Hội nghị do Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì.
Có cơ chế chính sách hỗ trợ lực lượng PCCC rừng tại chỗ
Tại hội nghị, đại diện Công an TP đã nêu những kết quả đạt được trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất. Trong đó, Công an TP đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến PCCC và cứu nạn cứu hộ- đặc biệt là quy định đối với một số loại hình cơ sở đặc thù. Bổ sung quy định chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng làm công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ tương xứng với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ; có chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên mọi tầng lớp Nhân dân tham gia hoạt động PCCC...
Quang cảnh hội nghị
Nêu ý kiến tại hội nghị, Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Hà Nội Tạ Duy Long đề xuất, để nâng cao năng lực và hoàn thành tốt công tác bảo vệ rừng-PCCC rừng để phát hiện sớm, xử lý những vụ việc phát sinh kịp thời, hiệu quả đơn vị cần được trang bị và sử dụng các thiết bị, công cụ hỗ trợ như: Thiết bị bay có camera ảnh nhiệt; thiết bị bay vận chuyển hàng hóa khẩn cấp; Thiết bị lập và cập nhật dữ liệu; Thiết bị quan trắc tĩnh ATL Camera...
Ông Nguyễn Văn Du - Chủ hộ kinh doanh Karaoke 5 sao chia sẻ tại hội nghị
Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Hà Nội cũng đề xuất đầu tư phát triển hệ thống đường lâm nghiệp kết hợp phòng chống cháy rừng giúp cho việc đi lại bảo vệ, phát triển rừng của chủ rừng được thuận lợi, làm đường phân định ranh giới giữa đất rừng và đất khác; Đầu tư xe chuyên dùng để chuyên chở dụng cụ máy móc thiết bị phục vụ cho công tác cứu chữa cháy rừng. Đồng thời, Ban đề nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu xem xét cơ chế, chính sách cho các hộ dân đang sinh sống trong quy hoạch rừng; Tổ chức lại lực lượng tổ, đội xung kích tại các xã có rừng và có cơ chế chính sách hỗ trợ lực lượng này để đảm bảo duy trì lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng tại chỗ.
Trang bị hệ thống trụ cấp nước chữa cháy chưa đáp ứng
Đại diện cho cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke, ông Nguyễn Văn Du - Chủ hộ kinh doanh Karaoke 5 sao (ở Thái Thịnh, Đống Đa) chia sẻ: Bên cạnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 các cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke phải đóng cửa, gây tổn thất về kinh tế thì việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC trong 3 năm qua liên tục thay đổi. Trong khi đó, việc ban hành văn bản hướng dẫn khắc phục với cơ sở Karaoke còn chậm khiến cơ sở mất nhiều thời gian, chịu tổn thất lớn về kinh tế trong thời gian dài.
Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Phú Mỹ Lê Minh Nghĩa
Ngoài ra, với quy định yêu cầu hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà có trữ lượng bể nước tính toán trong 3 giờ dẫn tới nhiều khó khăn cho cơ sở khi phải đáp ứng khối lượng bể nước lên tới 150-250m3. Các doanh nghiệp Karaoke hàng năm đều phải đóng thuế đầy đủ nhưng việc trang bị hệ thống trụ cấp nước chữa cháy lại chưa đáp ứng để doanh nghiệp có thể sử dụng.
Cùng đó, với yêu cầu trang bị hệ thống hút khói hành lang, việc cấp khí bù..., hiện nay theo QCVN 06:2022/BXD có một số yêu cầu khác cao hơn như: Yêu cầu trang bị hút khói hành lang từ 2 tầng trở lên và khi có hệ thống hút khói thì đồng thời phải trang bị hệ thống cấp khí bù. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn để tính toán thiết kế phần hệ thống cấp khí bù.
Từ những vướng mắc, tồn tại nêu trên, chủ cơ sở kinh doanh Karaoke đề xuất điều chỉnh yêu cầu đối với hệ thống hút khói hành lang như quy định QCVN 06:2010/BXD, chỉ nên quy định yêu cầu giới hạn chịu lửa EI đối với trường hợp khí đường ống gió đi qua khoang cháy khác nhau hoặc bổ sung những quy định cụ thể về vật liệu đáp ứng các tiêu chí EI trong Quy chuẩn... Đồng thời, kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an sớm sửa đổi QCVN 06, trong đó không yêu cầu trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà với từng cơ sở.
Đề xuất quy định PCCC cụ thể cho từng khu công nghiệp
Tại hội nghị, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Phú Mỹ (thuộc Khu công nghiệp-KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) Lê Minh Nghĩa cũng nêu một số khó khăn trong thực hiện chính sách pháp luật về PCCC.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại hội nghị
Theo đó, KCN Phú Nghĩa được thành lập từ năm 2007 nên các quy định liên quan đến công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ được thực hiện theo các quy định của Luật PCCC năm 2001. Việc áp dụng các quy định của pháp luật về PCCC năm 2020 đối với các KCN hình thành trước thời điểm có các quy định về thành lập Đội PCCC chuyên ngành, trang bị xe chữa cháy chuyên dụng là rất khó khăn và không có hướng dẫn phù hợp cho từng đối tượng cụ thể; phát sinh rất nhiều chi phí như: đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị của đội PCCC và trang bị 2 xe chữa cháy chuyên dụng; các chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, chi phí hoạt động của Đội PCCC chuyên ngành...
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Tập đoàn Phú Mỹ đề nghị các đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể cho từng trường hợp các KCN đã hình thành trước đây vào Luật PCCC và các Nghị định và Thông tư liên quan để các đơn vị thực hiện cho phù hợp.
Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai ghi nhận các ý kiến trách nhiệm cao của cử tri đã chuyển tải được những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn và khẳng định: Với trách nhiệm của mình, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến cử tri sẽ để chuyển tải tới các cơ quan chức năng, chuyên môn, đồng thời tăng cường giám sát để đánh giá thực tiễn, tổng hợp để cập nhật, hoàn thiện pháp luật.