Khi yêu, người ta luôn khát khao được kề cận, ở cạnh nửa kia của mình. Thế nhưng ranh giới giữa sự say mê, bện hơi người yêu một cách tích cực với phụ thuộc, ỷ lại, bám người thường khá mong manh. Vậy bện hơi là gì và khi nào thì trở nên độc hại, mời bạn cùng VOH tìm hiểu.
Bện hơi là gì?
Bện hơi thường được sử dụng để mô tả sự quấn quýt, luôn ở bên cạnh của trẻ em đối với người thân, đặc biệt là của các em bé với mẹ trong những năm đầu đời.
Trong đó, bện nghĩa là quấn, dính chặt vào; hơi ở đây chỉ mùi đặc trưng của vật hoặc người nào đó.
Trẻ sơ sinh mới rời bụng mẹ - môi trường ấm áp và an toàn - thường cảm thấy bất an nên có xu bám mẹ - Ảnh: Internet
Các em bé mới sinh cho đến một độ tuổi nhất định thường được cha mẹ ôm ấp. Quá trình này bé sẽ quen, có thể nhận biết mùi của cha mẹ, lâu dần trở nên phụ thuộc và bị bện hơi.
Trẻ bám cha mẹ không chịu rời ra biểu thị tầm quan trọng của bậc sinh thành cũng là cách thể hiện sự gắn kết của bé với người thân. Hành động này thường chứa đựng nhiều ý nghĩa về mặt tình cảm và tương tác xã hội.
Bện hơi người yêu là gì?
Từ chỗ dùng để chỉ sự quấn quýt của trẻ em với cha mẹ, bện hơi bắt đầu được dùng để mô tả mối quan hệ giữa những người yêu nhau. Về cơ bản, bện hơi người yêu cũng chỉ việc một người luôn muốn ở cạnh, không muốn rời xa nửa kia.
Ngoài bện hơi, giới trẻ còn dùng một từ khác để chỉ tình trạng tương tự, đó là dính người.
Bện hơi người yêu là luôn muốn ở bên cạnh, không muốn rời xa đối phương - Ảnh: Pixabay
Ở mức độ phù hợp, bện hơi là một cách để thể hiện tình yêu và khẳng định vai trò, vị trí của đối phương trong cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, vượt qua ranh giới đó, chúng ta rất dễ sa vào việc bị phụ thuộc, trở nên “bám dính” quá mức.
Bám người yêu lúc này không còn mang ý nghĩa tích cực nữa mà bắt đầu trở thành gánh nặng, trở nên độc hại.
Như vậy, bện hơi trong tình yêu có nhiều mức độ. Từ việc thích kề cận đối phương, người ta có thể nảy sinh mong muốn phải thấy nhau, biết nhau làm gì, ở đâu… thậm chí chỉ tập trung và xoay quanh quanh duy nhất một người.
Mong muốn được kề cận nhau của các cặp đôi là điều hiển nhiên và không xấu. Tuy nhiên, nếu sự bện hơi ấy gây mỏi mệt, khó chịu thì có lẽ bạn nên xem lại mối quan hệ của mình.
Trước đó, hãy cùng VOH Thường thức học cách nắm bắt những dấu hiệu cho thấy nửa kia đang bện hơi người yêu quá mức.
Dấu hiệu bện hơi người yêu quá mức
Khi việc bện hơi người yêu vượt qua ranh giới thông thường nó sẽ trở thành sự phụ thuộc, ỷ lại, bám người quá mức. Nếu bạn đang tự hỏi bản thân hoặc nửa kia của mình có mắc phải tình trạng này hay không thì có thể điểm nhanh những dấu hiệu bị gắn “cờ đỏ” sau.
Mong muốn kiếm soát đối phương là một trong những biểu hiện của việc bện hơi người yêu quá mức - Ảnh: Internet
Không cho người yêu không gian riêng hoặc thời gian để ở một mình. Luôn muốn ở cạnh, đi cùng… đối phương thậm chí có hành động bám theo khi chưa nhận được sự đồng ý.
Gọi điện, nhắn tin… liên tục khi không ở cạnh nhau. Trở nên lo lắng, hoảng sợ khi người yêu không trả lời tin nhắn, cuộc gọi.
Có xu hướng kiểm soát đối phương, luôn muốn biết đối phương đi đâu, làm gì, ở cùng ai…
Giám sát, kiểm tra tài khoản mạng xã hội của người yêu.
Không muốn người yêu dành thời gian cho người khác (kể cả bạn bè, người thân, đồng nghiệp) hay các hoạt động khác.
“Đốt cháy” giai đoạn khi yêu cũng là một dấu hiệu thường gặp ở những người bện hơi người yêu quá mức. Thông thường, để củng cố mối quan hệ họ có xu hướng đẩy nhanh tốc độ.
Tính chiếm hữu quá mức. Khi một cá nhân trở nên phụ thuộc quá mức vào người yêu, họ cũng sẽ mong muốn đối phương chỉ tập trung vào mình. Khi sự chú ý của nửa kia đặt ở chỗ khác, họ có thể cảm thấy thất vọng.
Quá phụ thuộc, dựa dẫm vào người yêu. Người bện hơi người yêu quá mức thường không có mối quan hệ, cuộc sống của riêng mình. Cả thế giới của họ chỉ xoay quay người yêu, không sở thích, không mối quan tâm hay mối quan hệ các nhân nào khác.
