Những ngày mùa thu tím
Hà Nội đang trong những ngày 'tím lịm tìm sim'. Cái màu của mộng mơ thương nhớ hôm qua đã trở thành màu của hoang mang sợ hãi hôm nay.
Những công viên trở nên thưa vắng. Lứa đôi rời ghế đá Hồ Tây. Các cụ già dừng tập dưỡng sinh và các chị em 'béo vừa phải' có thêm 1 lý do chân chính để không phải dậy sớm tập thể dục.
Trên mạng xã hội, thay vì những dòng cảm thán đầy âu yếm 'Sáng mát trong như sáng năm xưa' như mọi năm, ngủ dậy, người ta thấy những biểu đồ tím lịm cùng những than vắn thở dài, kiểu như 'Hôm nay lại là một kỷ lục mới'.
Hà Nội vào thu. Cây cơm nguội vẫn đổ lá vàng, cây bàng vẫn chuyển màu đỏ ối. Phố xưa nhà cổ lẫn cao ốc văn phòng vài chục tầng có lẻ vẫn ních vào để được nằm kề bên nhau. Chỉ có hoa sữa thôi ngào ngạt vì đã nở tận lực đợt đầu hè và cốm làng Vòng phải nhường địa hạt cho E5 Ron92 trong việc ướp hương những bàn chân.
Cuối tuần, người người 'rủ nhau đi trốn', về các vùng ngoại ô sơn cước để 'tìm lại bầu trời'. Rồi đầu tuần ngửa mặt ra phố lại thêm phần bất mãn, phẫn nộ với... mùa thu!
Nhưng không phải ai cũng phẫn nộ với mùa thu. Một số phẫn nộ với… Hà Nội. Một số phẫn nộ với… bụi mịn. Một số phẫn nộ với… các nhà quản lý. Còn một số ít không phẫn nộ với ai cả vì còn bận bán máy lọc không khí, bán khẩu trang, bán mặt nạ phòng độc, bán thực phẩm chức năng tăng cường sức đề kháng hay môi giới định cư nước ngoài.
Mùa thu Tím hóa ra cũng không đến nỗi tệ. Không chỉ giúp nhiều người ăn nên làm ra nhờ thức thời trong kinh doanh, Mùa thu Tím còn khiến nhiều đứa trẻ được ở trong nhà với điều hòa máy lạnh thay vì ra ngoài trời vận động, được quyền làm bạn với đồ công nghệ một cách hợp pháp. Bởi sóng từ trường của smartphone, ipad dẫu sao vẫn an toàn hơn bụi mịn và bụi siêu mịn về mặt cảm quan.
Mùa thu Tím cũng giúp nhiều người có thêm một đối tượng để đổ lỗi, để trách cứ, để bực bội đích danh và để cảm thấy mình là nạn nhân.
Bụi mịn màu gì?
Theo số liệu của trang IQair Air Visual (một tổ chức đo chất lượng không khí thế giới kiêm kinh doanh các giải pháp công nghệ về ô nhiễm như máy lọc không khí), ngày 29/9 vừa qua chất lượng không khí tại hai điểm nóng Hà Nội và TP. HCM những ngày qua thường xuyên ở mức báo động Tím (mức cực kỳ nguy hại), thuộc top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Tuy nhiên, số liệu trên trang AirNow của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí (AQI) cao nhất là 168, tức mức báo động Đỏ (mức xấu). Còn số liệu trên cổng thông tin của UBND TP Hà Nội, AQI dưới 150, tức mức báo động Cam (mức không tốt cho người thuộc nhóm nhạy cảm).
Dù có sự chênh lệch khá đáng kể về chỉ số giữa các đơn vị quan trắc thì thực tế không thể phủ nhận là các vùng đô thị lớn, trong đó có Hà Nội và TP. HCM đang ô nhiễm nặng nề. Đây là hệ quả tất yếu của một quá trình phát triển nóng mà yếu tố môi trường đã không được coi trọng đúng mức.
Gạt sang bên chuyện nhà cao tầng bị nhồi vào những quỹ đất chật chội ở nội thành, chuyện giao thông quá tải, chuyện xả bụi của các công trình xây dựng, chuyện xả thải ở các cơ sở sản xuất, chuyện chặt cây xanh, chuyện đốt rơm rạ, 'Mùa thu Tím' còn là kết quả của một thói quen sinh hoạt thiếu trách nhiệm với tự nhiên.
