Thời tiết ẩm ướt là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển, khiến quần áo bốc mùi khó chịu, đặc biệt khi chúng bị ẩm.
Bột giặt hay nước giặt thông thường chỉ có tác dụng loại bỏ bụi bẩn. Nếu không kháng khuẩn đúng cách, số lượng vi khuẩn tích tụ trên quần áo sẽ gia tăng, gây hại đến sức khỏe và hệ miễn dịch của con người. Do đó, các loại bột giặt hoặc nước giặt có khả năng kháng khuẩn nên được ưu tiên sử dụng.
Khối lượng giặt ghi trên máy là khối lượng tối đa đồ giặt khô mà máy có thể giặt trong một lần. Ví dụ, với máy 8,5kg, khối lượng giặt tối đa là 8,5kg quần áo khô. Tuy nhiên, chỉ nên cho 70-85% khối lượng quần áo cho phép ghi trên máy nhằm nâng cao hiệu quả giặt giũ cũng như kéo dài tuổi thọ cho máy. Ví dụ, với máy giặt 7 kg, chỉ nên giặt 5-6kg/lần.
Kiểm soát số lượng quần áo trong máy giặt - Nguồn ảnh: Internet
Cho quá nhiều quần áo vào máy giặt sẽ khiến không gian bị ken chặt, nước giặt không thâm nhập hết vào quần áo bẩn. Từ đó, mùi mồ hôi, dầu mỡ, vết bẩn,... không thể bị đánh bay, vi khuẩn vì thế dễ sản sinh gây mùi hôi khó chịu.
Quần áo phơi sát vào nhau rất lâu khô. Vì vậy, khi phơi, bạn nên duy trì khoảng cách nhất định để gió lùa đều tất cả các móc quần áo giúp chúng nhanh khô hơn.
Bạn có thể sử dụng quạt để rút ngắn thời gian làm khô quần áo. Khi lực gió càng mạnh, không khí chuyển động càng nhanh khiến quần áo khô nhanh hơn.
Cách tốt nhất là treo quần áo đối diện quạt, điều chỉnh mức gió vừa phải, đủ để quần áo khô trong thời gian ngắn nhất mà không bị rơi xuống đất.
Dù thời tiết mưa hay nắng, bạn cũng nên áp dụng phương pháp 'phơi quần áo hình vòm' của người Nhật. Cách làm vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần đặt quần áo dài hơn và khăn tắm ở hai đầu ngoài cùng, tại trung tâm thì treo quần áo ngắn và tất…
So với cách phơi lộn xộn hoặc ngoài ngắn, trong dài, cách này sẽ rút ngắn thời gian khô quần áo hơn 30 phút. Nguyên nhân là vì tại vị trí trung tâm có nhiều không gian trống. Gió được hút nhiều hơn tới khu vực này, mang hơi ẩm đi.
Quần áo phơi hình vòm (ngoài cùng tay trái) thường sẽ khô nhanh hơn hai cách phơi còn lại 30 phút - Nguồn ảnh: VnExpress
Khi phơi khăn mặt hoặc khăn tắm, bạn nên tránh phơi đều hai bên, rất khó để khăn khô vào những ngày mưa gió. Cách tốt nhất là bạn nên phơi một bên dài, một bên ngắn, sau đó, dùng móc kẹp cố định ở giữa để tránh khăn rơi xuống đất.
Báo có khả năng hút ẩm rất tốt. Do đó, nếu phải phơi quần áo trong nhà, đừng quên đặt một vài tờ báo cũ dưới chỗ phơi quần áo nhé!
Đặt giấy báo cũ dưới quần áo phơi trong nhà cũng khiến quần áo khô nhanh hơn - Nguồn ảnh: VnExpress
Để ngăn quần áo bốc mùi hôi khó chịu, chúng phải khô hoàn toàn trong 5 giờ sau khi giặt xong.
Nếu trời mưa, không gian tốt nhất để phơi quần áo chính là phòng tắm. Do phòng tắm có không gian hẹp, được trang bị hệ thống thông gió, hút ẩm tốt nên quần áo thường khô nhanh hơn. Lưu ý, cần đảm bảo phòng tắm khô ráo, sạch sẽ và không bị ám mùi hôi.
Nhiều người cho rằng, phơi quần áo sát cửa sổ sẽ nhanh khô hơi. Tuy nhiên, điều này sẽ làm cho không khí lưu thông không tốt, thậm chí có thể khiến quần áo 'nửa khô, nửa ướt'.
Do đó, vào những ngày mưa, bạn nên phơi quần áo ở vị trí không khí lưu thông tốt, có thể là trung tâm phòng khách, phòng làm việc hoặc phòng tắm.
Ngoài ra, bạn cần chú ý độ ẩm từ trên xuống dưới của quần áo. Càng gần mặt đất độ ẩm tích tụ càng nhiều. Vì vậy, khi phơi nên treo quần áo lên vị trí cao, tránh trường hợp trên khô mà dưới vẫn ướt.
Túi và phần cạp trên quần jean là hai vị trí lâu khô nhất. Do đó, bạn nên lộn túi quần ra ngoài, rồi phơi lộn ngược quần jean để nước trong túi (nếu có) thoát ra nhanh chóng.
Trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, áo phông và áo sơ mi khó khô hoàn toàn. Nếu tình huống này xảy ra, bạn có thể áp dụng cách chế móc treo quần áo như sau:
Móc áo có độ dày bằng một chai nước suối, khi sử dụng làm vật dụng để phơi sẽ khiến quần áo khô nhanh hơn - Nguồn ảnh: VnExpress