Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện 1 trong 3 hình thức: bài viết (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi dưới đây là của tác giả Thanh Tâm
'Giỗ ông ngoại vào cuối tuần sau, 2 đứa sắp xếp về nhà đi nhé!…'.
Bố mẹ tôi là vậy, dù thương dù nhớ cũng chẳng bao giờ nói ra. Khi thì nhà có giỗ, có tiệc, lúc thì gọi con về lấy gạo, lấy rau…
Bố mẹ tôi trong một chiều hoàng hôn.
Tôi lớn lên từ một vùng quê yên bình và hẻo lánh. Xóm nhỏ nơi tôi ở nằm giữa mênh mông là cánh đồng và thường được gọi với cái tên 'ốc đảo'. Nơi đó có vườn cây, có mảnh sân nhỏ, có ao cá, có cây sung, có tất cả mọi thứ vui vẻ, an yên mà ông bà, bố mẹ tôi chẳng ai muốn phải rời xa nó, dù nghèo.
Từ ngày học đại học, đã tròn 5 năm tôi ở thành phố nhộn nhịp này. Ở đây gì cũng có, ở đây ánh điện át ánh trăng, ở đây 1 giờ sáng đi ngủ là chuyện thường tình. Ăn sáng thành ăn trưa, ăn tối thành ăn đêm. Tôi cũng bị cuốn theo nhịp sống hối hả này lúc nào không biết.
Ấy vậy mà một đứa ham vui như tôi lại luôn nhớ và mơ mộng về những ngày thơ bé. Tôi nhớ những ngày cả thôn mất điện tối om, cả nhà tôi trải chiếu giữa sân gạch mát rượi. Tôi nhớ những ngày tranh giành tivi với chị gái để xem chương trình yêu thích. Tôi nhớ những trưa nắng gay gắt trốn ngủ trưa để leo lên cây nhãn sau vườn làm bạn với bọ xít, tu hú, chuồn chuồn.
Tôi luôn tự hào nghĩ rằng có lẽ ít ai yêu và nhớ nhà, nhớ quê nhiều như tôi. Cho tới một ngày, cuộc gọi ngắn ngủi của chị gái khiến tôi tỉnh ngộ: 'Mẹ đi làm thêm cách nhà hơn chục kilomet, mẹ đi dọn dẹp rửa bát ở nhà hàng đấy... Chắc phải được 1 tuần rồi, em không biết hả?...'.
Những cuộc gọi về nhà của tôi thưa thớt dần. Những cuộc vui bè bạn, những cuối tuần ngủ nướng, thức khuya khiến tôi quên mất bố mẹ tôi đã có tuổi thật rồi! Tôi thấy mình vô tâm quá! Ở tuổi này, mẹ vẫn đội nắng mưa đi làm xa chỉ vì không muốn các con phải lo lắng chuyện tiền nong. Ấy vậy mà đứa con gái nhỏ chẳng hề hay biết những vất vả của mẹ…
Nhà không khá giả, nhưng bố mẹ luôn dành cho chúng tôi những điều tốt nhất.
Tôi bỗng nhận ra, những miền ký ức trong tôi chỉ để thỏa mãn cái thú mơ mộng về những ngày tháng nhàn rỗi, tươi đẹp. Tôi nhớ thật nhiều, nhưng tôi đã làm gì?
Những lần về quê chớp nhoáng luôn đi kèm với laptop, điện thoại, công việc bù đầu. Tôi chẳng có nổi một buổi sáng dậy sớm để hít hà bầu không khí tôi luôn mong mỏi ấy. Trốn phố về quê, cái tôi quan tâm hàng đầu là wifi ở nhà tốc độ ra sao? Tôi đã lần nào nhìn thấy mái tóc bố mẹ có quá nhiều sợi bạc?
Lần đầu tiên trong đời tôi trải nghiệm cảm giác bất lực, đó là khi bố tôi gặp một tai nạn lao động. Ngày đó bố chỉ có một mình, mẹ tôi ra Hà Nội trông cháu, tôi và chị gái người đi học, người đi làm. Cả đời tôi được hưởng sự bao bọc từ bố mẹ, tôi chưa từng phải trải qua bất kỳ đau đớn nào. Vậy mà bố bị cả một bức tường đổ vào người khi đang làm thêm kiếm tiền nuôi tôi ăn học.
Tôi như chết lặng khi chạy về bệnh viện ở tỉnh và thấy bố nằm đó, cái áo bố mặc thấm đầy máu và vết thương tuyệt nhiên chưa được vệ sinh chút nào. Môi bố tôi trắng bạch ra vì mất máu nhưng vẫn động viên 3 mẹ con tôi: 'Bố đỡ đau rồi. Ở đây chờ kết quả chụp CT nữa thôi'. Chị tôi nước mắt lưng tròng, bế theo đứa nhỏ đi tìm bác sĩ. Con bé sợ quá, nó chẳng nhận ra ông ngoại thân yêu của nó trong bộ dạng này…
Tôi đứng đó, chỉ chực òa lên khóc. Bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn trong đầu tôi. Tôi trách bác sĩ coi nhẹ vết thương của bố. Tôi sợ vết thương còn cát bụi kia nhiễm trùng thì sao? Tôi trách bố chẳng chịu cẩn thận để ra nông nỗi này! Tôi sợ lắm, và tôi bất lực. Tôi ước mình thật giỏi giang để bố mẹ không còn cực khổ, tôi ước mình có nhiều tiền để bố tôi không phải làm thêm công việc chân tay cực nhọc này!
Tấm vai gầy của bố phải chịu cả bức tường đổ xuống người…
Kết quả chụp chiếu kết luận bố tôi gãy tới 4 xương sườn, kèm với đó là vết rách dài hơn chục mũi khâu sau tai. Chỉ qua 2 ngày, bố tiều tụy đến xót xa. Ấy vậy mà tuy bờ vai có thêm tấm nẹp xương, ngày xuất viện bố vẫn đứng sau che chở cho 3 mẹ con tôi. Bố vui ra mặt: 'Nằm ở đây bố còn ốm thêm. Về nhà mình là nhất rồi! Về nhà nghỉ ngơi đầy đủ dăm tuần là liền hết xương!'.
Tôi đã từng đọc một câu, đại khái thế này: 'Có một ngày bố mẹ sẽ già đi. Họ chẳng thể hiểu được những dự định, kế hoạch tương lai của bạn nữa. Họ chỉ có thể căn dặn bạn giữ sức khỏe và mong bạn về nhà'. Ai rồi cũng phải trưởng thành và hoàn toàn rời xa vòng tay của bố mẹ. Nhưng có một điều mà tất cả những đứa con đều chắc chắn rằng: Luôn có một tổ ấm thân thương, nơi có vòng tay của bố mẹ chờ đón chúng ta trở về bất cứ lúc nào.
Về nơi tổ ấm, nơi có mâm cơm ngon lành của mẹ. Về nơi tổ ấm, nơi có tình yêu thương vô bờ của bố. Về nơi tổ ấm giờ đây đã kết nạp thêm 2 nhóc tì đáng yêu bi bô tối ngày: 'Dì ơi, dì ơi!'. Về nhà thôi, cả nhà mình bên nhau, đó là tổ ấm!
>> Xem thêm: Truy cập vào sự kiện của cuộc thi trên Fanpage Tiin TẠI ĐÂY