Lâu nay, chuyện con cái đỗ đại học luôn là niềm tự hào đối với mỗi gia đình. Đặc biệt đối ở những vùng quê nghèo thì niềm vui như được nhân đôi, bởi với họ đó là cơ hội đổi đời, là niềm tin có một cuộc sống tươi sáng hơn.
Thế nhưng, việc con cái phải rời xa gia đình, phải tự lập nơi đất khách quê người khiến những bậc phụ huynh không thể kìm lòng. Vậy nên cứ mỗi mùa nhập học, chúng ta lại được chứng kiến biết bao khoảnh khắc cảm động đến cay khóe mắt khi con cái phải rời xa cha mẹ, ông bà để bắt đầu một cuộc sống mới.
Cách đây ít giờ, nhiều cư dân mạng xúc động khi đọc chia sẻ của một nữ sinh viết về ông ngoại mình. Trước giờ cháu gái lên đường đi học đại học, ông gọi lại thỏ thẻ: 'Ông cho cái này'. Mở ra cô gái thấy đó là một chiếc đèn học, một quyển sách cũ và 2 triệu đồng. Đặc biệt câu nhắc nhở của ông khiến nữ sinh nghẹn ngào: 'Lâu lâu nhớ về thăm ông, vì thời gian của ông không còn nhiều...'.
Đó là câu chuyện của cô bạn Trần Linh Mai (18 tuổi, ở Kiến Xương - Thái Bình). Hôm nay Mai lên đường nhập học trường Đại học Ngoại thương - Hà Nội.
Lý do cô chụp bộ ảnh với ông ngoại lần này là để in ra cho ông giữ làm kỷ niệm, bởi ông không sử dụng điện thoại thông minh nên chỉ có thể ngắm cháu gái mình qua những tấm ảnh. Thêm một lý do xúc động nữa là Linh Mai cũng muốn lưu lại khoảnh khắc vui vẻ giữa hai ông cháu.
Linh Mai chia sẻ: 'Bố mẹ mình ly hôn từ khi mình còn rất nhỏ. Vì thế mình sống với mẹ và ông bà ngoại. Nhà mình cạnh nhà ông bà ngoại, mình sống với ông bà từ bé đến lớn, được ông bà lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ. Mình lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của ông bà và mẹ.
Năm mình 12 tuổi thì bà mất. Trước lúc mất, bà gọi mình lại hỏi: “Con có thương bà không?'. Trí óc non nớt của mình ngày ấy không đủ để hiểu hết câu nói ấy và mình chưa trả lời bà. Cho tới mãi sau này, mình lại tha thiết được trở lại khoảnh khắc ấy, để nói với bà rằng: 'Con yêu và thương bà rất nhiều'.
Năm nay mình 18 tuổi, ông mình đã ngoài 87. Đã 6 năm từ khi bà mất, ông chỉ còn làm bạn với con chó, con mèo. Đôi lúc, ông mở tivi ở số to nhất vì ông lãng tai và để cho “có tiếng người'.
Ông mình mới đi mổ quặm mắt. Ông bảo: 'Cái Mai nó sắp đi học đại học, không có ai nhổ quặm cho ông nữa'. Ông bảo: 'Sửa cho ông cái điện thoại, lưu số con vào để thỉnh thoảng ông gọi'.
Sáng nay 6h30 ông gọi mình dậy, cho mình một cái đèn, một quyển sách cũ và 2 triệu. Ông bảo cho mình để đi học đại học. Ông nhắc mình lâu lâu nhớ về thăm ông, vì thời gian của ông không còn nhiều…'.
Nữ sinh chụp ảnh với ông ngoại của mình.
Câu chuyện của Linh Mai đã nhận về nhiều sự yêu thích của dân mạng, ai cũng cảm thấy cay cay khóe mắt khi đọc những dòng cô viết về ông ngoại mình. Có thể nói, tuy không được sống trong một gia đình trọn vẹn có mẹ và cha nhưng Mai đã rất may mắn khi có ông bà ngoại yêu thương mình hết mực.
Bên cạnh đó, cô cũng có được một môi trường giáo dục rất tốt để có thể trúng tuyển vào trường đại học danh giá và biết nhận ra những điều quý báu trong cuộc sống.
