Sữa chua là một sản phẩm sữa phổ biến được làm dựa trên quy trình lên men sữa của vi khuẩn. Ảnh: Medicalnewstoday
Sữa chua là một sản phẩm sữa phổ biến được làm dựa trên quy trình lên men sữa của vi khuẩn. Các vi khuẩn được sử dụng để làm sữa chua được gọi là “nền sữa chua”, lên men đường lactose, loại đường tự nhiên có trong sữa. Quá trình này tạo ra axit lactic, một chất làm cho protein trong sữa đông lại, tạo cho sữa chua hương vị và kết cấu độc đáo.
Sữa chua có thể được làm từ tất cả các loại sữa. Các loại sữa chua được làm từ sữa tách béo được coi là không có chất béo, trong khi những loại được làm từ sữa nguyên chất được coi là đầy đủ chất béo. Sữa chua nguyên chất không có thêm chất tạo màu là một chất lỏng màu trắng, đặc với hương vị thơm.
Tuy nhiên, hầu hết các loại sữa chua hiện nay trên thị trường đều có chứa các thành phần bổ sung, chẳng hạn như đường và hương vị nhân tạo.
Dưới đây là lợi ích sức khỏe đã được khoa học chứng minh của sữa chua:
1. Sữa chua giàu chất dinh dưỡng quan trọng
Sữa chua chứa gần như mọi chất dinh dưỡng mà cơ thể bạn cần. Sữa chua rất giàu canxi, một khoáng chất cần thiết cho răng và xương khỏe mạnh. Chỉ một cốc sữa chua là có thể cung cấp 49% nhu cầu canxi hàng ngày của bạn.
Sữa chua cũng chứa nhiều vitamin B, đặc biệt là vitamin B12 và riboflavin, cả 2 đều giúp ngăn ngừa bệnh tim và một số dị tật bẩm sinh ống thần kinh.
Một cốc sữa chua cũng cung cấp 28% lượng phốt pho hàng ngày của bạn, 10% đối với magie và 12% đối với kali. Những khoáng chất này cần thiết cho một số quá trình sinh học, chẳng hạn như điều hòa huyết áp, quá trình trao đổi chất và sức khỏe của xương.
Một chất dinh dưỡng mà sữa chua không có tự nhiên là vitamin D, tuy nhiên trong quá trình sản xuất sữa chua người ta thường thêm loại vitamin này vào sữa. Vitamin D thúc đẩy sức khỏe của xương và hệ thống miễn dịch, đồng thời có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh, bao gồm bệnh tim và trầm cảm.
2. Sữa chua chứa hàm lượng protein dồi dào
Sữa chua cung cấp một lượng protein ấn tượng, trong 227 gam sữa chua có khoảng 12 gam protein. Protein được chứng minh là hỗ trợ quá trình trao đổi chất bằng cách tăng mức tiêu hao năng lượng hoặc số lượng calo bạn đốt cháy trong ngày.
Nạp đủ protein cũng rất quan trọng để điều chỉnh sự thèm ăn, vì nó làm tăng sản xuất hormone báo hiệu cảm giác no. Nó có thể giúp giảm tổng lượng calo bạn tiêu thụ, điều này có lợi cho việc kiểm soát cân nặng.
Trong một nghiên cứu năm 2014, những người tham gia ăn vặt bằng sữa chua ít đói hơn và tiêu thụ ít hơn 100 calo vào bữa tối so với những người ăn đồ ăn nhẹ ít protein hơn với cùng lượng calo.
3. Sữa chua có lợi cho hệ tiêu hóa
Một số loại men vi sinh có trong sữa chua, chẳng hạn như Bifidobacteria và Lactobacillus, đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng khó chịu của hội chứng ruột kích thích (IBS), một chứng rối loạn phổ biến ảnh hưởng đến ruột kết.
Nhiều nghiên cứu cho thấy những người mắc IBS thường xuyên tiêu thụ sữa hoặc sữa chua lên men có chứa Bifidobacteria giúp cải thiện đáng kể triệu chứng đau bụng liên quan đến IBS.
Một nghiên cứu khác cho thấy sữa chua có Bifidobacteria cải thiện các triệu chứng tiêu hóa và chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe ở những phụ nữ gặp phải các triệu chứng tiêu hóa nhẹ.
Hơn nữa, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng men vi sinh trong sữa chua có thể chống lại tiêu chảy và táo bón liên quan đến dùng thuốc kháng sinh.
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ mắc bệnh tiểu đường bị viêm phụ khoa mạn tính, tiêu thụ 180ml sữa chua mỗi ngày đã giảm viêm nhiễm đáng kể. Ảnh: Pinterest
4. Sữa chua giúp tăng cường hệ thống miễn dịch
Tiêu thụ sữa chua - đặc biệt là sữa chua có chứa men vi sinh - thường xuyên có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn và giảm khả năng nhiễm các tác nhân gây bệnh.
Probiotic được biết là có khả năng làm giảm viêm, có liên quan đến một số tình trạng sức khỏe, từ nhiễm vi-rút đến rối loạn đường ruột.
Nghiên cứu cho thấy rằng trong một số trường hợp, men vi sinh cũng có thể giúp giảm tỷ lệ mắc, thời gian và mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh thông thường.
Hơn nữa, đặc tính tăng cường miễn dịch của sữa chua một phần là do magie, selen và kẽm, là những khoáng chất vi lượng đặc biệt tốt cho hệ miễn dịch.
Sữa chua được bổ sung vitamin D có thể tăng cường sức khỏe miễn dịch hơn nữa. Vitamin D đã được chứng minh về khả năng ngăn ngừa các bệnh như cảm lạnh và cúm thông thường.
5. Sữa chua giúp giảm nguy cơ cao huyết áp
Trong một nghiên cứu theo dõi hơn 5.000 người trong 2 năm, tiến sĩ Alvaro Alonso - Phó Giáo sư của Trường Y tế công cộng Rollins Đại học Emory (Mỹ), cho biết những người ăn ít nhất 2 - 3 phần sữa chua ít béo mỗi ngày, đã giảm 50% nguy cơ cao huyết áp.
Các nhà nghiên cứu Hà Lan gần đây cũng đã báo cáo, tiêu thụ nhiều sữa chua hơn giúp giảm huyết áp cho người từ 50 đến 75 tuổi.
6. Sữa chua giúp ngăn ngừa nhiễm nấm phụ khoa
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ mắc bệnh tiểu đường bị viêm phụ khoa mạn tính, tiêu thụ 180ml sữa chua mỗi ngày đã giảm viêm nhiễm đáng kể.
Theo WebMD, tốt nhất nên ăn sữa chua không đường tách béo, tự thêm trái cây cắt nhỏ hoặc hạt lanh - để đạt được lợi ích cao nhất, vì đường thêm vào hoặc chất béo trong sữa - không tốt cho sức khỏe, có thể làm giảm tác dụng của sữa chua.