Thường xuyên cảm thấy bất an về mối quan hệ của cả hai, thường đòi hỏi sự trấn an (có yêu mình không) từ người yêu nhưng vẫn cảm thấy hoài nghi.
Luôn cảnh giác và cảm thấy bạn bè, đồng nghiệp khác giới của người yêu có thể đe dọa đến mối quan hệ của hai người.
Che giấu, kiềm chế bản thân và có thể cố gắng làm những điều mà người yêu thích để tránh khiến họ khó chịu.
Nguyên nhân tình trạng bám người yêu quá mức
Phụ thuộc, ỷ lại, dính người có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Song, trong một mối quan hệ, nguyên nhân của tình trạng này đến từ:
Nỗi sợ hãi, bất an: Người thiếu cảm giác an toàn thường sợ bị thay thế, thiếu niềm tin với một mối quan hệ. Điều này khiến họ luôn muốn ở cạnh đối phương để có cảm giác an toàn và bảo vệ tình yêu của mình.
Tự ti: Khi bạn nghĩ rằng mình không đủ tốt, không đủ ưu tú, thua kém đối phương, bạn sẽ cho rằng vị trí của bản thân không đủ vững chắc. Lý do này cũng có thể dẫn đến việc dính người quá mức.
Vấn đề tâm lý: Những “vết thương”, trải nghiệm trong quá trình trưởng thành cũng có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của con người. Ví dụ, một người từng bị bỏ rơi trong quá khứ thường khá nhạy cảm và có xu hướng muốn buộc chặt đối phương vào mình.
Nên làm gì khi bản thân hoặc người yêu bện hơi quá mức?
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, con bện hơi cha mẹ có nghĩa là yêu cha mẹ. Thế nhưng, điều này cũng đồng nghĩa với việc khả năng tự lập, tự phát triển của trẻ sẽ kém đi.
Tương tự, việc quá bám người yêu cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của cả hai. Do đó, trước khi quá muộn chúng ta nên tìm cách cải thiện, giải quyết vấn đề này.
Tập trung vào bản thân nhiều hơn
Mỗi người đều có cuộc sống, niềm đam mê, công việc và mối quan hệ… của riêng mình. Người biết yêu bản thân, biết quan tâm đến bản thân thì mới có thể trao điều đó cho người khác.
Tình yêu, người yêu không phải là sự tồn tại duy nhất. Hãy làm những điều khiến bản thân vui vẻ, hạnh phúc, mở rộng thế giới của mình thay vì thu hẹp nó bởi một ai khác. Đây là một trong những bước cần thiết giúp chúng ta giải quyết vấn đề này cũng như xây dựng giá trị cho bản thân.
Trước khi yêu người khác, chúng ta cần học cách yêu bản thân - Ảnh: Pixabay
Tạo khoảng cách, không gian riêng
Khoảng cách, không gian trong tình yêu quan trọng hơn những gì chúng ta nghĩ. Cuộc sống bận rộn có vô vàn công việc, mối quan hệ, vấn đề cần phải giải quyết. Dính người yêu hoặc có nửa kia thích dính người đồng nghĩa với việc cần thêm thời gian, tăng thêm áp lực.
Tình trạng này sẽ chỉ khiến cho mối quan hệ giữa hai người trở nên mệt mỏi, căng thẳng, dần dần rạn nứt. Cho nên, thay vì “kè kè” mọi lúc mọi nơi, các cặp đôi nên cho nhau một chút không gian, thời gian riêng để “thở”, để tránh “chán” nhau, để duy trì sức thu hút…
Tạo dựng ranh giới
Ranh giới lành mạnh và phù hợp có thể giúp mối quan hệ trở nên thoải mái và tránh những tình huống tranh cãi không cần thiết. Đây cũng là một cách thể hiện sự tin tưởng và tôn trọng với chính bản thân và người mà bạn yêu thương.
Tin tưởng vào mối quan hệ của mình
Ghen tuông, nghi ngờ sẽ chỉ đẩy con người ngày càng xa nhau. Trên thực tế, việc quá dính người cũng liên quan đến việc không có đủ niềm tin vào mối quan hệ cũng như người yêu.
Nếu bạn vượt qua được những cảm xúc này, thả lỏng tinh thần và tận hưởng tình yêu, hành động dính người cũng có khả năng được cải thiện.
Với trường hợp có người yêu bện hơi quá mức, tạo cảm giác an toàn cho đối phương được xem là chìa khóa giải quyết vấn đề.
Trong tình yêu, thời gian ở bên nhau, thời gian xa nhau hay cảm giác an toàn đều quan trọng - Ảnh: Freepik
Trị liệu tâm lý
Nếu bạn và một nửa của mình đã trao đổi thẳng thắn, tìm cách cải thiện nhưng vẫn không thể giải quyết được vấn đề thì có thể cân nhắc tìm chuyên gia. Việc nắm được nguyên nhân gốc rễ và được hướng dẫn cụ thể sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt hơn.
Bện hơi người yêu tốt hay xấu phụ thuộc vào mức độ và biểu hiện của việc bám người. Nó có thể chỉ đơn thuần là cách thể hiện tình yêu, sự gắn kết, say mê giữa hai người, cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một tình yêu độc hại.
Qua phần giải thích bện hơi là gì, bện hơi người yêu là gì, VOH Thường thức hy vọng bạn có thể phân biệt được hai trạng thái này.