Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu học trực tiếp tại trường trong sáng 14-2-2022. Ảnh: CAO THĂNG
Chiều 14-2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các vấn đề dư luận quan tâm dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM kiêm Phó Trưởng Ban chỉ đạo.
Tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao
Thông tin tại buổi họp báo, đồng chí Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 13-2, TPHCM ghi nhận 516.801 trường hợp mắc bệnh, bao gồm 515.892 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 909 trường hợp nhập cảnh. Hiện, thành phố đang điều trị 739 bệnh nhân, trong đó có 38 trẻ em dưới 16 tuổi, 72 bệnh nhân nặng đang thở máy, 12 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 13-2, có 90 bệnh nhân nhập viện, 86 bệnh nhân xuất viện, 1 trường hợp tử vong trong ngày. Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 13-2, trong đó 8.107.716 mũi 1, 7.300.956 mũi 2, 663.223 mũi bổ sung và 3.943.919 mũi nhắc lại.
Đồng chí Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo
Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM, sáng 14-2, toàn bộ trẻ từ mẫu giáo (3 tuổi-6 tuổi) và học sinh (lớp 1 đến lớp 6) thực hiện kế hoạch của thành phố đến trường học trực tiếp với không khí phấn khởi.
Cụ thể, khối mầm non có 151.325/ 238.262 trẻ đến trường (đạt tỷ lệ 66,33%), khối tiểu học có 670.366/698.356 học sinh (đạt tỷ lệ 95.99%), số học sinh lớp 6 tới trường 89.818/94.903 học sinh (đạt 94,64%). Trong tuần đầu đi học trở lại, khối mầm non không tổ chức ăn sáng. Bảo mẫu, giáo viên tập trung đón trẻ từ đầu buổi học và có những tầm soát phối hợp với cha mẹ trẻ để chăm sóc.
Ở cấp tiểu học, nhiều cơ sở tổ chức học bán trú nhưng một số cơ sở chưa tổ chức lại hoạt động này do chưa đáp ứng đòi hỏi về quy định phòng chống dịch, cơ sở vật chất', ông Trịnh Duy Trọng thông tin và cho biết, trong ngày đầu tiên trẻ đến trường học trực tiếp, ngành giáo dục ghi nhận khối mầm non có 1 F0, khối tiểu học có 1 F0, lớp 6 có 1 F0. Cả 3 trường hợp này đều được các cơ sở giáo dục phối hợp cơ quan y tế địa phương xử lý theo quy định. Các F1 được phát hiện đều âm tính với SARS-CoV-2.
Thuyết phục phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine
Thông tin về kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn chi tiết về việc tiêm vaccine cho đối tượng này, Sở Y tế đã có kế hoạch gửi UBND TPHCM để khi có hướng dẫn của Bộ Y tế thì ngành y tế TPHCM sẽ triển khai ngay.
Hiện tổng số ttrẻ sinh sống tại TPHCM từ 5-11 tuổi có khoảng 970.000 em. Trong số này, 950.000 trẻ đã đi học, 20.000 trẻ chưa đi học. Dự kiến kế hoạch tiêm mũi 1 sẽ hoàn tất trong vòng 30 ngày và khoảng cách giữa 2 mũi tiêm tùy thuộc vào hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong thời gian chờ triển khai, HCDC đã tập huấn, hướng dẫn địa phương giám sát công tác tiêm chủng, bảo quản vaccine và xử lý những trường hợp tai biến… Trong trường hợp gia đình trẻ không đồng ý cho trẻ tiêm vaccine, về nguyên tắc, trẻ vẫn được đi học bình thường. Tuy nhiên, địa phương, nhà trường và ngành y tế cố gắng thuyết phục phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thông tin tại buổi họp báo
Đánh giá về số ca mắc mới và tử vong tại TPHCM trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết trước Tết, số ca mắc mới trên địa bàn giảm mạnh (dưới 100 ca). Sau Tết, do hoạt động đi lại, giao lưu tăng cường, số ca mắc mới có tăng trở lại (300 ca/ngày). 'Dịp Tết có sự nhích lên, tuy nhiên khoảng 2 tuần nay, số ca tử vong gần như giảm rất thấp. Đây là tín hiệu rất lạc quan', ông Nguyễn Hồng Tâm khẳng định và cho biết, sắp tới, việc trẻ đi học lại sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Do đó, ngành giáo dục và y tế luôn cảnh giác, chuẩn bị tốt nhất về quy trình xử lý, giám sát khi có F0, F1, cố gắng không để xảy ra lây lan dịch trong nhà trường.
Trước phản ánh của nhiều doanh nghiệp về gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, sở đã yêu cầu các cửa hàng xăng dầu báo cáo ngay nếu thiếu nguồn cung. Bên cạnh đó, Sở đang phối hợp với Cục Quản lý thị trường để kiểm tra, giám sát về công tác nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu.
Hiện Sở đã kiểm tra 6 cửa hàng. Trong đó, chỉ có một cửa hàng đóng cửa vì không có xăng dầu để phân phối cho người dân. Còn lại, các cửa hàng đa số hết xăng RON 95 hoặc hết xăng, còn dầu. Sau khi kiểm tra, tình hình chung là các cửa hàng đều đã đăng ký đặt hàng với đầu mối nhưng hàng hóa chưa về.
Sở Công Thương và cơ quan quản lý thị trường đang theo dõi chặt; tiếp tục làm việc với các đơn vị cung cấp nguồn cung để báo cáo cho TPHCM và Bộ Công Thương.