nhận toàn bộ rủi ro về giao hàng không đúng thời gian, không được dừng, hủy vaccine và không được trả lại tiền cọc cũng như không được tính lại giá mua…
'Hiện nay chúng tôi có những hợp đồng, thỏa thuận, cung ứng, tài trợ của các tổ chức với tổng số 191 triệu liều và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới' – ông Long nói.
Vẫn liên quan đến câu chuyện vaccine, ông Long cho biết chiến lược ngoại giao vaccine rất thành công. 'Tôi rất cảm động khi thấy các đồng chí lãnh đạo bôn ba sang các nước, đến tận trung tâm sản xuất vaccine để đôn đốc'- lãnh đạo Bộ Y tế bày tỏ.