Bạn có bao giờ cảm thấy buồn chán chỉ vì không mua được một món đồ mà mình yêu thích. Hay gặp tình trạng tiêu pha quá đà so với số tiền mà mình kiếm được hàng tháng. Nếu câu trả lời là có thì xin chia buồn với bạn, thói quen mua sắm của bạn đang không được ổn rồi đấy.
Thay vì mang lại cảm giác thoải mái, vui vẻ ban đầu thì việc yêu thích và nghiện mua sắm lại có ranh giới khá mong manh. Đã đến lúc bạn cần nhìn nhận chính xác vấn đề của mình để thay đổi cách mua sắm quá đà rồi.
Giống như cô gái trẻ Hannah Louise Poston (hiện đang sống tại Mỹ) này chẳng hạn. Cô mặc bệnh nghiện mua sắm và thường tiêu từ 3000 - 4000 đô la (60 - 92 triệu đồng) một tháng vào việc mua sắm. Con số quá nhiều, trong đó có những thứ Hannah chẳng bao giờ dùng đến.
Hannah Louise Poston.
Cũng chính vì tiêu pha không nghĩ ngợi, Hannah nợ thẻ tín dụng rất nhiều. Hannah chia sẻ, cách đây vài năm, cô bị trầm cảm. Cuộc sống với rất nhiều áp lực chồng chéo khiến cô lựa chọn cách mua sắm, tiêu tiền như một sự giải tỏa. Cô cho rằng đó là một cách tự thưởng cho bản thân sau khi đã nỗ lực làm việc chăm chỉ.
Khi nợ nần chồng chất, Hannah phát hoảng và quyết định thay đổi bản thân bằng cách thực hiện thử thách không mua sắm trong suốt một năm. Kết quả thực sự đáng kinh ngạc, khiến Hannah tỉnh ngộ và quyết định chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người.
Thử thách được thực hiện bắt đầu từ năm 2018, ngoài việc mua các nhu yếu phẩm như thức ăn, dầu gội, sữa tắm cô gái trẻ không còn vung tiền mua các sản phẩm chăm sóc da, đồ nội thất, quần áo, phụ kiện mới. Đồng thời, cô cũng xóa bỏ thông tin thẻ tín dụng của mình trên các trang web mua sắm trực tuyến.
'Thời kỳ đầu tôi cực kỳ khổ sở, cảm giác khó chịu, đau đớn khi không được mua thứ mình thích. Nhưng chỉ khoảng 1-2 tuần sau đó, tôi quen với việc ngừng tiêu tiền và ngày càng cảm thấy có động lực. Sau khi phát hiện không mua sắm giúp mình tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, tôi cũng thành lập một kênh Youtube riêng về thời trang có đến gần 50.000 lượt theo dõi và thêm một công ty về thời trang. Thử thách ngừng mua sắm một năm giúp cuộc đời của tôi bước sang một trang hoàn toàn mới. Tôi trả hết nợ và có một cuộc sống viên mãn, tự chủ tài chính', Hannah Louise Poston chia sẻ thêm.
Ảnh minh họa.
Từ trường hợp của Hannah, giáo sư Ruth Engs đang công tác tại trường Đại học Indiana cho biết, một số người nghiện mua sắm (hay còn được biết tới với cái tên Compulsive Buying Disorder – CBD) vì họ cảm thấy 'ám ảnh' cảm giác thỏa mãn khi mua món đồ yêu thích. Khi đó, não sẽ giải phóng endorphins và dopamine. Theo thời gian, cảm xúc trên có thể trở thành nguyên nhân gây nghiện. Điều đáng nói là có đến 10-15% dân số trên thế giới có thể gặp tình trạng này.
Người mắc chứng CBD không chỉ là những người thường xuyên mua sắm vượt quá khả năng tài chính mà còn bao gồm những ai dành nhiều thời gian tìm kiếm trên mạng hay thậm chí là tơ tưởng đến việc mua sắm dù không thực sự làm điều đó.
Trước vấn đề này, một vài giải pháp khắc phục được giáo sư Ruth Engs đưa ra:
Giống như các loại nghiện khác, cơn nghiện mua sắm có thể sẽ khiến bạn phải trả giá rất đắt. Hành vi này có thể gây ra những tranh cãi, 'chiến tranh lạnh' và tất nhiên là cả những vấn đề lớn về tài chính. Tốt hơn hết, hãy áp dụng ngay những biện pháp này:
- Tránh đi mua sắm một mình.
- Lập danh sách những món đồ cần mua trước khi đi mua sắm.
- Ghi chép sổ chi tiêu hàng tháng một cách rõ ràng, sau đó tổng kết và đối chiếu giữa các tháng.
- Hạn chế lướt các trang bán hàng hay đi qua nơi có nhiều cửa hàng thời trang (chỉ trừ khi bạn thực sự cần mua một món đồ nào đó).
- Hạn chế thanh toán bằng tiền mặt để dễ dàng kiểm soát chi tiêu.
- Thường xuyên dọn tủ quần áo để biết được bạn đang có gì và cần mua thêm gì.
- Mua những món đồ cơ bản nhưng chất lượng cao, có khả năng kết hợp linh hoạt và dùng được lâu dài.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất bạn cần nhớ là nghiêm khắc với bản thân. Khi cảm thấy có mong muốn mua sắm, hãy tự phân tâm bằng cách đọc sách, nấu ăn hoặc tập thể dục. Càng giảm việc đi mua sắm, bạn sẽ càng ít có nhu cầu.
Nghiện mua sắm nếu không được khắc phục kịp thời có thể trở thành một căn bệnh tâm lý, gây trở ngại cho cuộc sống. Hãy chỉ nên xem mua sắm là một trong những hoạt động giải trí thông thường, là cách bạn tán thưởng bản thân. Đừng 'cuồng' mua sắm và hãy dành thời gian cho điều quan trọng hơn trong cuộc sống.
Theo Unsplash, CNT