Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở TP.HCM
Sở Y tế TP.HCM nói gì việc người tiêm 2 mũi vaccine vẫn tử vong vì COVID-19?
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Chiều 11/11, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM, chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Buổi họp báo diễn ra trong bối cảnh, thành phố ghi nhận nhiều dấu hiệu về sự 'nóng lại' của dịch COVID-19.
Tại buổi làm việc, PV Dân trí đặt câu hỏi, đề cập tới hiện tượng một số người tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn tử vong do COVID-19. Theo đánh giá của ngành y tế thành phố, đây có phải là dấu hiệu bất thường về tình hình dịch bệnh hay không?
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, vaccine COVID-19 hay bất kỳ loại vaccine nào khác chỉ làm giảm khả năng mắc bệnh. Tuy nhiên, khi mắc, bệnh nhân vẫn có khả năng chuyển nặng và tử vong.
'Khi so sánh, người đã tiêm đủ vaccine COVID-19 thì tỷ lệ chuyển nặng, tử vong sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa việc đã tiêm vaccine là không sao hết', ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cung cấp số liệu, trong số các trường hợp mắc COVID-19 tử vong những ngày vừa qua, có 2 trường hợp đã tiêm một mũi vaccine COVID-19, 10 trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi.
'Toàn bộ 10 trường hợp tử vong dù đã tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 đều trên 50 tuổi. Như vậy, nhóm nguy cơ cao hiện nay của thành phố là những người cao tuổi, người mắc bệnh nền, đặc biệt trường hợp có bệnh nền lâu năm', lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.
Sở Y tế TP.HCM đề nghị, thời gian tiếp theo, các địa phương cần rà soát, đưa ra những biện pháp phòng, tránh lây nhiễm, ngăn chặn chuyển nặng đối với nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền. Trong đó, những người chưa tiêm vaccine COVID-19 cần được quan tâm đặc biệt.
Đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM những ngày gần đây, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định, số ca mắc có xu hướng gia tăng. Đây là xu hướng tất yếu sau khi địa bàn nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
'Một số quận, huyện gặp quá tải cục bộ tại trạm y tế lưu động khi các lực lượng hỗ trợ rút đi. Thời gian qua, Sở đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 các quận, huyện để điều động các đội lưu động đến hỗ trợ trong công tác quản lý, chăm sóc F0', Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ.
Thông tin trong họp báo chiều 11/11, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế thường xuyên phân tích số liệu bệnh nhân COVID-19 nặng và tử vong tại TP.HCM mỗi ngày.
Ngày 10/11, 38 trường hợp tử vong vì COVID-19 có 34 ca có bệnh nền. Nhóm từ 18-50 tuổi có 2 trường hợp, nhóm từ 51 đến 65 tuổi là 15 ca 39,5%, nhóm trên 65 tuổi là 21 ca chiếm 55%.
'Số tử vong vẫn tập trung ở nhóm có bệnh nền và người lớn tuổi. May mắn không có trường hợp tử vong ở trẻ em ngày hôm qua', BS Châu nhận định.
Phân tích sâu hơn về tiền sử tiêm vaccine, BS Châu cho biết, có 20/38 trường hợp tử vong chưa tiêm vaccine. Trong số chưa tiêm vaccine này, có 12 trường hợp trên 65 tuổi và có bệnh nền. Một số trường hợp là người già, nằm liệt tại chỗ nhiều năm nay, bị lây nhiễm và tử vong.
Trong số 38 ca tử vong, có 2 trường hợp tử vong đã tiêm 1 mũi vaccine. Đáng chú ý, vẫn có 10 bệnh nhân COVID-19 tử vong dù tiêm đủ 2 mũi vaccine. '10 trường hợp này đều trên 50 tuổi, có bệnh nền', BS Châu nói.
