Như một phong tục, người Việt thường hay đi chùa vào dịp đầu năm. Từ sau Tết cho mãi đến Rằm tháng Giêng, những địa điểm chùa chiền được đông đảo người dân cũng như là khách hành hương ghé thăm, bái lễ hương khói. Tuy nhiên, nếu người lớn đi chùa là để cầu phúc cho gia đình, trông mong gia đạo bình an, việc làm ăn kinh doanh phát đạt, thì người trẻ thường đi chùa để cầu tình duyên. Và một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất để cầu duyên được giới trẻ rỉ tai nhau 'khi đi lẻ bóng khi về có đôi' chính là chùa Hà.
(Ảnh Instagram: Myha_ng)
Không biết vì nguyên do gì, chùa Hà bỗng trở thành địa điểm cực hot của giới trẻ thủ đô những năm gần đây, nhất là với các cô gái trẻ. Nhiều người nói chùa Hà chính là nơi linh thiêng bậc nhất giúp những người 'ế bền vững' có cặp có đôi. Ấy thế, dù nổi tiếng là thế, nhưng liệu mọi người có biết hết về chùa Hà hay chưa? Câu hỏi này sẽ nhanh chóng được giải đáp.
(Ảnh Instagram: _hinhinn)
Ít ai biết rằng, thực chất chùa Hà không phải là chùa, mà là một quần thể di tích đình - chùa hợp nhất. Chùa Hà còn được gọi với cái tên Thánh Đức tự, cùng với Đình Bối Hà, lập thành cụm di tích đình - chùa Hà. Trước kia quần thể di tích này thuộc làng Dịch Vọng (làng Vòng), huyện Từ Liêm, nay thuộc phố Chùa Hà, thôn Trung, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
(Ảnh Instagram: leha.bn95)
Nói riêng về chùa Hà. Ngôi cổ tự này có đến hai truyền thuyết hình thành hư ảo mà đến nay vẫn không ai dám khẳng định tính chính xác. Truyền thuyết thứ nhất cho rằng, chùa Hà từ thuở sơ khai là một ngôi chùa nghèo được vua Lý Thánh Tông (khi ấy ở tuổi 42) ban công đức, tiền bạc để trùng tu lại. Sau lần ấy, chùa Hà được biết đến rộng rãi với cái tên Thánh Đức tự.
(Ảnh Instagram: Jinsaysaloha)
Truyền thuyết thứ hai cho rằng, chùa Hà được đích thân vua Lý Thánh Tông khởi công xây dựng để bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã cưu mang và phế bỏ Lê Nghi Dân đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460.
Được xây dựng từ lâu, nhưng dưới thời loạn lạc, chùa Hà đã trải qua không ít thăng trầm biến cố. Năm 1680 chùa Hà còn có tên là chùa Vồi vì mái vẫn còn lợp lá, tường xây bằng gạch vồ. Đến đời vua Lê Hy Tông, có hai người quê làng Thổ Hà, tỉnh Bắc Giang sang ở chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong và ngoài thành Thăng Long. Nhờ buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện cúng dường công đức cho trùng tu lại chùa với quy mô lớn vào năm Chính Hòa (1680).
(Ảnh Instagram: chutrieulong)
Có thể nói diện mạo của chùa bây giờ chính là kết quả của lần trùng tu lớn đó. Sau lần ấy, hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà, và chùa chính thức có tên là chùa Hà mãi cho đến tận ngày nay.
Riêng về đình Hà lại có truyền thuyết khác. Thuở xưa, ngay từ thời chùa Hà còn chưa hình thành, Triệu Việt Vương vì muốn báo đáp ơn nghĩa và di nguyện cuối cùng của Triệu Chí Thành - người thợ chế tác nỏ thần, giúp Triệu Việt Vương đánh bại quân Lương, nên đã cho xây dựng một ngôi đình. Ngôi đình ấy chính là đình Bối Hà bên trong chùa Hà ngày nay. Đình thờ hai vị thành hoàng là Triệu Chí Thành và Chu Lý.
(Ảnh Instagram: doca_0812)
Về kiến trúc, chùa Hà nhìn ra hướng tây, kết cấu kiểu chữ Đinh có Tiền đường và Thượng điện, tam bảo năm gian rộng. Chùa thờ tự nhiều tượng Phật, Bồ Tất, Thần Vương hộ pháp và đặc biệt nhất chính là tượng Đức Ông. Đức Ông chùa Hà rất linh thiêng nên dân quanh vùng có câu 'Đức Ông chùa Hà, Đức Bà chùa Hương'. Còn đình Bối Hà cũng có kiến trúc tương tự chùa Hà: kiểu chữ Đinh nhìn hướng Tây, nhưng lại tuân thủ quy luật âm dương: tiền quảng đại, hậu thần mật; tiền náo nhiệt, hậu túc tĩnh.
(Ảnh Facebook: Anh Phuong)
Về sau này, quần thể đình - chùa Hà bỗng nổi lên là nơi tâm linh cầu duyên nổi tiếng nhất đất Thăng Long. Không cần dịp lễ Tết, cứ hễ đến ngày rằm và mồng 1 hàng tháng nếu có dịp ghé thăm, bạn không khỏi ngạc nhiên vì có rất nhiều bạn trẻ (đa số trong đó là các bạn nữ) tới để dâng hương, xin sớ, xem quẻ cầu duyên.
Điểm đặc biệt nữa, dường như nắm bắt tâm lý của những người đến đây bái lễ, dọc con phố dẫn vào chùa Hà chỉ bán hoa hồng – hoa tượng trưng cho tình yêu. Ngoài ra, các cửa hàng kinh doanh quà lưu niệm quanh chùa nổi tiếng Hà Nội cũng bán rất nhiều trang sức vòng, nhẫn, cái nào cũng đi theo đôi, theo cặp.
(Ảnh Instagram: trinhhani)
(Ảnh Instagram: quynhanh.ph)
Hôm nay, ngày valentine ngay sau Tết 2019, tin chắc rằng cũng sẽ có rất nhiều bạn trẻ đang trong tình trạng lẻ bóng đến chùa Hà để cầu duyên. Thôi thì hy vọng, chùa Hà thật sự linh nghiệm như những gì đồn đại để giúp cho mọi người, nhất là cộng đồng chị em sớm tìm được ý trung nhân của cuộc đời mình, thoát khỏi tình cảnh ế hoài ế mãi, ế trường cửu nghìn năm.
(Nguồn: Di tích lịch sử văn hóa đình - chùa Hà. Ban quản lý di tích đình - chùa Hà, 2007)