Linh Mai tâm sự với Infonet: 'Ông bà chăm mình từ nhỏ. Khi đó hoàn cảnh kinh tế của gia đình cũng không dư giả lắm, nhưng ông bà vẫn chăm sóc mình chu đáo và cho mình được học hành tử tế.
Dù bà mất lâu rồi nhưng mình vẫn áy náy vì chưa nghe lời bà, mặc dù mình đã hứa. Bà mình mất năm 79 tuổi. Trong trí nhớ của mình, bà ốm liên miên, bà đã cắt đi 3/4 dạ dày và bà mất vì bệnh phổi.
Những năm tháng cuối đời bà gắn liền với giường bệnh. Mẹ, ông và các bác luôn túc trực chăm sóc bà. Hình ảnh ông đút cho bà từng thìa cơm, miếng nước đã hằn sâu vào trí óc mình. Bà luôn cố gắng chống chọi với bệnh tật, những cơn đau tưởng như rút mòn đi sức sống trong bà, nhưng ánh mắt bà luôn kiên định, luôn rực cháy. Hơn ai hết, bà khao khát sống, mình hiểu rõ điều ấy khi bà hỏi mình: “Mai ơi, con có thương bà không?'
Rồi cũng đến ngày bà ra đi, trước lúc mất, bà đã dặn mình rằng: 'Con không được khóc, con niệm Phật cho bà, như vậy bà mới ra đi thanh thản'.
Mình đã không nghe lời bà, nhưng ông thì có, trong suốt đám tang bà, ông không rơi một giọt nước mắt. Ông xông xáo, lo hết mọi thứ cho bà. Và khi mọi người đã về hết, mình thấy ông ngồi trong góc nhà, khóc một mình. Lúc ấy, mình chợt hiểu rằng đôi khi người ở lại mới chính là người đau khổ nhất'.
Câu chuyên của nữ sinh Thái Bình cũng nhắc nhớ mỗi người chúng ta phải biết trân trọng những người thân bên cạnh mình. Bởi lẽ khi họ không còn nữa, lúc đó chúng ta có hối hận, có muốn báo đáp công ơn, có muốn gần gũi thì cũng đã muộn rồi!
Một số bình luận từ cư dân mạng:
- Hay quá cô gái ạ. Ông bà nào cũng hết lòng vì con cháu. Ông ngoại nhà cô cũng vậy. Giờ nhớ ông lắm nhưng không làm được gì nữa vì ông đã mất rồi. Cảm ơn gái đã nói lên tâm sự của nhiều người.
- Chúc cho ông ngoại của bạn nhiều sức khỏe, nhớ ngày nào cũng gọi về nói chuyện với ông nha. Mình là Thảo, cho mình gửi lời hỏi thăm và chúc ông thiệt nhiều sức khỏe. Chúc bạn nhiều sức khỏe, niềm vui và may mắn luôn nha.
- Em vừa xinh gái vừa tình cảm ghê. Chúc ông luôn mạnh khỏe để có thể đồng hành cùng em trong những chặng đường sắp tới nha.
- Em xinh xắn và may mắn lắm khi có ông, có được những bức ảnh quá đẹp về một ông bụt mà ai cũng nên có riêng trong đời mình. Ngọn đèn và cuốn sách, ông quả là người trọng sự học. Mai ráng học giỏi và nhớ khoe thành tích với ông thường xuyên nhé. Thương ông tuổi già cô quạnh. Chúc ông mạnh giỏi và sống vui.
- Con bé có bộ ảnh cùng ông ngoại đẹp quá! Và con bé 18 tuổi sớm biết nghĩ lắm nhá! Chúc ông ngoại mạnh khoẻ để nó báo đáp ông nha!
- Tự nhiên lướt qua bài của em, nước mắt chị chảy trào. Cũng tròn 9 năm rồi, điện thoại chị không còn hiện dòng chữ 'ông ngoại đang gọi' nữa. Thương nhớ ông vô cùng...
- Bạn thật may mắn khi được sống gần ông bà. Thèm lắm cảm giác được ngồi chuyện trò với người lớn tuổi, ám áp lắm!