TP.HCM ra văn bản yêu cầu không để tái bùng phát
Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu ban chỉ đạo phòng, chống dịch các sở, ngành, đơn vị thực hiện nghiêm nghị quyết 128 của Chính phủ, chỉ thị 18 của TP. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả gắn với khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch cần tăng cường tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà máy... nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe. Quy trình xử lý F0 khi phát hiện tại cơ sở cần được đặc biệt quan tâm, trường hợp cố tình vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch, có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm làm lây lan dịch bệnh cần xử lý nghiêm.
Các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát dịch trong giai đoạn hiện nay, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. TP Thủ Đức, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra, đánh giá dịch bệnh, điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, không để dịch lây lan rộng, khó kiểm soát.
TP.HCM tổ chức tưởng niệm người tử vong do COVID-19 vào tối 19/11
Ông Phạm Đức Hải - Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM - cho biết, UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch số 3759 về tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong đại dịch COVID-19. Buổi lễ được tổ chức dưới danh nghĩa của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) và Thành ủy TP.HCM, đơn vị tổ chức là Ban Tổ chức Kỷ niệm các ngày lễ lớn thành phố cùng các sở, ngành.
Theo kế hoạch, buổi lễ được tổ chức vào 19h ngày 19/11, tại Hội trường Thống Nhất (Quận 1) và TP Thủ Đức, chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp.
Trong khi hoạt động diễn ra, Ban tổ chức sẽ trình chiếu một số hình ảnh phóng sự của thành phố qua cuộc chiến sinh tử với đại dịch. Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam hoặc lãnh đạo TP.HCM sẽ phát biểu tại chương trình.
Nghi thức tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ chiến sĩ hi sinh trong đại dịch COVID-19 được bắt đầu từ lúc 19h30 ngày 19/11.
Bắc Ninh dừng hoạt động karaoke, quán bar, vũ trường từ 0h ngày 12/11
Bắc Ninh kích hoạt các biện pháp chống dịch ở mức cao nhất sau khi có ca lây nhiễm mới
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn vừa ký quyết định 3677 về việc tăng cường các biện pháp phòng dịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các hoạt động dịch vụ tụ tập đông người như karaoke, massage, vũ trường, quán bar tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.
Bắc Ninh yêu cầu người dân không ra ngoài từ 22h đến 4h sáng hôm sau, trừ các trường hợp thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm. Những trường hợp trên khi lưu thông phải có giấy xác nhận, thẻ của cơ quan, doanh nghiệp hoặc giấy tờ chứng minh khác.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu hạn chế tối đa các hoạt động, sự kiện tập trung đông người. Các gia đình tổ chức đám cưới, lễ tang phải báo cáo chính quyền địa phương, ghi lại danh sách khách tham dự.
Các địa phương vùng vàng (cấp độ 2) tổ chức đám hiếu, hỉ, liên hoan tại nhà riêng không quá 30 người;
Các địa phương vùng cam (cấp độ 3) không quá 20 người. Riêng đám tang không quá 48 giờ.
Địa phương vùng đỏ (cấp độ 4) dừng toàn bộ hoạt động đám cưới, liên hoan; đám tang tổ chức trong phạm vi gia đình, không quá 20 người và không quá 48 giờ.
Các dịch vụ ăn uống trong nhà phải đảm bảo giãn cách, không quá 50% công suất. Các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng tôn giáo hạn chế tập trung đông người, cài đặt mã QRcode, chống dịch theo cấp độ dịch.
Yêu cầu các doanh nghiệp trong KCN chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát người về từ vùng có dịch. Đối với các doanh nghiệp áp dụng '3 tại chỗ', 'vừa cách ly vừa sản xuất' phải đảm bảo an toàn cho người lao động trong thời gian ở tạm tại nhà máy; đảm bảo phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, lưu thông không khí…
Phân loại sơ đồ dịch của Bắc Ninh đến ngày 11/11, tỉnh này có 84/126 xã phường vùng xanh; 37 xã vùng vàng; 4 xã vùng cam và 1 xã (Phương Liễu, huyện Quế Võ) vùng đỏ.
