Đến khám tại Bệnh viện K Trung ương, ông Nguyễn Văn M.(69 tuổi, trú tại Thái Bình) cho biết ông thường xuyên đi tiểu buốt, tiểu không hết. Ông M. nghĩ rằng đó là bệnh bình thường, viêm tiết niệu nên chỉ uống trà lợi tiểu. Mỗi lần uống thì triệu chứng giảm nhưng vài hôm lại tái phát.
Khi tình trạng đau xương chậu tăng lên, đứng lên ngồi xuống vẫn đau ông mới đến bệnh viện khám. Bác sĩ tuyến dưới nghi ngờ có u ở xương nên ông lên Hà Nội khám kỹ hơn. Kết quả, ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn 4, ung thư đã di căn. Dù trước đó dấu hiệu tiểu buốt kéo dài vài tháng liền nhưng ông không đi khám.
Cũng giống ông M, bệnh nhân Trần Văn H. (71 tuổi đến từ Hải Dương) cũng tương tự. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt đã di căn tinh hoàn. Giải phẫu bệnh ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ chỉ định cắt tinh hoàn, hiện đã di căn hạch chậu, xương. Ban đầu bệnh nhân cho biết đi tiểu khó, tiểu nhiều lần và đau buốt.
Ảnh bệnh nhân đến khám bệnh
ThS.BS Bùi Xuân Nội, Phó Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện K cho biết, bệnh nhân mắc bệnh ung thư tiết niệu thường đến bệnh viện trong giai đoạn muộn. Do đặc điểm của bệnh ung thư tuyến tiền liệt tiến triển chậm, triệu chứng không rõ ràng. Người bệnh có các triệu chứng không phải ở đường niệu như đau xương, sờ thấy hạch ở cổ đi khám mới phát hiện ra từ tuyến tiền liệt. Bệnh tiến triển chậm, tiềm tàng.
Ngoài ra, nhiều người bệnh thường nghĩ đây là bệnh khó nói nên giấu, đôi khi đến các trung tâm khám, tự mua thuốc về điều trị. Một số thuốc không phải đặc trị ung thư nhưng thuốc về đường tiểu cải thiện triệu chứng của bệnh nhân giảm dần nên bệnh nhân chủ quan. Đây là lý do bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn.
BS Nội cho biết ở nước ngoài 80% bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm còn ở Việt Nam thì chỉ có 10-15% phát hiện ở giai đoạn sớm.
ThS.BSCK II Nguyễn Thị Hương Giang, Trưởng khoa Nội tiêu hóa trên và hệ tiết niệu, Bệnh viện K cho biết ung thư tuyến tiền liệt hay gặp ở trung niên, người lớn tuổi. Bệnh diễn biến kéo dài nên người bệnh ít để ý tới. Bệnh phát triển từ tế bào ống tuyến đáy sau đó phá vỡ tuyến tiền liệt và di căn các cơ quan khác.
Ung thư tuyến tiền liệt chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1, 2 bệnh nằm trong tuyến tiền liệt, bệnh kéo dài, ít triệu chứng. Từ giai đoạn 3 trở đi ung thư đã phá vỡ tuyến tiền liệt di căn sang khu vực tiểu khung, giai đoạn 4 bệnh di căn xa đặc biệt là di căn xương. Vì di căn xương nên người bệnh có biểu hiện đau mỏi, thông thường người bệnh ngại không đi khám mà nghĩ rằng đó là đau xương, thoái hóa thông thường. Nhưng khi đi chiếu chụp tìm nguyên nhân thì là do ung thư tuyến tiền liệt di căn lên xương.
Bác sĩ Hương Giang cho biết khi người bệnh có biểu hiện tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, xuất tinh ra máu là bệnh đã ở giai đoạn 3.
Khi tế bào ung thư đã lan tỏa hoặc đã có di căn: đau cột sống, đau vùng xương chậu; Xuất tinh có máu hoặc cảm giác đau buốt khi xuất tinh, Phù nề chi dưới. Bệnh nhân còn có thể bị suy thận, gầy sút, thiếu máu… nên thường đi khám tại các chuyên khoa khác.
Ung thư tuyến tiền liệt cũng giống như các bệnh ung thư khác, nếu bệnh nhân đến sớm, ở giai đoạn đầu việc điều trị sẽ tốt hơn rất nhiều. Nếu điều trị sớm bệnh nhân có thể sống trên 5 năm. Chất lượng đời sống của người bệnh cũng được cải thiện.
BS Hương khuyến cáo tốt nhất nam giới nhất là tuổi trung niên trở lên cần theo dõi nếu thấy đi tiểu buốt, tiểu khó lâu ngày không khỏi cần đi tầm soát ung thư tuyến liệt tuyến.
Khám sàng lọc ung thư là phương pháp kiểm tra nhằm phát hiện bệnh trước khi bệnh nhân có những biểu hiện bệnh lý. Để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm chỉ có thể làm xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA).
Ngoài ra, thăm khám trực tràng (digital rectal exam) cũng là cách khám xác định tiền liệt tuyến có lớn bất thường hay không một cách tương đối chính xác.