Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện 1 trong 3 hình thức: bài viết (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi dưới đây của tác giả Mai Trâm (Bà Rịa Vũng Tàu)
Lúc chị em tôi còn nhỏ, ba thường 'khoe' học bạ hồi xưa mà ba còn giữ được. Tôi ngạc nhiên vì thấy thành tích học tập của ba chỉ ở mức trung bình chứ đâu có xuất sắc mà ba 'khoe'.
Nghe tôi thắc mắc, ba cười: 'Đưa học bạ này cho tụi con coi là để các con thấy đời ba vì học dốt nên mới khổ như vầy, đời tụi con phải gắng học giỏi để không phải khổ như ba, hiểu chưa? Ba muốn học bạ của ba ngày xưa sẽ là động lực cho các con bây giờ, nỗ lực học tập để thành đạt ở ngày sau, con hơn cha là nhà có phúc mà!'.
Ba cười, nụ cười trông hiền lành, dung dị.
Có một điều rất lạ là ba má tôi đặc biệt không thích chụp hình, dù có năn nỉ cỡ nào cũng vậy, tôi chỉ có thể chụp lén ba từ phía sau khi ba ngồi nhổ cỏ sau vườn nhà.
Quần áo đi ruộng của ba rách, bung chỉ chỗ nào, ba tự tay may vá lại, không nhờ vả vợ con. Ba thường 'lén lút' may vá lúc khuya, khi mọi người đã ngủ.
Má thường càu nhàu ba: 'Mỗi khi quần áo ông rách, tui mắc lu bu không kịp vá lại, ngủ một đêm thì sáng ra quần áo ông đã lành lặn lại rồi, vá không khéo gì hết, có vợ con để làm gì mà không biết sai mượn'. Ba cười xuề xòa: 'Quần áo đi ruộng, vá đại là xong mà'.
Tính ba cái gì làm được là tự tay làm, không muốn phiền đến vợ con. Có lần tôi bắt gặp ba cặm cụi vá lại chiếc áo trong đêm, khiến tôi không kìm được cảm xúc. Tôi dành hết niềm kính yêu của mình cho ba qua bài thơ bằng những câu từ 'không thể thật hơn':
Chiếc áo của ba sờn vai, bung chỉ
Ba lặng lẽ ngồi tỉ mỉ xâu kim
Rồi ba may với đường chỉ nổi chìm
Tay vụng về đưa mũi kim lên - xuống.
Có những lúc nhìn ba luống cuống
Kim đâm vào tay nên miệng cứ hít hà
Một xíu máu loang trên vai áo nhạt nhòa
Ngỡ 'hoa đỏ' nở ra từ chỗ rách.
Con ngồi học phía bên bàn sách
Đang cố ngăn dòng nước mắt chực trào
Khẽ đến bên bằng giọng nghẹn ngào
Áo ba rách chỗ nào, con giúp!
Ngẩng đầu lên ba nhìn con một chút
'Con cứ học đi, để lúc khác ba nhờ'
Dáng ba nghiêng nghiêng bên ánh đèn mờ
Con nhìn chiếc áo - rõ từng gờ chỉ đen.
Với vẻ hài lòng, ba tấm tắt khen:
'Áo màu xanh, vá chỉ đen đẹp lắm!'
Mồ hôi trán ba rịn ra lấm tấm
Vết kim đâm, tay còn chấm máu hồng.
Nhìn ba vui mà con thấy nghẹn lòng
Áo sờn vai ba không nhờ con vá
Cả cuộc đời - ba hi sinh tất cả
Làm lụng đủ điều, kể cả việc vá may.
Ba lo cho con có được ngày hôm nay
Được cắp sách đến trường, học thầy đua bạn
Cho tà áo con thướt tha trên bục giảng
Là cả cuộc đời - ba bắc ván con đi!
Mặc dù cảnh nhà khó khăn, nhưng gia đình tôi chưa bao giờ ngớt tiếng cười. Bữa cơm thường niên của gia đình là món rau muống hoặc rau lang luộc, chút cá kho, có hôm thay thế cá kho bằng trứng vịt, trứng gà. Thỉnh thoảng hoặc tết nhất thì có thêm nồi thịt kho hột vịt, giò hầm măng. Cứ lên bữa ăn thì má gắp rau muống, rau lang chấm nước mắm, ba thì chan nước luộc vô chén cơm, vắt xíu chanh vào, bưng húp 'rột' một cái, rồi lùa cơm nhanh chóng. Ba má ít khi động đũa vào chút cá kho có mặt trên mâm, để dành cho các con ăn cho có 'món mặn', có sức khỏe mà học, mà thi...
