Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện dưới hình thức sau: bài viết hoặc thơ (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video, tranh vẽ. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi đưới đây của tác giả Nguyễn Phước Kiệt (TP.Hồ Chí Minh).
Tôi nhớ đó là một ngày cuối tháng 5 năm 2021.
Hôm đó là một ngày khá dài. Tôi ở lại công ty để thu xếp hết những đống đồ dùng ngổn ngang của mình về. Một góc nhỏ mà tôi gắn bó hơn 2 năm lại thấy bồi hồi, da diết. Tôi ngồi nén lại thêm một chút nữa, mặc dù bác bảo vệ ngồi đằng ra dáng hiệu là đã hơn 6 giờ chiều rồi. Cũng có sao đâu, công ty cũng đâu có quyền gì để phạt một người đã nghỉ việc ở lại quá lâu.
Rồi tôi ngồi lì lại một chỗ như một đứa trẻ không biết về đâu, những suy nghĩ mông lung về những tháng ngày tiếp theo trong đầu lúc này làm tôi một hồi lâu mới chợt nhận ra là sếp đã ở phía sau tôi từ khi nào. Rồi người đàn ông mà tôi kính nể bấy lâu nay ra vẻ mệt mỏi, có lẽ ông cũng giống như tôi, không biết ngày mai rồi sẽ ra sao. Ông ôm tôi một cái ôm ngượng ngùng như có lỗi, vỗ lên vai những cái vỗ nhỏ nhẹ an ủi tạm biệt. Cố lên!
Rồi đèn điện tắt, tôi đi về, lướt qua cái bảng hiệu thông báo công ty tạm thời đóng cửa do dịch Covid vẫn còn chập chờn. Tôi thở phào mệt mỏi nhìn xa xăm đi chỗ khác. Cơn gió lạnh từ nơi nào thổi nhẹ qua sóng lưng, tiếng còi xe cấp cứu bên ngoài vang lên như một thói quen ngày càng to và rõ, tiếng chuông báo của điện thoại rung lên một hồi làm tôi phát nghẹn khi nhìn lướt qua dòng tin nhắn đến.
'Răng rồi con, trong đó sao rồi! Ba ở nhà mà lo quá',
Tôi ngồi trên chiếc wave trắng đi về, lòng trống rỗng. Cái suy nghĩ mệt mỏi nhất cũng thoáng xuất hiện trong đầu, ngay lúc này vẫn cũng chưa đủ can đảm để nhắn tin hồi âm lại cho ba. Bao lâu nay, đứa con vẫn tỏ ra rằng mình mạnh mẽ, tưởng như có thể tự lập ở nơi đất khách quê người lại một chốc thất bại, không biết nương tựa nơi đâu. Đường về nhà tưởng chừng dài vô tận, đến bây giờ tôi mới chợt thấm câu 'Sài Gòn ơi! Lúc mệt quá biết tựa vào nơi đâu?.'
Ảnh minh họa
Tổ dân phố thông báo 'Sài Gòn ngày mai sẽ bắt đầu giãn cách xã hội, mọi người chú ý chuẩn bị mọi thứ'. Những đứa bạn cùng phòng của tôi đã về từ hôm qua, căn phòng hiện giờ trống vắng hơn bao giờ. Tiếng xe cấp cứu bên ngoài vang lên như thói quen làm tôi cũng chẳng còn bận tâm.Tôi ngồi bên góc một xó, cầm chiếc điện thoại như cố gắng đợi một phép màu.
Làm gì có phép màu.
Mọi người trong dãy trọ đã bắt đầu gói ghém những món đồ còn sót lên xe để đi về quê, họ cũng giống tôi, chẳng còn phép màu nào ở đây để có thể cứu vớt những suy nghĩ xám xịt trong đầu họ. Từng người, từng người nối tiếp ra khỏi dãy trọ như một lời tạm biệt không biết khi nào quay trở lại. Tôi trong nhà nhìn xa xa, lòng khao khát một điều gì đó. Có lẽ là giống như họ, đi về với ba với mẹ.