Ai cũng ưu tiên cho phương tiện cá nhân thay vì sử dụng phương tiện công cộng. Trong các phương tiện cá nhân thì ô tô luôn là mục tiêu mua sắm thiết yếu có vị trí quan trọng như nhà riêng. Điều hòa được tận dụng tối đa tại tư gia cũng như công sở bất chấp thời tiết, khí hậu. Đồ nhựa dùng một lần là vật dụng không thể thiếu ở các tiệm đồ ăn thức uống 'take away'.
Túi nilon được dùng vô tội vạ bất chấp có bao nhiêu cuộc vận động chị em bỉm sữa đem theo làn và túi dứa đi chợ. Rác thải sinh hoạt không được phân loại trước khi bỏ ra xe rác. Thùng rác công cộng luôn bị ném rác vương vãi thay vì bỏ rác vào bên trong. Nhà vệ sinh công cộng ở bất kỳ nơi nào không có lao công túc trực luôn nồng nặc xú uế với những bồn cầu tắc nghẽn giấy rác và chất thải.
Những nếp sinh hoạt này tồn tại cố hữu ở khắp các vùng đô thị lẫn nông thôn, góp tay vào việc đổi màu những dòng sông, làm đầy những núi rác, biến mùi của gió và thay sắc thái của mùa thu. Bụi mịn hay bụi siêu mịn chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi. Bụi mịn không màu tím. Tím là gam màu hòa trộn của rất nhiều nguồn ô nhiễm khác nhau được thải vào không khí mỗi ngày.
Khi ai cũng muốn làm Greta Thunberg
Mùa thu Tím sẽ vẫn trở lại vào năm sau, năm sau nữa và năm sau kế tiếp nếu như ai cũng nghĩ mình là Greta Thunberg và phần còn lại của xã hội là Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về biến đổi khí hậu.
Nhưng để được quyền chỉ trích, 'quát mắng' các nguyên thủ quốc gia, Greta Thunberg đã là thủ lĩnh phong trào bãi khóa 'Ngày thứ Sáu của tương lai' của học sinh sinh viên trên toàn thế giới ở tuổi 15 tuổi, từ chối đi máy bay và trở thành người ăn thuần chay để giảm xả thải carbon ra môi trường ở tuổi lên 8, và được đề cử cho giải Nobel Hòa Bình 2019 bằng những đóng góp to lớn vào việc chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Còn (đa phần) chúng ta đã làm gì cho mùa thu? Ngoài việc vừa bịt khẩu trang xịn vừa ném rác, ra đường xả carbon rồi vào nhà đóng cửa bật máy lọc không khí?
Chúng ta hoang mang, sợ hãi. Chúng ta ra sức phòng vệ và không làm gì để cải thiện. Chúng ta thậm chí tính đến chuyện trốn chạy khỏi nơi này, mặc cho tương lai tự xử. Mà xử cái hệ quả do chính chúng ta chung tay gây nên.
Rồi thì mùa thu cũng hết, rơm rạ cũng hết và màu tím cũng phai dần về đỏ về cam. Rồi thì tất cả chúng ta lại tươi cười quên hết những tháng ngày tím lịm này. Rồi chúng ta lại hồn nhiên tiếp diễn những thói quen sinh hoạt cẩu thả, lại bịt mũi đi qua những cung đường ùn tắc, những xe rác nồng nặc, không quên bực bội và bất mãn như thể khói bụi do ai đó xả ra chứ chả phải do mình, rác của ai kia chứ chả phải của tôi.
Tất nhiên, tình trạng ô nhiễm sẽ được cải thiện khi cơ quan quản lý có những chính sách vĩ mô đúng đắn. Song, sự đúng đắn ấy chỉ hiệu quả nếu có sự hợp tác của mỗi công dân. Nếu ngày mai ta đi bus, ngày mai ta dùng làn, ngày mai ta lắc đầu từ chối 1 cái cốc nhựa đựng trà sữa, bớt xin thêm cái túi nilon để đựng cho chắc hơn, ngày mai ta phân loại rác hữu cơ và vô cơ trước khi đem ra xe rác, ngày mai ta trồng một cái cây ở nơi ta sống, liệu mùa thu có chuyển màu không?
Câu trả lời thực ra lại thuộc về… ngày mai. Chỉ có điều không phải mùa thu hay những con đường lên tiếng, mà mỗi người chúng ta phải tự đi tìm câu trả lời cho chính mình.