Mới đây, trong một group lớn, một dân mạng đăng tải bài viết chia sẻ về trải nghiệm trong những năm làm nghề của mình. Bài viết khiến nhiều người xúc động.
'Đầu tiên thì mình mong các bạn đừng cười khi nhìn thấy bức vẽ nguệch ngoạc kia nhé. Bởi vì đó là nét vẽ của 1 cụ ông gần 80 tuổi đã cố gắng vẽ người mẹ đã mất của mình đó. Rồi mình sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện đó.
Vào 1 buổi sáng lạnh căm cách nay 3 ngày, 1 cụ già tóc bạc lơ phơ đến tìm mình tại công ty mình làm việc.
Cụ đưa mình tờ giấy đó, rồi nhờ mình vẽ giúp mẹ của cụ. Cụ kể, cụ mồ côi mẹ từ lúc lên 6, mẹ cụ mất lúc còn khá là trẻ (37 tuổi), cụ bảo cụ không nhớ rõ lắm nữa, nhưng cụ vẫn nhớ mẹ rất đẹp, mắt hiền, đầu đội khăn vấn, mặc áo yếm nên cụ vẽ hết ra giấy đây.
Mới nhìn bức vẽ thì mình chỉ nghĩ được 'Ôi trời, thế này biết vẽ sao giờ'.
Nhưng mà nhìn cụ thì ai mà nỡ từ chối được nên mình từ từ hỏi cụ trong gia đình còn ai có nét giống mẹ cụ nữa không? Nhưng cụ lắc đầu, con cháu cụ không ai có nét nào giống cả.
Cụ bảo không cần vẽ giống lắm đâu, chỉ cần được 60-70% là mừng rồi, công cán hết bao nhiêu cụ trả đủ.
Rồi cụ bảo trên bàn thờ cha mẹ mà chỉ có ảnh cha, nên cụ đau đáu mãi 1 tấm hình thờ mẹ, mà sắp đến ngày giỗ rồi.
Quá trình hình thành bức vẽ nhiều ý nghĩa.
Về nhà, mình bắt tay vẽ, mình định hình sẽ vẽ 1 bức ảnh mà không dựa theo 1 hình mẫu nào. Khuôn mẫu duy nhất là vẽ 1 cô gái trẻ sống vào những năm 40 của thế kỷ trước.
Sau 3 ngày làm việc (mình vẽ part-time) thì mình vẽ xong, mai sẽ đưa cụ chỉnh sửa, dù cụ có sửa lại như thế nào thì mình cũng sẽ sửa cho cụ đến nơi đến chốn. Mình cũng không định lấy tiền công của cụ'.
Đây là một câu chuyện được đăng tải, đính kèm chính là bức hình nguệch ngoạc của một cụ già khi vẽ về mẹ mình. Đã gần 74 năm trôi qua kể từ khi mẹ mất, cụ vẽ lại người mẹ dựa vào những ký ức ít ỏi với tóc vấn, áo yếm. Đính kèm chính là năm sinh năm mất của mẹ cụ (1913-1950).
Sau bao nỗ lực, cuối cùng vị họa sĩ cũng phác họa nên hình ảnh một người phụ nữ sống trong những năm 40 của thế kỷ trước.
Bức vẽ nguệch ngoạc mà cụ ông 80 tuổi nhớ về mẹ.
Họa sĩ bắt đầu phác họa những đường nét cơ bản.
Vị họa sĩ chia sẻ câu chuyện trên là anh Nguyễn Phương Mai, 35 tuổi, làm việc tại một công ty quảng cáo ở Nghệ An. Anh chính là người nhận được đề nghị kỳ lạ từ cụ ông 80 tuổi.
'Mình là một người cũng mất mẹ từ nhỏ nên khi nhận lấy tờ giấy với nét vẽ của cụ và câu chuyện khiến mình vô cùng xúc động. Khi đó mình biết rằng dù khó khăn nhưng cũng tìm cách để vẽ lại bằng được rồi', Phương Mai chia sẻ.
Theo anh Mai, lúc trình bày câu chuyện, giọng ông cụ hơi run run và xúc động. Chừng đó cũng đủ để biết ông cụ hi vọng nhiều đến thế nào ở việc sẽ được nhận một bức ảnh của mẹ, đặt lên ban thờ khi ngày giỗ của cụ bà sắp đến.
Nhận được đề nghị, anh Phương Mai đã bắt tay vào làm luôn.
'Mình đầu tư nhiều thời gian để vẽ khuôn mặt cụ bà. Cả ngày mình làm việc ở công ty nên chỉ có vẽ vào buổi tối sau khi bế con. Thời gian làm việc chủ yếu khoảng 2-3 giờ sáng. Sau 3 ngày thì bức vẽ cũng hoàn thành và mình tạm ưng ý', anh Mai cho hay.
Hình ảnh người phụ nữ hiền hậu dần hiện ra.
Bức hình về cụ bà sau khi họa sĩ phục chế.
Công việc vẽ phục chế tranh anh Mai đã làm từ nhiều năm nay. Thế nhưng tấm ảnh về cụ bà này là tấm mà anh cảm thấy ưng ý nhất trong quá trình vẽ phục chế từ xưa đến nay.
Cũng theo anh Phương Mai, sau khi vẽ xong xuôi anh đã in thử ảnh ra giấy rồi mời cụ ông đến nhà mình để xem ảnh. Nhận được tấm hình, cụ xúc động bảo rằng không cần chỉnh sửa thêm gì nữa vì đã quá đẹp, quá tốt rồi.
Chân dung người họa sĩ tài ba.
Trưa hôm sau, anh mang sản phẩm đến nhà cụ sau khi hoàn thiện tất cả. Khi nhìn thấy hình, cụ bà đã thốt lên: 'Đây đúng là khuôn mặt mẹ mà bà đã mơ thấy rồi'. Nói xong, cụ bà ôm mặt khóc.
Sau một hồi trò chuyện, anh Phương Mai mới phát hiện ra hóa ra cụ ông đã vẽ phác họa lại gương mặt mẹ đẻ mình theo lời kể của vợ. Cụ bà từng mơ nằm thấy mẹ chồng mình nên giúp đỡ chồng trong việc vẽ phục chế ảnh.
Với anh Mai, những lời các cụ kể thật sự quá mức trùng hợp và tuyệt vời. 'Lúc đó cụ ông cứ nhìn ảnh rồi rưng rưng nói theo: 'Thế là giờ mẹ được về với con trai rồi mẹ ơi'. Điều đó khiến mình xúc động vô cùng', anh Phương Mai chia sẻ.
Cuối cùng, khi hai cụ đề nghị được trả tiền thì anh nhất quyết không nhận. Hai cụ dúi mãi vào tay, anh Mai đành nhận một chút để các cụ không áy náy. Cụ bà còn chạy vào nhà lấy ra hai gói bánh và gói cà phê rồi cho vào túi gửi cho anh cùng lời nhắn nhủ khi nào làm đêm thì uống cho thật sự tỉnh táo. Ngày Đông giá rét nhưng câu chuyện nhỏ này đã khiến cho bao người cảm thấy ấm áp.