Trước việc bị hội đồng thẩm định loại sách công nghệ giáo dục, sản phẩm tâm huyết một đời của mình, giáo sư Hồ Ngọc Đại đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở với báo chí. “Tôi thanh thản lắm!”, ông chia sẻ.
Thưa giáo sư, ông cảm thấy thế nào khi bộ sách của mình bị loại ngay từ vòng một?
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Tôi không bất ngờ, tôi biết chuyện đó sẽ xảy ra. Khi hội đồng hỏi tôi có ý kiến gì không, tôi bảo, tôi không có ý kiến gì. Những gì cần nói, tôi đã nói hết rồi. Tôi hỏi hội đồng đã nói xong chưa, nói xong rồi thì tôi về.
Sách công nghệ giáo dục có hai lần cứu nguy cho Bộ Giáo dục. Lần thứ nhất năm 1985, khi lần đầu tiên thực hiện cải cách giáo học, có hơn 650.000 học sinh lớp 1 lưu ban. Lần thứ hai năm 2006, khi học sinh học xong, thi xong, thì quên sạch, không biết đọc biết viết. Hiện cả nước có trên 931.000 học sinh tiểu học học theo sách này.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Học công nghệ giáo dục, học sinh học đến đâu chắc đến đó. Học hết lớp 1 biết đọc biết viết, không bao giờ tái mù. Học xong lớp 2 biết viết thành câu, học xong lớp 3 không bao giờ viết sai câu.
Công nghệ giáo dục đến nay có lịch sử 50 năm, từ năm 1969. Khi cả nước chìm trong đau khổ thì tôi đang ở đồi Lênin [Liên Bang Nga-PV]. Tôi luôn tâm niệm mình phải làm cái gì đó cho sự phát triển của đất nước sau chiến tranh. Tôi coi công nghệ giáo dục như là cái mà tôi trả lại cho đất nước đã nuôi đời tôi. Có thể ngày hôm nay chưa chấp nhận thì ngày mai. Tôi gọi đây là di chúc nghiệp vụ. Thế nào nó cũng trở thành tài sản của đất nước, dù ai làm gì thì làm, nên đa số không là gì với tôi.
Nhưng hiện nay bộ sách đã bị loại, theo quy định thì sẽ không được dùng trong các nhà trường từ năm học tới. Theo giáo sư, làm thế nào để bộ sách có thể tiếp tục sống?
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Lênin nói không có tình huống nào không có lối thoát. Không có gì mà cuộc đời không giải quyết được hết, vì cuộc sống vẫn tồn tại, chân lý vẫn tồn tại thì tự nhiên sẽ có mở đường cho nó.
Việc này không phải là của tôi nên tôi không xử lý được. Quyển sách ấy, khi anh Phạm Vũ Luận [nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo-PV] đề nghị mở rộng ra toàn quốc, anh có vẻ lúng túng, tôi hiểu là không có tiền. Tôi bảo tôi cho không. Nhưng nói thế còn quá đáng, vì sách đó, tôi ăn lương nhà nước đầu tư cho tôi làm ra, nên nó không phải của cá nhân tôi. Tôi đã cho bản quyền, nên việc xử lý là việc của nhà nước, chính quyền, cơ quan, không phải việc của cá nhân tôi, nên tôi thanh thản lắm.
Học sinh lớp 1 ở Nghệ An học công nghệ giáo dục. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
Vấn đề đổi mới giáo dục, sách giáo khoa hiện nay tôi coi là vấn đề chính trị, không phải đơn thuần là vấn đề của Bộ, của mười mấy người biểu quyết. Việc của tôi xong rồi. Đó là việc của Nhà nước, Đảng, Chính phủ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, đất nước này tin mười mấy người ấy hơn hay tin tôi hơn? Coi mấy bộ sách kia hơn hay là bộ sách này hơn? Coi một nhúm mười mấy người hơn hay 931.000 học sinh hơn? Việc này nghiêm trọng chứ không đơn giản. Việc biểu quyết không phải lúc nào cũng đúng.
Hội đồng nói sách công nghệ giáo dục quá khó, dù sách được đưa vào dạy cho học sinh miền núi, vùng sâu vùng xa trước, sau đó mới mở rộng ra cả nước. Theo hội đồng, giáo sư cần phải chỉnh sửa thêm. Quan điểm của ông thế nào?
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Công trình đó tôi làm cả một đời người, tôi điều chỉnh mãi rồi. Điều chỉnh phải có tư tưởng chỉ đạo, kỹ thuật thực thi, không thể nghe tào lao. Tôi sẽ không chỉnh gì cả.
Tôi dạy đại số cho học sinh lớp 2 ở Nga. Về Việt Nam, tôi dạy toán cho học sinh lớp 1. Đại số tôi dạy về tổ hợp, cái đó với thời của các vị là cao, nhưng với trẻ con nó chấp nhận được. Cái gì trẻ con làm được, vui vẻ thì sao lại bảo quá sức? Quá sức là do ấn tượng về nghiệp vụ sư phạm quá thấp của anh. Tôi quyết liệt với phương pháp giáo dục hiện nay. Tôi về hưu rồi, tôi chẳng phụ thuộc vào gì. Nhưng tôi vì đất nước.
Sách của tôi tôi viết mấy chục năm, tôi đã tính hết. Cái gì nghe được thì tôi nghe. Tôi đã điều chỉnh rồi chứ không phải không. Đó là bản in cuối cùng của tôi.
Lấy tiêu chuẩn bài học, khái niệm làm đơn vị cơ bản, thì môn Tiếng Việt tiểu học chỉ có một khái niệm là “tiếng.” Lớp 2 chỉ có hai khái niệm “từ” và “câu.” Học sinh lớp 2 viết đúng câu. Lớp 3 chỉ có một khái niệm mới là “ngữ,” lớp 4 có khái niệm là “bài,” lớp 5 là “vận dụng.” Toàn bộ môn tiếng Việt cấp 1 tôi chỉ có 6 khái niệm. Toán cấp 1 tôi chỉ có 4 khái niệm số tự nhiên, thao tác trên số tự nhiên có 4 phép toán: đếm, đo, cộng, nhân, trái với cộng là trừ, trái với nhân là chia. Tôi dạy phép toán chứ không phải phép tính.
Bây giờ bắt tôi theo chủ điểm, chủ đề tôi không theo.
Tư duy kinh nghiệm là ở gia đình, ở trường phải là tư duy khoa học. Tư duy khoa học thì trẻ con và người lớn đều như nhau. Giờ bắt tôi phải theo họ, tôi không làm được.
Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là đổi mới về tận nguyên lý triết học giáo dục, dạy trẻ con để là gì, mục đích gì, chứ không phải chỉ sách giáo khoa. Tôi vẫn hy vọng đổi mới nhưng là đổi mới khoa học, đàng hoàng, chứ không phải vì dự án.
Tôi tin đất nước này không thể không dùng sách tiếng Việt lớp 1 của tôi./.