Ngay sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra phương án trên, đã có nhiều ý kiến của học sinh, giáo viên, phụ huynh bày tỏ sự ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại. Lí do là phương án này gọn nhẹ, giúp giảm chi phí, tạo điều kiện giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Song, bên cạnh đó, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn, việc Ngoại ngữ không phải là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc có làm giảm chất lượng dạy và học môn này, đi ngược lại với xu hướng toàn cầu hóa trên thế giới ngày nay. Có những ý kiến lo lắng, một khi Ngoại ngữ sẽ không còn là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc, liệu học sinh, phụ huynh có xem nhẹ môn học này hay không?
Bên ủng hộ và bên lo ngại, băn khoăn đều có lý của mình, nhưng tôi vẫn cho rằng, rất không nên xem nhẹ và cần bắt buộc thi môn Ngoại ngữ. Rất có thể có những học sinh không có năng khiếu ngoại ngữ nên thành ra lười, ngại học, rồi cũng có những phụ huynh do gia đình kinh tế khó khăn, lo tốn kém nên người ta nhận được thêm nhiều đồng tình khi bỏ thi ngoại ngữ bắt buộc.
Nhưng, tin tôi đi, khi vào đại học, khi vào đời, các em học sinh - những người từng không được quyết định học và thi gì, sẽ vẫn luôn rất cần ngoại ngữ giỏi. Khi đó, chắc chắn nhiều em học sinh và phụ huynh sẽ thấy hối tiếc khi không coi trọng việc học môn Ngoại ngữ, chỉ vì nó không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và việc học tập của học sinh. Ngoại ngữ phải là môn thi bắt buộc nếu muốn hội nhập thời 4.0. Rất nhiều bài học về sự quan trọng của ngoại ngữ từ ngoại giao, kinh tế, pháp luật đến kỹ thuật... đã chứng minh điều đó.
Ngoại ngữ ngày càng trở nên cần thiết trong cuộc sống và công việc của mọi người.
Tôi cũng luôn tin rằng, một điều chắc chắn sẽ xảy ra là nếu không phải thi thì học sinh và phụ huynh sẽ chểnh mảng. Và, đã chểnh mảng học ngoại ngữ ở bậc phổ thông - cái môn học mà chỉ chút sao nhãng thôi, đã đủ tụt nhanh xuống đất như người lỏng tay khi thi leo cột mỡ, thì làm sao có thể đáp ứng trình độ ngoại ngữ chuyên sâu ở bậc đại học, làm sao có thể nâng cao trình độ dân trí trong thời đại 4.0 đòi hỏi tinh thông ngoại ngữ trong mọi lĩnh vực.
Nhìn ra các nước châu Á, không kể hai cường quốc Nhật Bản, Trung Quốc, mà ngay cả các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia..., họ còn phát triển kinh tế, khoa học kĩ thuật, thậm chí có thể nói là văn minh hơn ta nhiều, mà còn khó loại bỏ động lực học ngoại ngữ. Ở các nước đó, trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên cũng đã rất cao. Thậm chí, Singapore còn chọn tiếng Anh là quốc ngữ chứ ko phải tiếng Hoa, dù gần 75% cư dân là người gốc Hoa. Năm 1987, Singapore trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy cho hầu hết các môn học, bao gồm toán học, khoa học và lịch sử. Họ dạy và học bằng tiếng Anh để công dân Singapore có thể tự mình đọc sách, tiếp thu ngay và luôn những tinh hoa kiến thức của thế giới hiện đại. Và, Singapore đã phát triển mạnh mẽ thế nào, tất cả chúng ta đã được chứng kiến trong nhiều thập kỷ qua.
Trở lại với hiện trạng học ngoại ngữ hiện nay ở các trường THPT ở nước ta. Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh của cả nước năm 2023 cho thấy, đây là môn có điểm trung bình thấp nhất với 5,45; điểm số nhiều thí sinh đạt nhất là 4,2 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 192 (chiếm tỷ lệ 0,022%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 392.784 (chiếm tỷ lệ 44,83%).
Theo dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về điểm trung bình môn tiếng Anh cũng chỉ với 6,756 điểm. Tiếp theo là Bình Dương, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu với mức điểm trung bình lần lượt chỉ là 6,72, 6,19 và 6,19. Ở tốp cuối, Hà Giang có điểm trung bình thấp nhất là 3,38, tiếp đó là các địa phương như Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Bắc Kạn, Đắk Nông, Lai Châu, Hòa Bình...
Những con số thống kê ở trên cho ta thấy, việc học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng ở trong nhà trường phổ thông Việt Nam hiện nay là kém cỏi. Những con số biết nói ấy đủ để chúng ta lắng nghe, thấu hiểu và cùng nhau nhất trí một quan điểm chung: Để nâng cao trình độ học và sử dụng ngoại ngữ cho các em học sinh, vẫn rất cần đưa ngoại ngữ vào các môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2024 trở về sau.