Ba má vất vả cày thuê, cấy mướn, nuôi chúng tôi khôn lớn nên người. Đến ngày các con đỗ đạt thành tài, ba má đều rất vui mừng, rơm rớm nước mắt.
Có cái ấm sứt quai, bị móp mấy chỗ, ba vẫn lấy kẽm cột lại, rồi chặt một đoạn cây trúc thiết kế lại cái quai phía trên để cầm. Cái ấm đen thùi lùi do nấu bằng bếp củi đã từ lâu lắm, hồi nhỏ chị em tôi đã từng nấu nước uống từ cái ấm này.
Ngày má mua ấm mới, kêu ba bỏ cái ấm cũ đi nhưng ba vẫn cứ giữ lại, nấu nước uống hàng ngày dù nhà bây giờ đã có ấm điện, bếp ga. Một lần thấy bà ve chai đi ngang, chị tôi kêu vào bán mấy cái nồi hỏng, chị cố tình lấy cái ấm ấy bán luôn, với ý định là bán đi rồi thì ba sẽ phải thay ấm mới. Vậy mà lúc bà ve chai ra tới đầu cổng, ba thấy mất cái ấm, liền chạy theo 'đòi' lại.
Chị hai trách: 'Cái ấm móp méo, sứt quai rồi mà ba cứ tiếc không chịu xài cái mới!'. Ba cười cười kể : 'Cái ấm này quý lắm đó con, hơn tuổi tụi con hết (chị tôi năm nay 45 tuổi). Hồi đó ba với má cãi lộn, má con xách cái ấm liệng vô đống đá nên nó bị móp, còn cái quai do nấu lâu ngày, nó bị khuyết vô, rồi gãy. Giữ nó lại để nhớ thời kì khó khăn nhất mà ba má đã vượt qua. Mỗi lần nhìn những chỗ móp này, chỗ quai bị gãy này, nhắc nhở ba không được cãi nhau với má con nữa, to tiếng với phụ nữ thì chỉ thiệt ấm, thiệt thân!'.
Ba nhìn nhanh về phía má rồi chậc lưỡi cười. Má tôi liếc ba một cái: 'Hay quá ông còn kể!' nhưng mắt má không giấu được niềm hạnh phúc.
Cái ấm sứt quai của gia đình tôi, được ba nấu nước uống mỗi ngày.
Từ sau lần ba kể về 'sự tích cái ấm móp', mấy chị em tôi không ai còn nghĩ đến chuyện đem cái ấm bán ve chai nữa. Bây giờ cái ấm vẫn được ba dùng nấu nước mỗi ngày cho cả nhà, thỉnh thoảng uống nước, má lại chê 'Ba mày nấu nước uống nghe toàn mùi khói'. Chúng tôi cũng nghe cái mùi khói thơm hơi hăng hắc ấy, nhưng ai cũng thích uống nước do ba nấu chứ không dùng nước lọc, nước lọc chỉ dùng khi có khách.
Do công việc, chị và em trai đi làm xa, cuối tuần mới về một lần, tôi ở cùng ba má, nhưng cũng hay đi công việc suốt. Những lần đi công tác, xa nhà một tuần hoặc nửa tháng, tôi lại nôn nao nhớ nhà, chỉ muốn chạy về ngay.
Về nhà để cảm nhận rõ hơn cuộc sống thường nhật với bao bộn bề, nỗi lo cơm áo gạo tiền dường như tan biến khi mọi người quây quần chuyện trò rôm rả bên bên mâm cơm nghi ngút khói.
Về nhà để được nhìn đôi bàn chân ba nứt nẻ, khô khốc, mông mốc mùi bùn và đôi mắt hằn vết chân chim lúc nào cũng ánh lên niềm vui khi cả nhà sum họp. Về nhà để uống những ly nước trắng vấn vương mùi khói bếp thân quen, được rót ra từ cái ấm móp đen thui của ba, để cùng thưởng thức những món ăn dân dã ngon lành của má, hoặc cà khịa với thằng em, rồi ôm tấm lưng hơi khom của chị Hai mà ngủ một giấc ngon lành.
Về nhà với tôi chỉ đơn giản là như vậy mà sao cảm thấy hạnh phúc vô bờ.