Elon Musk, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty tên lửa SpaceX và ô tô điện Tesla, xuất hiện trên ảnh bìa của ấn bản 'Nhân vật của năm 2021' của tạp chí TIME.
Sinh ra ở Pretoria, Nam Phi, Elon Musk chuyển đến Mỹ để theo học Đại học Stanford với tư cách là ứng viên Tiến sĩ nhưng sau đó đã bỏ học. Ông đồng sáng lập dịch vụ lập bản đồ internet Zip2 và công ty thanh toán điện tử PayPal, sau đó được bán cho Compaq và eBay.
Tháng 4/2021, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã cấp cho công ty tên lửa SpaceX của Elon Musk một hợp đồng độc quyền để đưa các phi hành gia Mỹ lên Mặt Trăng lần đầu tiên kể từ năm 1972, đưa Musk đi trước một bước so với công ty tên lửa của đối thủ Boeing và tiến gần hơn một bước tới mục tiêu mà ông đã đề ra là giúp đỡ để biến con người thành 'một loài đa hành tinh'.
Vào tháng 5, Musk tổ chức chương trình Saturday Night Live, sử dụng chương trình truyền hình này như một nền tảng để tự chế nhạo bản thân mình và nâng cao nhận thức về hội chứng Asperger - một dạng tự kỷ nhẹ - với việc thông báo rằng chính ông đã mắc căn bệnh này.
Đến tháng 10, khối tài sản ngày càng tăng của Musk đã được đẩy cao hơn nữa sau khi công ty cho thuê xe hơi Hertz cho biết họ có kế hoạch mua 100.000 chiếc xe điện của Teslas cho khách hàng của mình. Tin tức này khiến cổ phiếu Tesla tăng vọt và định giá của công ty xe điện vượt mốc 1 nghìn tỷ USD.
Mặc dù xe điện chỉ chiếm 0,43% tổng số xe đang hoạt động tại Mỹ trong nửa đầu năm nay, Tesla đã chiếm lĩnh khoảng 2/3 thị trường đó - theo Experian Automotive.
Tất cả những cột mốc quan trọng đó đi cùng với nhiều hành vi kỳ lạ - nhưng không ít lần 'hái ra tiền' - của Elon Musk trên mạng xã hội. Ông thường xuyên chia sẻ những bức ảnh hài hước với 65 triệu người theo dõi trên Twitter. Tháng trước, cổ phiếu Tesla đã tăng vọt sau khi Musk tạo ra một cuộc thăm dò trên Twitter rằng liệu ông có nên bán cổ phiếu Tesla của mình hay không, với số tiền gần 11 tỷ USD - theo Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ.
Ông cũng đã sử dụng Twitter như một nền tảng để thúc đẩy sự công nhận đối với tiền điện tử. Và tháng 2 năm nay, Musk thông báo rằng Tesla đã mua 1,5 tỷ USD Bitcoin và báo hiệu ý định bắt đầu chấp nhận nó như một dạng thanh toán.
Nhưng ông cũng cho thấy những giới hạn trong cách 'quảng cáo' tiền điện tử của mình, khi hồi tháng 5 đã đăng dòng tweet rằng Tesla sẽ tạm ngừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, và nêu lên những lo ngại về lượng khí thải carbon do hoạt động liên quan đến tiền điện tử tạo nên.
Tạp chí TIME đã viết trong hồ sơ về Elon Musk: 'Nếu 800.000 chiếc ô tô Teslas được bán trong năm ngoái là ô tô chạy bằng khí đốt, thì chúng sẽ thải ra hơn 40 triệu tấn CO2'.
Nhưng việc hạn chế khí thải chỉ là một phần trong tầm nhìn lớn của vị tỷ phú nghìn tỷ này ấp ủ đối với nhân loại. Elon Musk muốn mọi người bắt đầu định cư trên Sao Hỏa.
'Mục tiêu tổng thể là làm cho sự sống trở nên đa hành tinh và cho phép nhân loại tiến tới một nền văn minh du hành vũ trụ' - Musk nói với TIME.
Khi được TIME hỏi về mốc thời gian đưa người lên Sao Hỏa và khả năng tiếp nhiên liệu trên Hành tinh Đỏ để quay trở lại Trái đất, Musk trả lời: 'Sẽ là bất ngờ nếu chúng ta không hạ cánh lên Sao Hỏa trong vòng 5 năm nữa'.
Trở lại với Trái đất, Elon Musk được cho đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số bằng Starlink - một dịch vụ vệ tinh băng thông rộng với gần 2.000 vệ tinh đã được phóng cho đến nay. Ông hy vọng sẽ khởi động thêm 42.000 mạng nữa để cung cấp dịch vụ internet cho các cộng đồng nông thôn và đang phát triển chưa được phục vụ trên toàn cầu.
Musk hiện đang đàm phán với chính phủ Brazil về cách vệ tinh của Starlink có thể giúp chống lại nạn phá rừng và cháy rừng của Amazon. Ông cũng đang thực hiện các bước để cung cấp dịch vụ internet cho vùng nông thôn Ấn Độ.
Nhưng không phải mọi thứ đều thuận lợi đối với vị tỷ phú công nghệ này. Một số nhân viên cũ đã cáo buộc các công ty của Elon Musk đang nuôi dưỡng một môi trường phổ biến nạn quấy rối tình dục, điều kiện làm việc tồi tệ và phân biệt chủng tộc.
Đầu năm nay, bồi thẩm đoàn liên bang đã yêu cầu Tesla chi hơn 137 triệu USD cho một cựu nhân viên người Mỹ gốc Phi tại nhà máy của hãng sản xuất xe điện ở Freemont, California, sau khi người này nói rằng Tesla đã làm ngơ trước hành vi lạm dụng chủng tộc.
Cục An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ đang xem xét sự an toàn của hệ thống tự lái (Autopilot) của Tesla sau khi có khiếu nại liên quan đến việc phần mềm này gặp sự cố.
Sự gia tăng tài sản ròng của Elon Musk lúc này cũng khiến ông rơi vào tình trạng bất bình đẳng và trở thành chủ đề tranh luận về việc liệu Chính phủ có nên buộc người giàu phải trả nhiều thuế hơn hay không.