Ngày 27/12, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội mở phiên xét xử 7 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra ở Công ty Việt Á và Học viện Quân y.
Trong số này, bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch Việt Á), Hồ Thanh Sơn (cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học Quân sự, Học viện Quân y) và Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) đều phải hầu tòa.
Các bị cáo tại tòa ngày 27/12. Ảnh: Phúc Bình
'Đạo diễn' kit test Việt Á khai gì?
Sau bản công bố cáo trạng, bị cáo Trịnh Thanh Hùng bị truy tố về tội 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ' khai: Ngày 31/1/2020, nhận được công văn của Học viện Quân y về đề xuất nhiệm vụ phát triển kit test Covid-19. Trước khi nhận công văn, bị cáo Hồ Anh Sơn đã gọi điện cho bị cáo Hùng và nói nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y đã tiếp cận được tài liệu nghiên cứu của nhóm chuyên gia nước ngoài về việc nghiên cứu và chế tạo kit test Covid-19. Ông Sơn thấy rằng, đề tài này rất khả thi nên đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, tạo điều kiện.
Sau khi nghe bị cáo Sơn trình bày, bị cáo Hùng trả lời rằng cần tìm doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO (đây là điều kiện bắt buộc phải có) để Bộ Y tế cấp phép cho bộ kit test nếu như kết quả nghiên cứu thành công.
Khi đó, bị cáo Sơn nói có biết một doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng lại chỉ sản xuất que thử, không sản xuất kit xét nghiệm PCR nên không thể phối hợp được.
'Lúc đó, bị cáo đã nhớ đến Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc) vì Công ty Việt Á từng tham gia nghiên cứu việc chẩn đoán xét nghiệm bệnh lao trên toàn quốc. Do đó, bị cáo nói với Sơn là hợp tác với Công ty Việt Á và Sơn đồng ý', bị cáo Hùng khai.
Bị cáo Trịnh Thanh Hùng tại phiên tòa sơ thẩm vụ Việt Á do Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội mở
Về việc tại sao lại chọn Việt Á mà không phải công ty khác, cựu Vụ phó Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thời điểm ấy nhu cầu về trang thiết bị phòng, chống dịch rất cấp bách, yêu cầu cần có kit test trong thời gian nhanh nhất, nhưng nếu chỉ Học viện Quân y làm thì rất khó. Bởi lẽ, học viện chỉ là đơn vị nghiên cứu, nếu có thành công cũng không thể cấp phép, vì không có chứng chỉ ISO như đã nêu.
Bị cáo Hùng cũng lý giải có 16 năm trong ngành công nghệ nhưng chỉ biết duy nhất Công ty Việt Á là đơn vị có năng lực, chức năng, đủ điều kiện để nghiên cứu, sản xuất kit test Covid-19. Bị cáo Hùng thừa nhận mình là người đưa yêu cầu với Hồ Anh Sơn để Công ty Việt Á tham gia nghiên cứu đề tài, nghiên cứu sản xuất kit test Covid-19.
Vật tư y tế mua trôi nổi, dán nhãn Học viện Quân y
Trước tòa, bị cáo Hồ Anh Sơn (bị xét xử cùng tội danh với ông Hùng) cho biết, đã soạn văn bản cho Công ty Việt Á cùng nghiên cứu kit test với Học viện Quân y vì được bị cáo Hùng giới thiệu. Ngoài ra, bị cáo cũng thừa nhận đã trao đổi với Phan Quốc Việt về việc thu mua tăm bông, ống môi trường.
'Thời điểm đó, việc cung cấp trang thiết bị cho phòng, chống dịch vô cùng khó khăn nên bị cáo nhờ nhân viên dưới quyền đi sưu tầm tăm bông, ống môi trường về cung cấp cho Công ty Việt Á', bị cáo Sơn khai.
Lúc đó, bị cáo và Việt không thỏa thuận gì về tiền nong. Sau khi chuyển tăm bông, ống môi trường cho Việt Á, công ty này đã chuyển lại cho bị cáo hơn 7 tỷ đồng.
Về số tiền này, Hồ Anh Sơn trình bày, một phần đã dùng để mua tăm bông, ống môi trường, còn dư hơn 2 tỷ đồng bị cáo Sơn đã giữ lại trong tài khoản.
Cáo trạng xác định, mặc dù Học viện Quân y chủ trì đề tài nhưng chính Phan Quốc Việt đã chỉ đạo vợ là Hồ Thị Thanh Thủy mang bộ kit xét nghiệm Covid-19 do Thủy nghiên cứu ra Hà Nội để đánh giá chất lượng. Bộ kit này được Thủy nghiên cứu, tối ưu từ các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ và một số nước khác, xây dựng quy trình sản xuất kit sử dụng gen đích để phát hiện ra virus.
Bộ kit test do Thủy nghiên cứu không thuộc về quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y nhưng vẫn được đánh giá là chất lượng đạt.
Phan Quốc Việt chỉ đạo cấp dưới xây dựng biên bản có nội dung 'Học viện Quân y đồng ý để Việt Á toàn quyền sử dụng sản phẩm của đề tài để đăng ký lưu hành và đăng ký cấp chứng nhận lưu hành…'.
Biên bản này được Sơn trình ông Hoàng Văn Lương ký. Do tin tưởng Hồ Anh Sơn, ông Lương không xem nội dung biên bản mà ký và đưa lại cho Sơn.
Biên bản này sau đó được chuyển tới Bộ Y tế để đưa vào hồ sơ xin cấp phép và được cấp phép lưu hành. Cáo trạng xác định, sai phạm này của các bị can gây thiệt hại gần 18,5 tỷ đồng ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho Việt Á sản xuất, mua bán với các đơn vị y tế tại nhiều địa phương.
Ngay sau đó, tòa gọi bị cáo Phan Quốc Việt xét hỏi về cáo buộc Công ty Việt Á được tham gia đề tài nghiên cứu, chế tạo kit test với Học viện Quân y. Dù trước đó trong bản đề xuất Hồ Anh Sơn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ không hề có tên Việt Á.
Trình bày tại tòa, bị cáo Phan Quốc Việt cũng khẳng định Việt Á là một trong những công ty hàng đầu về lĩnh vực trang thiết bị y tế. Việt được ông Hùng gợi ý tham gia đề tài vì thấy công ty đủ điều kiện.
Theo bị cáo, ngay từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, Công ty Việt Á đã bắt tay vào nghiên cứu kit test phát hiện Covid-19. Việc nghiên cứu chủ yếu là vợ bị cáo Hồ Thu Thủy cùng cộng sự có chuyên môn đứng ra đảm nhiệm.