Mới đây, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông báo dự kiến mở 6 ngành học mới cho năm 2024. 6 ngành mới này gồm: Khoa học dữ liệu (thuộc lĩnh vực Toán và thống kê), Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin (lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin), Quan hệ lao động (lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý).
Trong đó, các ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo dự kiến quy mô tuyển là 100 sinh viên mỗi ngành, các ngành còn lại tuyển mỗi ngành 50.
Trong số những ngành này của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, trừ ngành Quan hệ lao động đào tạo hệ cử nhân, 5 ngành còn lại sẽ có cả hệ cử nhân và kỹ sư.
Đây được coi là một trong những điểm mới rất đáng chú ý khi trước nay, thông thường, bằng kỹ sư chỉ dành cho các chuyên ngành kỹ thuật, chú trọng thực hành chuyên sâu và là thế mạnh của những trường kỹ thuật như Đại học Bách khoa, Đại học Giao thông, Đại học Xây dựng Hà Nội… Còn nhóm trường chuyên ngành Kinh doanh, quản lý như Đại học Kinh tế quốc dân chủ yếu đào tạo chương trình cử nhân.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Trường Đại học Lạc Hồng năm 2024 sẽ mở thêm 2 ngành đào tạo mới là Quan hệ công chúng và Luật học, nâng tổng số ngành đào tạo đại học tại trường lên 26 ngành.
Năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương cũng dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, đồng thời bắt đầu tuyển sinh chương trình song bằng với Đại học Queensland (Australia) ngành Kinh doanh quốc tế, chương trình Kinh doanh quốc tế (International Business) và Phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analytics) tại Trụ sở chính Hà Nội.
Năm 2024, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh có thêm 7 ngành mới gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính.
Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cũng sẽ tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch trong mùa tuyển sinh năm nay. Lãnh đạo các trường cho biết, việc mở và đào tạo ngành vi mạch bán dẫn hay thiết kế vi mạch trong năm nay để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường thời gian tới.
Trường Đại học Phenikaa cũng dự kiến mở thêm 8 ngành/chương trình đào tạo so với năm 2023 gồm: Kỹ thuật điện tử - Viễn thông (thiết kế vi mạch bán dẫn), Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin (một số học phần chuyên ngành học bằng Tiếng Anh), Marketing, Công nghệ tài chính, Kỹ thuật hình ảnh y học, Quản lý bệnh viện, Y học cổ truyền.
Năm 2024, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội bắt đầu tuyển sinh ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn. Theo phía nhà trường, đây là một ngành học rất tiềm năng và đang được Chính phủ đầu tư để phát triển nguồn nhân lực.
Đại diện nhà trường cũng cho biết, chương trình đào tạo sẽ hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.
Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự định tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch bán dẫn bậc thạc sĩ trong năm nay.
Còn Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng tăng 150 chỉ tiêu so với năm 2023 do năm 2024 mở thêm 2 ngành/chương trình đào tạo mới là An toàn thông tin và Ngôn ngữ Trung Quốc (mô hình liên kết 2+2).