Ngày nay, các trang Confession đã không còn là khái niệm và thực thể xa lạ trong lĩnh vực giáo dục. Trong tiếng Anh, 'Confession' có nghĩa là sự thú tội/ lời thú nhận của một ai đó về câu chuyện riêng tư của mình. Thông qua hình thức Confession, chủ nhân bài viết sẽ có cơ hội bày tỏ những nỗi niềm thầm kín khó nói, mà không vướng phải áp lực công chúng sẽ biết mình là ai.
Tiện ích của ẩn danh
Xuất hiện ở phương Tây, trào lưu Confession du nhập vào Việt Nam trong sự đón nhận của đông đảo giới trẻ. Không chỉ xuất hiện một cách nở rộ và phát triển một cách bùng nổ ở các trường cao đẳng, đại học; ngay cả ở bậc học phổ thông, trung học cơ sở, thậm chí tiểu học, cũng có những trang Confession với lượt theo dõi vô cùng cao.
Những thông tin theo kiểu 'tai bay vạ gió' trên Confession dường như trở thành nỗi ám ảnh thường trực của một số người dạy.
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, Confession đã và đang trở thành một trong những diễn đàn không thể thiếu ở nhiều trường học.
Ban đầu, các trang Confession của mỗi trường nhanh chóng thu hút lượng lớn sự theo dõi, tương tác của người học tại ngôi trường đó.
Về sau, các trang Confession này còn là địa chỉ tin tức hấp dẫn của cựu người học còn quan tâm đến trường, và đặc biệt là dành cho những người muốn tìm hiểu về trường, trước khi có ý định vào học, hoặc cho người thân (con, em…) vào học.
Chính vì thế, các thông tin trên các trang Confession dần trở nên có ý nghĩa giá trị nhất định, phần nào giúp ích cho các bên có liên quan.
Và những hệ lụy thiếu kiểm soát
Nhưng thông tin sai, thì sẽ thế nào? Và làm sao, để có thể biết đâu là tin sai, đâu là tin giả, khi người đăng Confessions ẩn danh? Admin (người quản lý trang Confession) hay ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi thông tin không được kiểm chứng, không được xác thực?
Đa phần thông tin trên Confession các trường sẽ xoay quanh những vấn đề cần cải thiện về chất lượng giảng dạy đào tạo, chất lượng cơ sở vật chất, quy trình giải quyết xử lý học vụ… của trường học đó.
Tuy nhiên, vì thường được viết trong sự chủ quan, cách nhìn một chiều của người ẩn danh nên không phải thông tin nào cũng được chia sẻ khách quan. Thậm chí, có thông tin có thể được chia sẻ với mục đích tiêu cực, chủ ý xấu của người chia sẻ.
Một trong những tình huống để lại hậu quả là sự tổn thương của người bị nêu tên trên Confession, nếu chẳng may rơi vào trường hợp thông tin không chính xác, không chân thực.
Đáng buồn là những trường hợp này ngày càng xuất hiện nhiều trên các trang Confession. Điều đó phần nào lý giải thực trạng thầy cô hiện nay có tâm lý sợ bị học sinh, sinh viên bêu tên sai trên Confession. Từ đó, dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Thầy cô dạy khó quá, chấm bài khắt khe quá; vậy thì thầy cô dạy ít yêu cầu chuyên môn hơn, thầy cô chấm bài dễ dãi hơn. Thầy cô coi thi gắt gao quá; vậy thì thầy cô coi thi thả lỏng hơn. Mất lòng người học, bị 'bóc phốt' theo kiểu tai bay vạ gió trên Confession, dường như trở thành nỗi ám ảnh thường trực của một số người dạy.
Để rồi, một số thầy cô đành lựa chọn thái độ thỏa hiệp, thoải mái với học trò, cho khỏi vướng vào vòng thị phi. Vậy chất lượng giáo dục sẽ ra sao? Và ai là người đính chính những thông tin sai sự thật về thầy cô?
Trong nhiều trường hợp, Confession cũng nơi khởi nguồn cho những cuộc cãi vã, xung đột trên mạng xã hội. Lời qua tiếng lại với những tranh luận vô bổ không hồi kết là khung cảnh thường gặp ở nhiều trang Confession.
Thiết nghĩ, việc sử dụng Confession sao cho hợp lý cần được thiết lập thành các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; để từ đó, các bạn trẻ biết tận dụng những lợi ích có từ Confession, và không tiếp tay để những hành vi tiêu cực trên Confession có cơ hội tái diễn. Cũng cần có những quy định, chế tài trong phạm vi từng trường học, để các hành vi sai trái được răn đe, xử lý phù hợp.