Hà Nội phát hiện 146 ca COVID-19 mới tại 17 quận, huyện
Sở Y tế Hà Nội tối 11/11 cho biết, trong 24 giờ qua ghi nhận 146 ca bệnh trong đó có 19 ca cộng đồng, 107 ca khu cách ly và 20 ca trong khu phong tỏa.
Trong số này có 71 ca đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và 29 người mới tiêm 1 mũi vaccine.
146 ca bệnh phân bố tại 17/30 quận, huyện: Nam Từ Liêm (28), Ba Đình (27), Gia Lâm (20), Hoàng Mai (10), Hà Đông (8), Mê Linh (7), Cầu Giấy (7), Thanh Xuân (6), Thanh Trì (4), Ba Vì (4), Bắc Từ Liêm (4), Đống Đa (4), Long Biên (4), Hoài Đức (2), Phú Xuyên (2), Chương Mỹ (1), Hai Bà Trưng (1).
Phân bố 146 theo các chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm liên quan ổ dịch Phú Đô, Nam Từ Liêm (11); Chùm liên quan ổ dịch Thủ Lệ, Ngọc Khánh (2); Chùm liên quan ổ dịch Trần Duy Hưng (4);
Chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (21); Chùm liên quan ổ dịch Kho hàng Shoppe KCN Đài Tư - Long Biên (12); Chùm liên quan ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng - Mê Linh (12); Chùm liên quan ổ dịch Nam Dư, Lĩnh Nam - Hoàng Mai (1); Chùm liên quan ổ dịch Phú La – Hà Đông (10); Chùm liên quan ổ dịch Sài Sơn, Quốc Oai (7); Chùm liên quan ổ dịch Yên Xá, Tân Triều - Thanh Trì (3);
Chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt (33); Chùm sàng lọc ho sốt (4); Chùm liên quan các tỉnh có dịch (6); Chùm liên quan các tỉnh có dịch - thứ phát (20);
Phân bố 19 ca cộng đồng theo chùm: Chùm liên quan Sàng lọc ho sốt (4); Chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt (9); ổ dịch Phú Đô, Nam Từ Liêm (1); Liên quan các tỉnh có dịch (thứ phát) (1); ổ dịch Trần Duy Hưng (1), ổ dịch Chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (3).
Phân bố 19 ca cộng đồng theo 9 quận, huyện: Hà Đông (5); Gia Lâm (4); Ba Đình (3); Hai Bà Trưng (2); Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoài Đức, Long Biên, Thạch Thất (1).
Thái Bình phong toả 2 thôn, cho học sinh 5 xã nghỉ học
Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Vũ Thư cho biết, liên quan đến ổ dịch mới xuất hiện tại huyện này từ hôm 10/11, trong suốt đêm 10/11 đến ngày 11/11, các đơn vị chuyên môn của tỉnh, huyện đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho toàn bộ hơn 600 công nhân may và 900 người dân liên quan đến đến các ca trường hợp F0.
Đến chiều 11/11, kết quả xét nghiệm đã ghi nhận 24 ca dương tính mới bằng phương pháp xét nghiệm PCR. Các ca dương tính mới được ghi nhận nằm rải rác trên nhiều xã thuộc địa bàn huyện Vũ Thư.
Cũng trong chiều nay, Phòng Giáo dục huyện Vũ Thư đã quyết định học sinh 5 xã vùng dịch (xã Nguyên Xá, Vũ Đoài, Vũ Tiến, Duy Nhất và Việt Thuận) nghỉ học tại trường, bắt đầu học trực tuyến từ ngày 12/11.
