Đóng tiền để con cái có được cơ sở vật chất học tập tốt hơn là điều mà không bậc cha mẹ nào tiếc, tuy nhiên nhà trường có minh bạch được những khoản thu chi để phụ huynh yên tâm rằng tiền được tiêu đúng chỗ cho con mình hay không, đáng buồn vẫn có một số nơi khiến phụ huynh chưa thể tin tưởng.
Căng thẳng chuyện tiền đóng học ở Phú Thọ
Mỗi năm đến mùa thu tựu trường, nỗi lo của các bậc phụ huynh lại nhân lên với đủ các khoản tiền phải chi tiêu cho con, trong đó có các khoản đóng cho trường học. Tình trạng lạm thu nhìn chung đã được chấn chỉnh khi năm nào báo chí cũng theo sát và các cơ quan chức năng liên tục đưa ra hàng loạt văn bản yêu cầu. Tuy nhiên không phải là không còn những vấn đề bất cập trong chuyện thu chi đầu năm học ở một số trường.
Câu chuyện thu chi đầu năm học tại một xã miền núi thuộc huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ kéo dài từ năm học trước nhưng đến năm học này vẫn chưa chấm dứt được những mâu thuẫn còn tồn tại.
Rất nhiều tài liệu về các khoản thu được cho là không hợp lý của trường Tiểu học Văn Luông, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã được phụ huynh nêu ra. Đặc biệt là thời điểm đầu tháng 6 khi học sinh đã nghỉ hè, nhiều khoản đóng học nộp từ đầu năm vẫn chưa được nhà trường chi đúng và chi đủ.
Nguồn cơn của những mâu thuẫn về sau nằm ở việc xuất hiện một danh sách 24 phụ huynh được trả lại tiền đóng học, với tổng số tiền là 40 triệu đồng.
Theo vị đại diện Hội phụ huynh cầm số tiền chi trả cho một số người dân, đôi bên đã đưa ra một bản cam kết. Theo đó, nhà trường sẽ thực hiện mua sắm cơ sở vật chất còn thiếu và hứa bắt đầu từ năm học này không thu các khoản trái quy định. Còn phía phụ huynh đã nhận tiền buộc phải giữ im lặng.
Ngôi trường trước vốn dĩ bình yên nay luôn trong tình trạng căng thẳng. Nhiều cuộc đối thoại giữa các bên đã diễn ra.
Kết luận thanh tra của cơ quan chức năng khẳng định, 8 khoản thu vận động xã hội hóa là phù hợp và đúng quy định với tổng số tiền là gần 1,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo trường này đã thực hiện mua sắm trang thiết bị muộn và chưa đúng với tiến độ kế hoạch.
Ông Nguyễn Trọng Vinh - nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Luông đã bị xử lý kỷ luật. Riêng khoản tiền 40 triệu đồng, theo kết luận là do cá nhân người nhà ông hiệu trưởng này đứng ra nhờ người chia cho một số phụ huynh, không liên quan đến các khoản tiền của nhà trường.
Sau cuộc họp, nhiều phụ huynh chưa hài lòng với kết quả. Những đứa trẻ theo bố mẹ ra về. Chúng chưa thể hiểu hết những câu chuyện tranh cãi của người lớn, nhưng cũng đã có thể cảm nhận, để quay trở lại không khí học tập vui vẻ ở vùng núi này thật sự còn nhiều gian nan.
8 khoản tiền trường không được phép thu
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản sau:
- Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường;
- Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;
- Vệ sinh trường lớp;
- Khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên;
- Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên;
- Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;
- Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Đề nghị không dùng tiền mặt để tránh lạm thu
Đầu năm học, nhiều sở giáo dục và đào tạo trong cả nước cũng đã đưa ra văn bản quy định rõ các khoản được phép thu chi trong nhà trường để tránh tình trạng lạm thu. Đặc biệt, trong họp báo Chính phủ hôm 9/9, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sẽ đề nghị Chính phủ có văn bản pháp lý bắt buộc mọi khoản thu ở trường học đều không dùng tiền mặt, để tránh lạm thu.
