Những ngày này có lẽ là quá dài và khó khăn với Văn Mai Hương khi cô bị phát tán những clip riêng tư, nhạy cảm tại nhà riêng. Câu chuyện của nữ ca sĩ lại một lần nữa khơi lên mặt trái của mạng xã hội. Khi nào người ta mới thôi kiểu hành xử thiên về phần 'con' dù xã hội đã từ giã thời kỳ nguyên thủy cách đây hàng triệu năm?
Phụ nữ có thật sự an toàn giữa xã hội được cho là văn minh?
Tôi đã từng nghe rất nhiều lời kêu gọi 'bảo vệ phụ nữ', nhưng khi những thứ riêng tư của nữ giới bị phát tán, tôi lại tự hỏi rằng liệu những người vừa nói những lời trên, họ đã mất trí nhớ rồi, phải không? Phụ nữ có thật sự an toàn sau hàng trăm lời kêu gọi nữ quyền, bình đẳng?
Văn Mai Hương bị phát tán clip khi ở tại nhà thay quần áo. Căn nhà vốn được xem là nơi riêng tư, an toàn lại bỗng trở nên đáng sợ bởi những kẻ biến thái, điên rồ. Chúng ta đã từng đọc rất nhiều về cách kiểm tra camera quay lén trong phòng khách sạn, nhà vệ sinh công cộng, nhưng sẽ thế nào nếu một ngày phụ nữ phải dùng những cách trên để kiểm tra chính ngôi nhà của mình? Ngay cả ở nhà cũng không thể an toàn, vậy thì chúng ta còn dám tin vào điều gì?
Tuy nhiên, thứ làm người ta rợn người nhất trong câu chuyện của Văn Mai Hương chính là chiếc camera. Đây là thứ được lắp đặt để giữ an toàn cho ngôi nhà và chủ nhân của nó, đến một ngày, chính thứ này lại khiến cô trở nên tuyệt vọng và phải đau đớn nói rằng 'chỉ muốn chết'.
Khi mọi thứ trở nên nguy hiểm, bản thân trở nên yếu ớt, người ta có xu hướng trông cậy vào đồng loại. Nhưng hãy nhìn xem, những người ngoài kia họ đã làm gì?
Họ theo dõi một cô gái tại nhà riêng bằng cách 'trà trộn' vào hệ thống camera. Không phải một ngày, hai ngày mà là nhiều năm trời. Sau đó, họ tung tất cả những hình ảnh riêng tư, nhạy cảm của nạn nhân lên mạng xã hội bằng thái độ hả hê như vừa lập được một công lao to lớn. Họ là đồng loại của cô.
Khi những clip bị tung lên, những người khác, họ làm gì? Họ tiếp tay cho những kẻ phạm pháp, biến thái trên bằng cách chia sẻ, lan truyền và đùa cợt, xúc phạm một cô gái. Họ thể hiện 'sự văn minh' của mình bằng hai chữ 'Xin link', họ nghĩ chỉ xem một chút có chết ai. Họ là đồng loại của cô.
Ngôi nhà, camera an ninh và đồng loại trong câu chuyện này không còn là thứ an toàn. Giữa thời đại 4.0, phụ nữ đã thật sự được bảo vệ?
Đến nay, chúng ta khó có thể hình dung được đâu mới là nơi an toàn cho phụ nữ. Từ văn phòng làm việc, thang máy, đường về nhà, nhà vệ sinh, phòng thay đồ và thậm chí là nhà ở như câu chuyện của Văn Mai Hương, mọi thứ đều tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ. Chỉ một phút sơ sẩy, phụ nữ lại trở thành những nạn nhân của chính đồng loại mình. Giữa xã hội văn minh, sao người ta lại hành xử như thời nguyên thủy?
Cộng đồng mạng, họ thiện hay ác?
Nếu ai đó hỏi tôi về một sự khó đoán, tôi sẽ trả lời là cộng đồng mạng.
Cách đây không lâu, khi tin tức về những nữ nghệ sĩ tự tử vì trầm cảm. Cư dân mạng đã kêu gọi nhau ngưng buông những lời cay nghiệt, ngưng bắt nạt mạng, ngưng chửi bới, xúc phạm người khác. Lúc ấy, tôi tự hào vì tính thiện của những người tham gia mạng xã hội. Người ta vui vì cuối cùng, cư dân mạng đã biết cùng nhau ngăn chặn một vấn nạn nhức nhối.
