Thông tin vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố sẽ tổ chức theo phương thức thi tuyển. Tuy nhiên, điều mà các học sinh, giáo viên thấp thỏm chờ đợi là liệu kỳ thi vẫn giữ ổn định 3 môn như năm trước hay có thêm môn thứ 4.
Một tiết học của học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân (quận Thanh Xuân). Ảnh: Nguyễn Quang
Thực hiện theo phương thức 'thi tuyển'
Ngày 6-10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chính thức ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công tác thi, tuyển sinh năm học 2023-2024, trong đó nêu rõ: Kỳ tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025 sẽ thực hiện theo phương thức 'thi tuyển'. Tuy nhiên, việc tổ chức thi tuyển 3 môn như năm trước hay có thêm môn thứ 4 thì hiện vẫn chưa có thông tin chính thức. Học sinh, phụ huynh học sinh và giáo viên đều đang chờ thông tin này để có thêm thời gian chuẩn bị cho kỳ thi.
Liên quan đến nội dung này, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh phương án tuyển sinh nhằm tuyển chọn được những học sinh giỏi, nâng cao chất lượng tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông.
Bà Nguyễn Thị Minh, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) bày tỏ: 'Tôi nghe nói số học sinh lớp 9 năm nay nhiều hơn 5 nghìn em so với năm trước. Do đó, nếu thành phố không điều chỉnh tăng tỷ lệ chỉ tiêu vào lớp 10 công lập thì cuộc đua giành suất vào lớp 10 trường công lập chắc chắn sẽ gian nan hơn...'.
Nhiều năm nay, Hà Nội chủ trương thi tuyển 4 môn để tuyển sinh lớp 10, gồm 3 môn chốt từ đầu gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ; môn thứ 4 là một trong số các môn còn lại, được Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bốc thăm và công bố trong tháng 3. Mục đích tổ chức phương án này nhằm bảo đảm để học sinh học đều tất cả các môn.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhiều ý kiến cho rằng việc thi môn thứ 4 gây áp lực không cần thiết cho học sinh. Việc đủ điều kiện tốt nghiệp trung học cơ sở đã bảo đảm tiêu chí 'đầu ra' ở lớp 9, không cần thiết phải thi thêm 1 môn. Hơn nữa, đây lại là lứa học sinh cuối cùng theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 với nhiều khó khăn trong quá trình học tập do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tăng 5 nghìn học sinh so với năm học trước
Toàn thành phố hiện có hơn 134 nghìn học sinh lớp 9, nhiều hơn năm học trước 5 nghìn em. Nếu toàn bộ số này đều đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, tỷ lệ chỉ tiêu vào trường công lập không tăng thì cuộc đua giành suất vào trường công lập sẽ căng thẳng hơn năm trước. Các trường đang nỗ lực hỗ trợ nhằm giảm áp lực cho học sinh.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) Khuất Thị Hồng Điệp cho biết, trường hiện có 4 lớp 9 với gần 200 học sinh, nhiều hơn năm học trước 1 lớp. Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch ôn tập, chia nhóm học sinh, trong đó quan tâm tới cả hai đối tượng là học sinh khá giỏi và yếu kém. Trong đó, đối với học sinh khá, giỏi, giáo viên tập trung bồi dưỡng để các em có thể tự tin đăng ký nguyện vọng vào các trường tốp cao của thành phố; với những học sinh còn lại, giáo viên kèm cặp, phụ đạo cả trong và ngoài giờ chính khóa và không thu kinh phí, cố gắng giúp các em đạt yêu cầu đầu ra về kiến thức, kỹ năng để có thể học tập tiếp ở các loại hình phù hợp.
Còn theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, toàn quận có 22 trường trung học cơ sở với khoảng 6.000 học sinh lớp 9, tăng gần 1.000 em so với năm học trước. Các trường học trên địa bàn đang triển khai nhiều giải pháp nhằm định hướng phân luồng, giúp các em sớm xác định rõ nguyện vọng phù hợp với năng lực bản thân. Đây cũng là giải pháp nhằm giúp các em giảm áp lực trước kỳ thi tuyển sinh.
Theo đó, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập và khảo sát hằng tháng với 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ để kịp thời hỗ trợ học sinh, các nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin về các loại hình trường và cập nhật thường xuyên kết quả khảo sát của từng học sinh, có tư vấn chuyên sâu để cha mẹ học sinh nắm được, từ đó sớm có phương án chuẩn bị tốt nhất.
'Vài năm gần đây, trên địa bàn quận và thành phố có nhiều trường trung học phổ thông tư thục chất lượng tốt, mức học phí không quá cao, điều kiện cơ sở vật chất khang trang. Vì thế, nhiều phụ huynh học sinh cũng đã dần thay đổi, không quá đặt nặng mục tiêu cho con phải vào trường công' - bà Phạm Thị Lệ Hằng nhận định.
Em Nguyễn Tuấn Anh, học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Lệ Chi (huyện Gia Lâm) nêu ý kiến: 'Chúng em là lứa học sinh chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, phải học trực tuyến trong thời gian khá dài ở cấp trung học cơ sở. Vì vậy chúng em rất mong được giảm tải, chỉ thi 3 môn như các anh chị năm ngoái và chốt sớm phương án để yên tâm học tập và có nhiều thời gian ôn luyện'.