TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục cho hay: 'Giáo dục đang đổi mới từng ngày, chú trọng việc căn cứ vào thực tế của mỗi học sinh để giáo viên đưa ra phương pháp giáo dục cụ thể.
Quan trọng nhất là không được ép học sinh. Ngay cả việc kỷ luật học sinh bằng cấm túc phải có hội đồng kỷ luật xem xét.
Nhà trường không được bất chấp, tùy tiện đưa ra các hình thức kỷ luật phản giáo dục. Trong sự việc này, cách xử lý của nhà trường đã đi quá đà, biến học sinh thành tội đồ, bị cấm túc, ngày nào cũng phải đến lớp sớm để những giáo viên khác giáo dục về quy tắc ứng xử nhưng tôi không biết những người giáo dục em học sinh kia đã hiểu rõ thế nào là ứng xử đúng quy tắc chưa?'.
Nữ sinh lớp 10 nghi tự tử và lá thư được cho là 'thư tuyệt mệnh' của em để lại.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, giáo dục học sinh tích cực không phải tìm lỗi sai của ai, quan trọng là giúp học sinh nhìn thấy điểm hạn chế của mình mà khắc phục, mà cố gắng sửa.
'Tôi được biết cô giáo chủ nhiệm của học sinh này còn viết 'status' (trạng thái) đăng trên mạng xã hội thanh minh cho mình. Là cô giáo chủ nhiệm nhưng lại không thương yêu học sinh, ứng xử không xuất phát tình yêu thương, không giúp học sinh bớt tổn thương mà lại khiến em ấy tổn thương hơn...
Là một nhà tâm lý giáo dục, tôi cho rằng cả ban giám hiệu, cả giáo viên chủ nhiệm phải nhận lỗi với học sinh. Ở đây nếu có phê bình học sinh công khai trước toàn trường thì phải xin lỗi công khai mới là dân chủ. Ban giám hiệu phải nhận lỗi chân thành vì học sinh dám dùng cái chết để phản đối hình thức kỷ luật với mong muốn không còn học sinh nào phải chịu đả kích, bị tổn thương như mình…', TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, sau sự việc cần có các biện pháp giải quyết tổn thương cho học sinh để học sinh vượt qua chấn động tâm lý trên cơ sở phải tôn trọng học sinh. Việc này hiện các nhà trường đang coi nhẹ thực hiện quyền của học sinh .
'Điều quan trọng hơn là trong nhà trường phải áp dụng triệt để việc kỷ luật tích cực, dân chủ và kỷ cương, tình thương và trách nhiệm với học sinh. Đây phải là phương châm hành động của mỗi thầy cô trong nhà trường, không thể áp đặt mà không kể cảm xúc, suy nghĩ học sinh. Áp đặt học sinh là quản lý lỗi thời không được chấp nhận', TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.
Trước đó, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Việt Hùm - Hiệu trưởng và bà Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày 7/12 do có một số sai sót trong công tác tổ chức, quản lý và biện pháp xử lý. Đó là tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định.
Cụ thể, trường THPT Vĩnh Xương mời phụ huynh em Y. đến trường để trao đổi về việc vi phạm của em trong lớp học như: mặc áo mỏng, chạy xe phân khối lớn và dùng điện thoại ghi âm cô giáo trong giờ học.
Tại buổi làm việc, gia đình đã thừa nhận em Y. có vi phạm và bản thân em đã xin lỗi giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy lớp. Nhà trường đã yêu cầu em Y. viết bản tự kiểm điểm, hứa sửa chữa, khắc phục và vào trường học tập nội quy. Tuy nhiên, em Y. đã không nhận lỗi và khẳng định mình không sai gì cả.
Sau đó, ngày 28/11 trường có ban hành thông báo gửi về gia đình, trong đó có liệt kê các lỗi mà em Y. đã vi phạm và yêu cầu em viết kiểm điểm, thực hiện cấm túc hằng ngày trong 2 tuần (từ ngày 1 đến 12/12).
Đến sáng ngày 30/11, cô Huỳnh Thị Thu Huệ - giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4 – phát hiện em Y. không có mặt ở lớp nên đã gọi điện báo cho gia đình biết. Đồng thời cô Huệ đã đi tìm và phát hiện em Y. bị ngất trong nhà vệ sinh.
Nhân viên y tế đã tiến hành sơ cứu và gọi điện báo cho gia đình. Sau đó em Y. được đưa đến Bệnh viện Nhật Tân, TP Châu Đốc cấp cứu.