Ngoại ngữ còn có vai trò là phương tiện của tư duy giúp chúng ta có thể tiếp thu được kho tàng tri thức của toàn nhân loại. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi internet đã trở nên hết sức phổ biến và những công cụ tìm kiếm trên mạng đang ngày càng được mở rộng và hoàn thiện. Ta có thể dễ dàng tìm được các công trình nghiên cứu và các tài liệu khoa học về bất kì ngành nghề nào mà mình quan tâm. Tuy nhiên, có một thực tế rằng phần lớn những tài liệu đó được viết bằng tiếng Anh - ngôn ngữ chuẩn quốc tế hiện nay. Khi ấy, nếu chúng ta có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh thì chẳng phải chúng ta sẽ dễ dàng tiếp thu được những tinh hoa văn hóa của nhân loại hay sao.
Tất nhiên, sẽ có người nói chúng ta có thể tìm tới những người phiên dịch hoặc dựa vào những công cụ giúp chuyển đổi ngôn ngữ. Nhưng, chúng ta cũng biết rằng công cụ chuyển đổi ngôn ngữ đã được lập trình sẵn nên dịch theo cách đơn lẻ, từng từ một. Do đó, rất khó để có thể hiểu đúng và đầy đủ ý nghĩa của những văn bản chúng ta cần. Nhờ người phiên dịch có thể sẽ giúp chúng ta dễ hiểu hơn, nhưng sẽ chẳng bao giờ bạn có thể khám phá được vấn đề trực tiếp bằng cảm quan của mình mà luôn phải đi vay mượn góc nhìn và góc cảm nhận của người khác.
Tôi mới đọc được trên mạng một bài nghị luận mẫu cho học sinh lớp 11 nêu lên tầm quan trọng của ngoại ngữ trong cuộc sống và làm việc, công tác của thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước và rất tâm đắc về góc nhìn trong đó, xin trích dẫn một phần để thay cho lời kết bài viết này:
'Trong xu thế toàn cầu hóa, mà biểu hiện rõ ràng nhất là sự hội nhập kinh tế giữa những quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới đã tác động vô cùng mạnh mẽ tới từng cá nhân trên mỗi quốc gia. Đó không chỉ là hợp tác về lĩnh vực kinh tế, mà còn là giao lưu về văn hóa giữa nhiều quốc gia, nên việc thông thạo ngoại ngữ đang dần trở thành xu thế tất yếu và bắt buộc. Biết thêm một loại ngôn ngữ là biết thêm một thế giới, không chỉ thông qua sự tìm hiểu trên sách báo của đất nước họ mà đó còn là tấm vé 'thông quan' giúp chúng ta trực tiếp trải nghiệm đời sống và văn hóa của họ, tham gia lao động tại những công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc có đối tác là người nước ngoài. Đó không chỉ là thế giới trên tấm bản đồ địa lí mà còn là thế giới sống động ngay trước mắt bạn và trong tinh thần của bạn. Hơn thế nữa, ngoại ngữ còn giúp bạn tự tin hơn trong quá trình giao tiếp.
Có thể bạn sẽ chỉ sinh sống ở Việt Nam, không đặt mục tiêu làm việc hoặc du lịch tới một đất nước khác, nhưng bạn có chắc rằng sẽ không bao giờ gặp phải một vị khách du lịch nước ngoài hỏi đường hoặc nhờ giới thiệu về danh thắng ở quê hương? Bạn tin chắc rằng, trong buổi tiệc chào mừng bạn mình là một du học sinh mới về nước sẽ không có bất cứ một vị khách nước ngoài nào? Trong buổi tiệc của công ty mà bạn làm sau này cũng chỉ toàn là người Việt Nam? Những lúc đó ta mới thấy, thế giới của bản thân thực sự nhỏ bé và hạn hẹp đến mức nào khi không trang bị cho mình ngoại ngữ. Còn gì lạc lõng hơn việc cô đơn giữa một đám đông đang nói cười trao đổi với nhau bằng một ngôn ngữ mà chúng ta không thể nào hiểu được ngay trên quê hương mình? Xã hội hiện đại đã biến ngoại ngữ trở thành một chiếc chìa khóa vạn năng mở được hàng ngàn thế giới mới. Muốn nắm bắt chiếc chìa khóa ấy còn phụ thuộc vào suy nghĩ, quyết định cũng như hành động của chúng ta ngày hôm nay...'.
Còn hơn một năm nữa, còn 18 tháng nữa mới tới kỳ thi tốt nghiệp THPT niên khóa 2024-2025, vẫn còn đủ quỹ thời gian để Bộ GD&ĐT cân nhắc và 'vi chỉnh' lại một quyết định vô cùng quan trọng của mình về việc thi hay không thi bắt buộc môn Ngoại ngữ.
Quyết định là từ phía quý Bộ, nhưng mong mỏi là từ phía tương lai mạnh giàu của đất nước.