Tôi biết đến hàng bún lòng này bởi một lần vô tình đi ngang qua lúc chiều muộn, cũng vào một ngày tháng 7 oi ả không gợn mây, khi quán đang lục tục dọn đồ ra chuẩn bị bán. Gọi là 'quán' cũng chẳng đúng, vì nó chỉ là một chiếc quầy nhỏ chế biến đồ ăn, với những bộ bàn ghế kê sát nhau lọt thỏm trong con ngõ số 20 cũ kỹ, đầu phố Hai Bà Trưng đoạn gần khách sạn Metropole sang trọng.
Quán bún lòng ngày ấy có vẻ hơi 'lạc quẻ' so với những nhà hàng sang chảnh khác trên con phố hoa lệ ngay gần hồ Gươm, nhưng hình thức đơn sơ cũng không phải vấn đề quan trọng lắm, bởi người ta mê hương vị những món ăn từ lòng heo của quán là chính, được lưu giữ và sáng tạo nên từ một gia đình có truyền thống lâu năm nơi phố cổ.
Không khó để tìm thấy thông tin về quán bún lòng trứ danh 20 Hai Bà Trưng (nay là 149 Lò Đúc) được nhắc đến rất nhiều, trong gợi ý về những món ngon Hà Nội.
Hơn 20 năm buôn bán, trải qua 3 thế hệ kế thừa, quán bún lòng đã làm một cuộc 'cách mạng' vào năm ngoái khi chuyển sang địa điểm mới ở ngã ba phố Lò Đúc giao với Cảm Hội. Khách quen cũ vẫn lặn lội tới ăn, mừng khi được gặp lại gia đình chủ quán và nhận ra hương vị món bún vẫn như xưa, chẳng hề thay đổi gì.
'Biết là nhiều người gắn bó, yêu thích quán bún số 20 ngày xưa, nhưng chỗ đó đã quá cũ kỹ rồi, lúc đông khách chẳng có đủ bàn phục vụ, nên gia đình mình đã quyết định mở quán mới rộng rãi to đẹp hơn. Yên tâm là hương vị đồ ăn vẫn thế, nhân viên vẫn vậy, gia đình mình cũng không sang nhượng cho ai cả, tự tay phục vụ khách đến khi không còn gì để bán nữa thì thôi'.
Đó là lời chia sẻ của Hiếu Phạm - chàng chủ quán trẻ tuổi thân thiện khi bưng bát bún lòng chua cay yêu thích đến tận bàn cho tôi. Cậu là thế hệ thứ 3 kế thừa tiệm bún từ mẹ và ông bà ngoại, lúc nào cũng say sưa kể chuyện cho khách nghe mỗi khi ai đó tò mò về 'sự tích ra đời' quán bún nhà mình.
Menu quán rất phong phú, chủ yếu là các món làm từ nội tạng heo.
Ở quán có rất nhiều món ngon được chế biến từ bộ lòng heo, như lòng rán, dồi, dạ dày, tràng luộc, lẩu lòng đặc biệt, lẩu Thái chua cay... tuy nhiên, món tủ được thực khách 'nghiện' nhất chính là bún lòng.
Chỉ 35k nhưng đầy ắp 'topping', một lớp gan - lòng - dạ dày - tràng, đến 1 lớp nấm kim châm, rồi vài miếng đậu rán, rắc thêm mấy cọng rau thơm. Sợi bún ở đây to dài mềm mịn như sợi bánh canh, hơi khó gắp một chút nhưng vào miệng rồi sẽ thấy nó lạ hơn hẳn sợi bún trong các món truyền thống Hà thành như bún ốc - bún chả, cắn ngập miệng ăn rất đã.
Cận cảnh bát bún lòng chua cay được nhiều người Hà Nội yêu thích.
Để làm ra một bát bún lòng cũng khá nhiều công đoạn cầu kỳ, với nguyên liệu được chuẩn bị sẵn trong ngày.
Một bát bún khá to chỉ có giá từ 35 - 55k tùy theo khả năng ăn của thực khách.
Nước dùng chan bún lòng ở đây có hơn 10 loại gia vị, ngoài những hương liệu truyền thống Việt Nam thì có sự kết hợp của cốt dừa, nghệ, nước hoa quả... Người pha chế nước dùng mỗi ngày là mẹ của Hiếu, cô nấu rất cẩn thận, không dùng mì chính, chỉ lấy vị ngọt tự nhiên từ các loại rau củ, hoa quả, hòa quyện với nhau theo công thức riêng gia truyền.
Đến tận nơi nếm thử 'món tủ' của quán là bún lòng, mới thấy nó đậm đà hấp dẫn, vị chua cay ngọt dịu đan vào nhau dễ chịu làm sao. Chẳng thế mà khách khắp gần xa đều cảm thấy lưu luyến, người nọ giới thiệu người kia, thế là chẳng cần quảng cáo, tên tuổi quán bún cứ thế lâu bền trong trí nhớ người Hà Nội, trở thành một địa chỉ quen thuộc trên bản đồ ẩm thực đất Tràng An.
Nước chấm chua ngọt ở quán cũng là điểm cộng, tăng thêm phần đậm đà cho món lòng.
Nếu không thích luộc kiểu truyền thống, bạn có thể gọi lòng sốt Thái biến tấu hiện đại.
Hoặc lòng rán hấp dẫn, hợp để lai rai cùng nhóm bạn.
Cơm cháy sốt hải sản độc đáo, đẹp như hình quảng cáo, chỉ 60k cho 1 suất ngon lành y như thế này.
100k cho 1 đĩa thập cẩm sốt hoa quả phong phú, vừa lạ vừa quen.
Nhiều vị khách tới quán sẵn sàng ngồi chờ đợi khá lâu để được nếm một đĩa lòng rán, ăn vội cũng đủ ấm lòng vì món nào cũng rẻ và đầy đặn. Một buổi tối, quán có thể bán được hơn 30kg bún, tính ra được khoảng 100 bát bún lòng, chưa kể các món khác như lẩu, cơm cháy... Đắt nhất ở quán là lẩu cũng chỉ khoảng hơn 200k/ nồi, nếu đi đông hoặc cả gia đình thì rất hợp ví tiền.
Mặc dù địa chỉ mới cách địa chỉ cũ khá xa, nhưng lượng khách ghé quán không hề giảm đi chút nào. Ngược lại, dù quán chỉ bán 5 tiếng buổi sáng, buổi chiều từ 4h - 11h đêm, lúc nào cũng tấp nập khách ra vào. Menu quán đã thay đổi khá nhiều để chiều lòng thực khách theo xu thế, nhưng cơ bản, món bún lòng chua cay, lòng rán, lòng xào dưa truyền thống của quán vẫn giữ nguyên.
Quán có cả tầng 2, rộng rãi, mát mẻ và sạch sẽ, bài trí đơn giản nhưng bắt mắt.
À quên, trước khi ăn nhớ gọi một ly sâm dứa, người Hà Nội thường quen gọi là 'trà đá', nhưng riêng ở đây phục vụ món uống thơm dịu, bổ và mát này, vị thảo mộc rất hợp với mùa hè. Ăn những món chua cay nóng hổi, có một hớp sâm dứa mát lạnh đi kèm, quả thực là trải nghiệm rất hạnh phúc cho một buổi chiều cuối tuần dạo phố.