Tháng 6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn, yêu cầu các trường phối hợp với các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan để thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, việc này chưa phải là bắt buộc. Các nhà trường vẫn có thể dùng nhiều phương thức, gồm cả thanh toán trực tuyến hoặc thu tiền mặt qua bộ phận tài vụ, giáo viên chủ nhiệm. Địa phương áp dụng trên diện rộng nhất là TP Hồ Chí Minh, phụ huynh tất cả trường học đều thanh toán học phí qua chuyển khoản.
Ảnh minh họa.
Theo thống kê, các trường học được phép thu trên dưới 20 khoản tiền. Ở mỗi khoản, các địa phương đều đưa ra mức trần, yêu cầu nhà trường thỏa thuận với phụ huynh, công khai, minh bạch... Với các khoản xã hội hóa, các trường huy động trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng, không ép buộc.
Tại sao năm nào cũng đóng tiền mua điều hòa?
Mặc dù tinh thần là tự nguyện, nhưng trong những năm gần đây, vẫn còn không ít phụ huynh đã phàn nàn về những khoản đóng góp ở trường học được giáo viên phổ biến và ban đại diện hội phụ huynh thu giúp. Nhiều khoản phát sinh vào đầu năm học mới, phụ huynh phải bấm bụng đóng góp, dù họ cho rằng đó là những khoản thu không hợp lý.
Năm học mới, phụ huynh chưa hết đau đầu vì tiền mua sách vở, đồng phục, học thêm... cho con thì lại phải xoay tiền lắp điều hòa, máy chiếu, thậm chí gánh luôn khoản sơn, sửa lớp học. Với những phụ huynh không có điều kiện, các khoản đóng góp đầu năm trở thành gánh nặng.
Ngoài khoản điều hòa, phụ huynh lớp 1 trường tiểu học Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc còn đóng thêm tiền mua sách bổ trợ và các đồ dùng trang trí cho lễ khai giảng.
Trao đổi với phóng viên, đại diện nhà trường cho biết, sau khi nhận phản ánh của phụ huynh, trường đã họp với tất cả giáo viên và đã trả lại số tiền thu thêm cho phụ huynh toàn trường.
Cô Nguyễn Thị Thương, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc cho biết: 'Yêu cầu các cô hoàn trả lại số tiền đã thu của học sinh để mua sách mua vở cho các em. Để phụ huynh tự mua sách vở cho các em. Đây là một bài học cho nhà trường và đồng chí giáo viên rút kinh nghiệm để làm tốt thu chi các khoản sau này'.
Còn câu chuyện chiếc điều hòa, bắt đầu từ cuộc gặp mặt học sinh khối 1 hồi tháng 7/2023. Ngay sau đó, các biên bản thống nhất việc lắp điều hòa đã được ký giữa ban đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên. Đi kèm là nội dung phụ huynh đồng ý trao tặng lại 12 điều hòa cho nhà trường.
Không bắt buộc nhưng lại cào bằng số tiền, khiến một số người không đồng tình. Theo họ, nhiều năm nay, học sinh khối 1 luôn phải gánh thêm 1 khoản tiền mua điều hòa mới.
Trường tiểu học Xuân Hòa có 33 lớp học, với hơn 1.400 học sinh. Sự ủng hộ của phụ huynh đã giúp con em có thêm điều kiện học tập tốt hơn. Tuy nhiên, mọi sự đóng góp đều cần phải giải trình rõ ràng để tránh những phản ứng trái chiều khi bước vào năm học mới.
'Không bắt buộc, số tiền đóng góp là tùy tâm'
Câu chuyện mua sắm điều hòa hay các trang thiết bị dạy học là chuyện đúng đắn, vì không một bố mẹ nào là không muốn con mình được học trong một môi trường tốt hơn. Nhưng vấn đề thực sự nằm ở cách trao đổi, cách mua, sử dụng qua từng năm và cách minh bạch các khoản thu đó, từ chủ trương tới việc phổ biến và thực hiện.
