Theo Bộ Nông nghiệp Philippines, tính đến ngày 27/9, ước tính về tổn thất nông nghiệp của nước này trong siêu bão Noru là 1,29 tỷ peso (tương đương 21,9 triệu USD). Đây là con số lớn gấp 9 lần so với ước tính 160 triệu peso vào một ngày trước đó. Đặc biệt, siêu bão Noru khiến hơn 141.000 ha đất nông nghiệp của Philippines bị ảnh hưởng.
Bộ Nông nghiệp Philippines cũng cho biết, gạo chiếm gần 90% trong tổng số khoảng 72.000 tấn nông sản thất thoát. Thế nhưng đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng và các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành đánh giá thêm.
Trước đó, chính phủ nước này vào ngày 25/9 dự kiến rằng bão Noru có thể làm ảnh hưởng đến 76% diện tích trồng lúa của cả nước.
Hơn 74.000 người dân ở Philippines phải sơ tán trước khi bão Noru đổ bộ. Ảnh: AP
Theo Cơ quan Quản lý Dịch vụ thiên văn và Địa vật lý Khí quyển Philippines, vào đêm 26/9, bão Noru đã rời khỏi Philippines sau khi khiến ít nhất 8 người thiệt mạng. Trước khi cơn bão đổ bộ, hơn 74.000 người dân đã phải sơ tán khỏi nhà. Sau khi quét qua Philippines, siêu bão này đã gây ra thiệt hại lớn khi làm sập đường dây điện, hư hại nhiều công trình…
Philippines là một quốc gia thường xuyên hứng chịu nhiều cơn bão. Theo Trung tâm Giảm nhẹ Thiên tai châu Á, Philippines hứng chịu trung bình 20 cơn bão mỗi năm, trong đó có những siêu bão với sức tàn phá lớn. Chẳng hạn, siêu bão Haiyan vào năm 2013 khiến hơn 6.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán.
Theo các chuyên gia, số lượng các cơn bão sẽ tăng lên khi các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng rõ nét hơn.
Vậy, câu hỏi đặt ra là vì sao Philippines lại hứng chịu nhiều cơn bão?
Ảnh chụp vệ tinh về siêu bão Noru ngày 25/9. Ảnh: Toute la Thailande
Bão sẽ mạnh hơn khi chúng đi qua đại dương vì không khí bên trên vùng nước ấm tạo ra năng lượng cho chúng.
Hình dạng xoắn ốc mà chúng ta thường thấy trong ảnh chụp vệ tinh của các cơn bão là do hiệu ứng Coriolis. Đây là chuyển động xoắn ốc của gió được hỗ trợ nhờ chuyển động quay của Trái Đất. Theo các chuyên gia, tuỳ thuộc vào từng điều kiện nhất định, xoáy thuận nhiệt đới sẽ tích luỹ ngày càng nhiều năng lượng gió, lượng mưa, và cuối cùng có thể trở thành bão hoặc siêu bão.
Thứ nhất, sở dĩ Philippines thường hứng chịu nhiều cơn bão mỗi năm vì nước này nằm ngay trên Vành đai lửa Thái Bình Dương và gần đường xích đạo. Nơi đây có không khí ấm và nhiệt độ ở đại dương thuyền xuyên trên 28 độ C, nhiệt độ tối thiểu để hình thành bão. Thứ hai, theo các chuyên gia, mức nhiệt này có thể gia tăng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và điều này làm tăng tần suất xuất hiện của các cơn bão.
Cơn bão lâu đời nhất được ghi nhận tại Philippines là bão Angela vào năm 1867. Trong khi đó, cơn bão chết chóc nhất trong lịch sử nước này là Haiphong vào năm 1881. Siêu bão Haiphong đã cướp đi sinh mạng của 20.000 người cách đây gần 150 năm.
Vì sao những cơn bão ngày càng mạnh hơn?
Bão lớn bắt đầu từ một cụm giông sét nhỏ trên đại dương. Chúng cần những điều kiện khí quyển đặc biệt để phát triển đầy đủ. Cụ thể, biển phải đủ ấm, ít nhất là 27 độ C. Đây cũng là lý do tại sao mùa bão Đại Tây dương thường diễn ra từ tháng 6 đến tháng 11. Những điều kiện này cho phép các đám mây bão nhân lên và phát triển.
Biến đổi khí hậu có thể làm tăng lượng mưa trong các cơn bão. Ảnh: AFP
Khi không khí bốc lên, áp suất ở mức thấp và gió bắt đầu cuộn xoáy lên trên. Hơn nữa, Trái Đất quay khiến gió bắt đầu xoáy ngày càng nhanh hơn. Vì thế, cơn bão trở nên mạnh hơn. Khi tốc độ gió trung bình chạm ngưỡng khoảng 119 km/h, mắt bão phát triển, đánh dấu sự ra đời của một cơn bão lớn.
Tuy nhiên, không phải cơn bão nào cũng trở thành bão lớn. Bởi những cơn gió chéo mạnh ở tầng thượng quyển có thể làm tan một cơn bão.
Các nhà khoa học tin rằng sự ấm lên toàn cầu đang khiến bão trở nên mạnh hơn và di chuyển chậm hơn, vì những cơn gió ở trên cao của khí quyển, hay loại gió lái những cơn bão lớn này đang bị yếu đi.
Biển ấm hơn cũng đồng nghĩa với những cơn bão có thể hình thành kể cả ngoài mùa bão. Bão thường yếu đi khi đổ bộ vào đất liền vì chúng mất nhiên liệu là nước ấm và sau đó có thể trút xuống lượng mưa khổng lồ chỉ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 4/2022 trên tạp chí Nature Communications, trong mùa bão năm 2020, một trong những mùa bão hoạt động mạnh nhất được ghi nhận, biến đổi khí hậu đã làm tăng tỷ lệ mưa trong các cơn bão từ 8 – 11%.
Thế giới đã nóng lên 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho rằng, ở nhiệt độ ấm lên 2 độ C, tốc độ gió bão có thể tăng tới 10%.
NOAA cũng dự đoán rằng, tỷ lệ các cơn bão đạt cấp độ dữ dội nhất (cấp 4 hoặc 5) có thể tăng khoảng 10% trong thế kỷ này. Cho đến nay, chưa đến 1/5 số cơn bão đạt cường độ này, kể từ năm 1851.
Siêu bão Haiyan vào năm 2013 chính là một minh chứng về việc biến đổi khí hậu là một vấn đề cấp bách ở Philippines. Theo các nhà khoa học, những cơn bão nhiệt đới dự kiến sẽ phát triển nghiêm trọng hơn do hiện tượng ấm lên toàn cấu, với tốc độ gió mạnh và mưa lớn hơn. Chính vì vậy, các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu là điều cần thiết và phải được tiến hành nhanh chóng.
Các nhà khoa học cũng hy vọng, trong thời gian tới, với những dự báo được hỗ trợ bằng công nghệ, mọi người có thể đưa ra được những quyết định tốt hơn khi bão đến.