(Ảnh minh họa: HCMCPV).
Bộ GD-ĐT đã có công văn đề xuất tới Bộ Giao thông vận tải nhằm đưa một số quy định về hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô-tô, xe buýt trường học và dịch vụ đưa đón học sinh nói chung vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008.
Theo Bộ GD-ĐT, thời gian qua, dịch vụ đưa đón trẻ em mầm non và học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông đi học bằng xe ô tô phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước. Số liệu khảo sát tại một số thành phố lớn cho thấy tỷ lệ số chuyến đi sử dụng dịch vụ xe đưa đón có thể lên tới 10% của tổng số học sinh và sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên trong thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ vận chuyển học sinh tại một số địa phương, như việc sử dụng xe không bảo đảm chất lượng; lái xe chưa bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, chưa thực hiện đúng quy trình đưa đón học sinh, học sinh bị văng ra khỏi xe, thậm chí bỏ quên học sinh nhiều giờ trên xe ô tô dẫn đến tử vong gây lo lắng và bức xúc trong dư luận xã hội.
Mặc dù đã có nhiều nội dung siết chặt quản lý với loại hình vận tải hợp đồng trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các quy định hiện nay với vận tải hợp đồng trong NĐ 10/2020/NĐ-CP chưa phản ánh được tính chất đặc thù và yêu cầu khắt khe về an toàn và chất lượng dịch vụ vận tải đối với loại hình vận chuyển học sinh.
Để khắc phục các bất cập hiện nay, bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón, Bộ GD-ĐT đề xuất đưa một số quy định về hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô, xe buýt trường học và dịch vụ đưa đón học sinh nói chung vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008.
Các nội dung Bộ GD-ĐT đề xuất cụ thể bao gồm ba nội dung. Về mặt chính sách, chủ thể liên quan: Vận chuyển học sinh cần được xem xét là một loại hình vận tải đặc biệt, kèm theo các quy định chặt chẽ hơn nhằm tăng cường an toàn, năng lực và trách nhiệm của các chủ thể liên quan (như: đơn vị cung cấp dịch vụ, lái xe, người quản lý học sinh...), các tổ chức, cá nhân tham gia phục vụ dịch vụ này phải có quy định trách nhiệm cụ thể và phải được tập huấn và cấp chứng chỉ hành nghề...
Về kết cấu hạ tầng giao thông và quy tắc tham gia giao thông: Trên cơ sở đăng ký hành trình, các cơ quan quản lý cần rà soát, ưu tiên bố trí điểm dừng đỗ phù hợp để đón - trả học sinh, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh. Cần ban hành hướng dẫn tổ chức giao thông phục vụ xe buýt trường học bảo đảm đồng bộ tại các vị trí đỗ đón trả học sinh, đường đi bộ, vỉa hè, biển báo, vạch kẻ đường, thềm dốc giữa vỉa hè và lòng đường, kèm theo các quy định thường xuyên giám sát duy tu bảo trì, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố.
Đồng thời ban hành quy tắc giao thông liên quan tới xe buýt trường học, bao gồm các quy tắc giao thông với xe buýt trường học và các quy tắc giao thông với giao thông khác (tốc độ xe buýt chở học sinh, quy tắc nhường đường với xe buýt trường học và học sinh qua đường, các nguyên tắc khi vượt xe).
Về tiêu chuẩn xe buýt vận chuyển học sinh: Nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn riêng đối với xe buýt học đường để tham gia đưa - đón học sinh như một số nước đang áp dụng. Do trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia giao thông, nên xe buýt trường học cần được coi là một loại xe đặc thù, được trang bị phù hợp, bảo đảm an toàn mức cao nhất cho hành khách là trẻ em (như: kết cấu xe, kích thước ghế, độ dày của nệm, các thiết kế và vật liệu chống va đập, hệ thống thoát hiểm trên xe, hệ thống tự động rà soát cảnh báo, lắp camera kết nối với hệ thống giám sát, màu sơn, các thiết bị cảnh báo bằng ánh sáng và âm thanh, các gương phụ hỗ trợ, dây bảo hiểm, chiều cao sàn xe...) để không thể xảy ra chuyện sót người, văng ra khỏi xe, bảo đảm thuận tiện an toàn cho học sinh khi sử dụng.
Theo Bộ GD-ĐT, các nội dung trên cần được thiết kế theo hướng trẻ em càng nhỏ thì yêu cầu càng cao, vận tải nội bộ nếu liên quan tới vận chuyển học sinh đều phải đáp ứng những quy định pháp luật về vận chuyển học sinh. Dịch vụ chở học sinh bằng xe máy cũng cần được tăng cường quản lý với cách tiếp cận tương tự.
Ngày 6-5, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn hỏa tốc gửi tới các cơ quan liên quan, đề nghị nghiên cứu các nội dung đề xuất của Bộ GD-ĐT, yêu cầu thực tiễn phát sinh và kinh nghiệm quốc tế để bổ sung các quy định liên quan đến dịch vụ đưa đón học sinh vào Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để Bộ Giao thông vận tải xem xét quyết định.