Xét ở góc độ các trường, hiện nay chúng ta đang trong quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Việc hiện đại hóa trang thiết bị dạy học là yêu cầu cấp thiết. Và vận động tài trợ từ phụ huynh và xã hội là một chủ trương đúng đắn, nhằm huy động được nguồn lực lớn trong nhân dân. Tuy nhiên, việc tài trợ diễn ra suôn sẻ thì không sao, nhưng nếu có đơn thư kiện cáo coi như trường đã lạm thu.
Để tránh những câu chuyện lùm xùm, một vị hiệu trưởng đã từng chia sẻ rằng, trong văn bản về thu chi xã hội hóa của nhà trường luôn cho in đậm câu 'không bắt buộc, số tiền đóng góp là tùy tâm' ở cuối trang, để phụ huynh nắm bắt. Hành động nhỏ nhưng có thể tạo nên sự dân chủ trong việc thu tiền đầu năm học.
Tiền đóng học đã đi đâu?
Quay trở lại với câu chuyện đóng học ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, sự việc kéo dài gần 4 tháng, Hiệu trưởng cũ đã bị xử lý vì những vi phạm trong vấn đề thu chi tài chính. Điều mà nhiều người dân thắc mắc, nguồn tiền vận động xã hội hóa này đã đi đâu và đã tiêu vào việc gì?
Sau thời điểm tháng 6/2023, nhiều hạng mục cơ sở vật chất trong trường mới được mua sắm từ nguồn thu của năm học trước. Như việc đưa vào sử dụng 50 bộ bàn ghế mới, với số tiền hơn 92 triệu đồng. Các tivi đã được lắp đặt trên mỗi lớp học để cô trò học tập hiệu quả.
Theo kết luận thanh tra huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ, có 8 mục đã được chi từ số tiền gần 400 triệu đồng của nguồn vận động tài trợ.
Trong đó có mục 7 và mục 8, nhà trường đã chi khen thưởng cho học sinh với số tiền hơn 19 triệu đồng là có giấy tờ. Số còn lại hơn 91 triệu đồng chi hỗ trợ xăng xe, đi lại, ăn uống cho học sinh tham gia các cuộc thi; mua sách, tài liệu bổ sung cho thư viện, đã không đủ hóa đơn để chứng minh nội dung chi này.
Số tiền này đã được nộp về kho bạc nhà nước huyện Tân Sơn, chờ nhà trường và phụ huynh tổ chức họp và bàn kế hoạch chi tiêu.
Vị hiệu trưởng mới của trường Tiểu học Văn Luông vừa nhận công tác từ đầu tháng 9. Trọng trách nặng nề đặt lên vai người quản lý trong giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Văn Luông, huyện Tân Sơn, Phú Thọ cho biết: 'Với cương vị hiệu trưởng, qua đây tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm, mọi công việc liên quan đến việc thu chi tài chính và xã hội hóa sẽ được công khai tới người dân. Tôi sẽ triển khai họp phụ huynh đối thoại tại sân trường này'.
Dự kiến cuối tháng 9 này, nhà trường sẽ triển khai họp với hơn 600 phụ huynh toàn trường để triển khai hoạt động giáo dục năm học mới, đặc biệt bàn bạc để sử dụng khoản tiền hơn 90 triệu đồng còn dư của năm học trước.
Vận động xã hội hóa là chủ trương phù hợp trong bối cảnh địa phương còn nhiều khó khăn như xã miền núi Văn Luông. Tuy nhiên, ranh giới giữa xã hội hóa và lạm thu rất mong manh.
Năm học mới đã bắt đầu. Để ngày vui của con trẻ được trọn vẹn và bình yên quay trở lại với ngôi trường này, rất cần người lớn thực hiện đúng những cam kết như đã hứa: minh bạch và công tâm.