Trong thời kỳ đen tối nhất, ở bên người thân vẫn luôn là điều hạnh phúc lớn lao mà tôi có thể mong muốn làm được. Nhưng chẳng biết điều gì làm tôi lại đắn đo, tôi sợ rằng ba mẹ sẽ rất buồn, tôi vẫn chưa đủ can đảm để đối mặt chuyện đó.
Chị Nhung phòng bên là người cuối cùng của dãy trọ đi về. Chị chạy qua đưa cho tôi hai bịch gạo to tướng và một đống đồ ăn vặt.
'Chị về nghe, em ở lại nhớ cẩn thận, có chuyện gì thì gọi cho cô chủ hoặc cho chị nghe chưa?'
Tôi gật đầu cảm ơn và chúc chị đi về bình an. Chị loay hoay cầm theo cái lồng sắt đựng con chó mực mà chị quý lên xe, chiếc xe như chở cả cuộc đời của chị chạy đi theo làn khói trắng xa xăm.
Tôi đi vào phòng mang theo một cảm giác nặng nề, khóe mắt như cay xè bởi điều gì đó mà tôi không hiểu. Tôi không biết tôi sẽ ở lại đây bao lâu, điều xảy ra sắp tới với tôi sẽ như thế nào. Tiếng còi xe cấp cứu lại vang lên xa xa, căn phòng khép lại làm tôi thấy trống vắng. Không một phép màu.
Ảnh minh họa
Tiếng đập cửa vang lên một hồi làm tôi giật thót, hóa ra tôi đã ngủ tới chiều lúc nào không hay. Có lẽ bên đội tình nguyện trong xóm tới phát cơm chiều. Tôi loay hoay chạy ra mở cửa. Cánh cửa mở toang, ba tôi đứng trước đó cùng chiếc xe dream cũ, dáng ông nhỏ thó khổ sở tay vẫn cầm cái nón bảo hiểm.
'Về nhà thôi con! Ai cũng về rồi răng chừ mà con còn chưa về.'
Mắt tôi cay cay, tôi định thần ráng cười và nghĩ trong đầu sẽ hỏi gì, nói gì với ba nhưng đầu óc tôi vẫn xoay cuồng. Chẳng ai hiểu được rằng ngay bây giờ người tôi đang suy nghĩ được gì nhưng ba tôi hiểu. Bởi lẽ ông là phép màu.
Ông tranh với tôi đòi chở tôi về, tôi gói những cái túi áo quần lên xe rồi ngồi lên phía sau như khi xưa tôi vẫn được ông chở.
Cái xe dream bao năm vẫn vậy, vẫn xả khói và kêu inh ỏi, giống như ông, vẫn luôn cằn nhằn với tôi sớm chiều nhưng khi biết tôi có chuyện, ông tức tối đi xe lên thành phố để đón tôi về.
Chiều hôm đó thật lạ, đường vắng tanh nhưng lòng tôi lại nhẹ tễnh. Ba ngồi trước vẫn kể về chị Nhung, chị Nhung nhắn bảo ba lên đón tôi. Và thế là ba tức tốc lấy xe chạy lên mà không cầm theo một thứ gì. Mẹ ở nhà có lẽ đang loay hoay con gà sau vườn để bữa cơm nhà thêm đậm vị.
Tôi ở phía sau suy nghĩ rất nhiều về tương lai phía trước, tôi nợ Sài Gòn một dịp không xa để quay lại. Có lẽ hôm nay, tôi xin yếu lòng, rũ bỏ mọi thứ để trở thành một đứa con vẫn cần sự che chở của ba mẹ. Bởi đến cuối cùng, gia đình vẫn bên tôi dù tôi là ai.
>>> Truy cập vào sự kiện của cuộc thi trên Fanpage Tiin TẠI ĐÂY