Nữ sinh lớp 9 huyện Ninh Giang mắc COVID-19, phong tỏa 1 xã, học sinh toàn huyện tạm dừng đến trường
Xã Tân Phong (huyện Ninh Giang) vừa ghi nhận 1 ca dương tính là nữ sinh trường THCS
Đến sáng nay (11/11), nữ sinh đến Trạm Y tế xã Tân Phong khám điều trị. Tại Trạm Y tế, công dân có nhiệt độ 37,3, họng đỏ, các bộ phận khác bình thường. Tuy nhiên, khi thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đều cho 2 lần kết quả dương tính. Ngay khi có kết quả nghi ngờ, Trạm Y tế đã báo cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Tân Phong, Trung tâm Y tế huyện và Ban chỉ đạo huyện Ninh Giang.
Qua điều tra dịch tễ của cơ quan chức năng xác nhận, trong 14 ngày qua nữ sinh ở nhà và đi học tại lớp 9B, có tiếp xúc với các bạn trong lớp và một số bạn lớp 9A. Khi đi học, công dân ở trong trường không ra ngoài và không đến nhà bạn nào chơi. Khi về nhà, nữ sinh ở nhà, không sang nhà hàng xóm chơi và thỉnh thoảng có bạn của em trai sang chơi.
Sau khi nhận được thông tin, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Ninh Giang nhanh chóng có mặt tại xã Tân Phong tiến hành họp khẩn và lên phương án ứng phó. Chỉ đạo cho xét nghiệm toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trường Tiểu học, THCS, thành viên ban chỉ đạo xã và ghi nhận tiếp 32 học sinh có kết quả nghi ngờ khi thực hiện test nhanh.
Đáng chú ý, toàn bộ học sinh có kết quả nghi ngờ có 31 em học tại trường THCS và 1 học sinh trường tiểu học. Những trường hợp này đã được đưa đi cách ly, lấy bệnh phẩm gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh làm xét nghiệm PCR và chiều nay ghi nhận 1 ca dương tính. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tiến hành phun khử khuẩn khu vực gia đình ca dương tính sinh sống và trường học...
Liên quan đến các trường hợp trên, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Ninh Giang quyết định phong tỏa toàn bộ địa bàn xã Tân Phong từ 11h trưa nay (11/11) theo nguyên tắc nhà cách ly với nhà, xóm cách ly với xóm, thôn cách ly với thôn, xã cách ly với xã.
Ban chỉ đạo cho lập các chốt kiểm soát ra vào địa bàn xã Tân Phong, yêu cầu tất cả người dân tuyệt đối không được ra khỏi nhà, cấm mọi người ra vào qua các chốt; đồng thời sử dụng trường mầm non địa phương làm điểm cách ly tập trung cho các trường hợp F1. Trong ngày mai toàn bộ người dân sinh sống trên địa bàn xã Tân phong được lấy mẫu xét nghiệm theo diện rộng.
Đại diện ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Giang cho biết: 'Bắt đầu từ sáng 12/11 toàn bộ học sinh trên địa bàn huyện tạm dừng đến trường; riêng cấp tiểu học, THCS, THPT sẽ chuyển sang học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới'.
Phát hiện 6 bệnh nhân COVID-19 bỏ trốn khỏi bệnh viện
6 bệnh nhân COVID-19 bỏ trốn khỏi bệnh viện (Ảnh: Người lao động)
Chiều 11/11, ông Nguyễn Chí Tường, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết trên báo Người Lao Động, khoảng 11 giờ trưa cùng ngày, 6 bệnh nhân COVID-19 gồm A Linh (17 tuổi), A Rổ (16 tuổi), A Chim (18 tuổi), A Ly (19 tuổi), A Triệu (18 tuổi) và A Chon (17 tuổi, cùng trú thôn Măng La, xã Ngọc Bay, TP Kon Tum) rủ nhau bỏ trốn khi đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, cơ quan chức năng liền tổ chức truy tìm. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, cơ quan chức năng đã phát hiện 6 bệnh nhân trên đang lẩn trốn tại vườn cao su gần bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi.