Đã thẩm định xong vòng 1 sách lớp 2 và 6
Bộ GD&ĐT cho biết, trước phản ánh về việc sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tạo đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát, báo cáo. Hội đồng thẩm định và tác giả đã chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài: 'Cua, cò và đàn cá' trang 115, bài 'Hai con ngựa' trang 157, bài 'Lừa, thỏ và cọp' trang 163,… Đồng thời, thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ 'nhá', 'nom', 'quà… quà', 'chén',…
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, trong thời gian tới, mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để SGK ngày càng hoàn thiện, góp phần triển khai thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong khi sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều còn đang phải điều chỉnh, dư luận cả nước tiếp tục quan tâm đặc biệt đến công tác thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6, được sử dụng từ năm học 2021 - 2022. Về vấn đề này, ông Trần Quang Nam - Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT thông tin, thời gian qua, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đã tiến hành thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6.
Đối với SGK lớp 2, Bộ đã nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định của 4 NXB gồm: NXB Giáo dục Việt Nam, NXB ĐH Sư phạm, NXB ĐH Sư phạm TP.HCM, NXB ĐH Quốc gia TP.HCM. Theo đó, có 33 bản mẫu SGK của đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2 đã được gửi về. Trong đó, môn Toán có 4 bản mẫu, môn Tiếng Anh (môn học tự chọn) có 8 bản, các môn còn lại (Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm) mỗi môn có 3 bản mẫu.
Đối với lớp 6, Bộ GD&ĐT nhận được 43 bản mẫu SGK của đầy đủ 11 môn học/hoạt động giáo dục giáo dục bắt buộc, bản mẫu tiếng Anh. Trong đó, trừ môn Tin học có 6 bản mẫu, tiếng Anh có 9 bản mẫu, các môn còn lại mỗi môn có 3 bản mẫu SGK.
Cũng theo ông Nam, việc thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 đã hoàn thành vòng 1, các NXB đang chỉnh sửa, hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định. Dự kiến, thẩm định vòng 2 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10 (đối với lớp 2) và trung tuần tháng 11 (đối với lớp 6). Quá trình lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 sắp tới sẽ theo quy định của thông tư mới.
Một số nội dung của sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều sẽ phải điều chỉnh, bổ sung. Ảnh: TL
Cần phải lập hội đồng thẩm định mới?
Chia sẻ quan điểm góp ý đối với thẩm định các bộ SGK còn lại, TS. Nguyễn Sóng Hiền - nhà nghiên cứu giáo dục tại Úc cho rằng, thẩm định các SGK còn lại cần thành lập một hội đồng thẩm định mới với những nhà giáo dục, giáo viên, các nhà chuyên môn thật sự am hiểu về giáo dục, tâm lý giáo dục và lĩnh vực của nghành mình. Hơn hết, họ phải định cho được con người Việt Nam mà chúng ta hướng tới đó là những con người vừa 'Hồng' vừa 'Chuyên'.
Tuy nhiên, theo TS Hiền, chúng ta không nên hiểu máy móc và áp đặt về hai khái niệm này mà cần đặt nó trong bối cảnh mới của Việt Nam hiện nay. Chúng ta phải minh định được cho rõ 'Hồng' và 'Chuyên' trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập thế giới này bao gồm những phẩm chất và năng lực gì? Nếu chúng ta dựa trên 5 phẩm chất và 10 năng lực như chúng ta đang xây dựng nó đã cụ thể chưa? Có định lượng được không hay còn mơ hồ, chung chung? Cần phải thảo luận và làm rõ hơn.
'Cần công khai các tiêu chí đánh giá đối với mỗi loại chương trình, mỗi môn học, bài học để xã hội củng tham góp ý và phản biện. Có như vậy, chúng ta mới có thể cho ra đời những sản phẩm đạt được kỳ vọng của xã hội. Cá nhân tôi tin rằng, đến lúc SKG chỉ đóng vai trò như tài liệu hỗ trợ quá trình dạy và học vì với tốc độ phát triển kiến thức nhân loại, sự bùng nổ của cách mạng công nghệ thông tin như hiện nay SGK không thể đáp ứng kịp được những thay đổi đó' - TS Nguyễn Sóng Hiền nêu quan điểm.
Trong cuộc họp với Bộ GD&ĐT về những góp ý SGK lớp 1 (ngày 12/10), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD&ĐT cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung, nếu cần thiết, tất cả các quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn SGK mới cho giáo viên trong những năm tới. Có thể thay đổi cách làm đối với bản thảo một cuốn SGK khi mới nộp cho Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia thì đưa lên mạng và kêu gọi giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cộng đồng, trong đó có các phụ huynh, cùng góp ý.