Chia sẻ về việc sản phẩm của Công ty CP Nam Dược được quảng cáo có sử dụng bản đồ Việt Nam không có 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trên nền tảng xuyên biên giới, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) nói: 'Quảng cáo là nhu cầu cần thiết của thương nhân nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình.
Nhà nước ta có chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo đồng thời tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân phát triển các loại hình quảng cáo, nâng cao chất lượng quảng cáo... Tuy nhiên hoạt động quảng cáo phải tuân theo quy định pháp luật, nằm trong khuôn khổ pháp luật, nghiêm cấm việc quảng cáo các hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, cấm quảng cáo'.
Công ty CP Nam Dược sử dụng bản đồ thiếu 02 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa để quảng cáo sản phẩm trên nền tảng xuyên biên giới.
Luật sư Cường thông tin thêm về Điều 8 Luật quảng cáo hiện hành nghiêm cấm các hành vi trong quảng cáo như: Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng; Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước…
Việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cả trên đất liền và biển đảo là quan điểm cơ bản, nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay.
'Trong quá trình bảo vệ chủ quyền đất nước, không tránh khỏi được một số đối tượng thù địch có biểu hiện chống phá Nhà nước tuy nhiên thái độ của chúng ta đối với những vấn đề thuộc về độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là quyết không nhân nhượng. Từ trước đến nay vấn đề biển đảo luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc.
Trong đó 02 quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa là 02 quần đảo mà Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền và đấu tranh bảo vệ trong nhiều năm qua. Các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân có hành vi tuyên truyền, quảng cáo vi phạm chủ quyền lãnh thổ trong giai đoạn nhạy cảm, giai đoạn mà Nhà nước đang tích cực kêu gọi bảo vệ chủ quyền quốc gia là hành vi rất đáng trách, đáng lên án' – Luật sư Cường nhấn mạnh.
Luật sư Cường cho rằng cần yêu cầu tất cả các cá nhân, doanh nghiệp cam kết thực hiện hoạt động quảng cáo đúng quy định pháp luật, không được phép phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng.
Theo Luật sư Cường, dưới góc độ pháp luật thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định pháp luật thì việc quảng cáo phải đảm bảo nguyên tắc toàn vẹn chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng, việc sử dụng các hình ảnh, logo có hình ảnh bản đồ Tổ quốc Việt Nam để thiết kế các ấn phẩm quảng cáo hoặc in lưu hành trên các sản phẩm hoặc tại các buổi họp, sự kiện….mà không có hình ảnh của 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, là hành vi vi phạm pháp luật.
Về xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, Điều 11 Luật quảng cáo quy định tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý của mình; trường hợp quyết định sai, gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bản đồ Việt Nam thiếu 02 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa được Công ty CP Nam Dược sử dụng để quảng cáo nhiều sản pahảm.
Với hành vi vi phạm nêu trên, điểm d khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo nêu rõ: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi: Sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam trong quảng cáo mà không thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi vi phạm.
Việc lưu hành các bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ chủ quyền sẽ tác động trực tiếp đến thị giác của người tiêu dùng bao gồm cả người tiêu dùng nước ngoài tại Việt Nam, gây ra nhận thức sai lầm về chủ quyền của Việt Nam. Để tránh tái diễn sự việc nêu trên chúng ta cần phải có thái độ kiên quyết với những hành vi quảng cáo liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, nghiêm chỉnh thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành vi vi phạm, đồng thời tích cực tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ cho tất cả cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với các hành vi vi phạm tương tự, luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc và xử phạt mạnh tay để giáo dục, răn đe.