Hay mới đây, khi có thông tin cho rằng một nam ca sĩ bị công ty bóc lột, mất hết quyền lợi, sản phẩm của mình, cộng đồng mạng lại tiếp tục đứng lên bảo vệ cho nam ca sĩ ấy, trong đó có cả những người anti anh. Dù chưa rõ thực hư câu chuyện, nhưng tôi lại tiếp tục tự hào về tính thiện trong cư dân mạng khi họ biết bảo vệ người yếu thế, lên tiếng cho công bằng, lẽ phải.
Nhưng, cũng chính cư dân mạng khiến người ta cảm thấy ghê sợ vì sự tàn nhẫn của mình.
Vụ việc của Văn Mai Hương chính là một trong những biểu hiện của cái ác trong cư dân mạng. Thay vì đứng lên bảo vệ một phụ nữ bị quay lén, hạ nhục, họ lại 'xin link', hỏi nhau đã xem chưa, buông lời miệt thị ngoại hình, nhân phẩm của nữ ca sĩ.
Còn nhớ năm 2015, khi một nữ sinh tại Đồng Nai bị phát tán clip nhạy cảm giữa mình và bạn trai lên mạng xã hội, cộng đồng mạng đã liên tục chia sẻ clip, buông những lời bình luận hả hê, cay nghiệt. Tủi hổ, không chịu được áp lực của những bình luận ác ý từ cư dân mạng, nữ sinh này đã uống thuốc diệt cỏ và qua đời sau đó.
Văn Mai Hương hay nữ sinh Đồng Nai không phải là những nạn nhân duy nhất của cộng đồng mạng. Sau những việc này, người ta tự hỏi nhau rằng liệu cư dân mạng, họ thiện hay ác. Những người đã từng đứng lên bảo vệ đồng loại ngày xưa, sao hôm nay lại dồn chính đồng loại của mình vào đường cùng. Tất cả những nạn nhân trên, họ không hề sai, người sai chính là những kẻ tiếp tay lan truyền clip và cười cợt để hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác.
Hãy giã từ văn hóa làm nhục vì nạn nhân tiếp theo, có thể là bạn!
Giữa xã hội 4.0, chẳng ai đảm bảo rằng mình sẽ an toàn khi những thông tin cá nhân, hình ảnh của bản thân có thể bị kẻ xấu dễ dàng có được chỉ bằng một vài thao tác trên máy tính. Không phải chỉ Văn Mai Hương, bạn cũng có thể là nạn nhân tiếp theo. Chính vì vậy, hãy đặt bản thân mình trong hoàn cảnh tương tự trước khi cư xử với người khác.
Hãy giã từ văn hóa làm nhục bằng cách ngưng chia sẻ những đoạn clip nhạy cảm dù của bất kỳ ai. Đây không phải là một lời kêu gọi suông, bởi lẽ nếu chia sẻ clip, bạn đã vi phạm pháp luật. Những hành vi vi phạm pháp luật, đều sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Hãy giã từ văn hóa làm nhục bằng cách không xem clip. Nhiều người nghĩ rằng chỉ một cái click chuột sẽ chẳng gây nên tội lỗi gì, nhưng hành động xem clip chính là tiếp tay cho kẻ xấu. Nếu nạn nhân trên là bạn, bạn có muốn người khác nhìn chằm chằm vào thân thể mình, hay bạn sẽ cầu xin mọi người dừng lại?
Hãy giã từ văn hóa làm nhục bằng cách cảm thấy phẫn nộ, bức xúc và lên án hành vi phát tán clip. Đừng nói rằng bạn không quan tâm đến chuyện này, sự thờ ơ không làm bạn vô can. Đứng trước tội ác, người có lương tâm sẽ không lựa chọn im lặng!
Và lần này, hãy cùng nhau bảo vệ Văn Mai Hương. Chẳng ai biết khi nào bản thân hoặc người thân sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo. Vì vậy, hãy tạo ra một cộng đồng văn minh, không chỉ để bảo vệ người khác, mà còn để bảo vệ bản thân mình.