Là kỹ sư xây dựng công trình song gần đây anh N.C.T (43 tuổi, ở Ninh Thuận) cảm thấy người như 'xuống dốc'. Mỗi khi khom người hay làm việc nặng là xương khớp kêu rốp rốp, đau nhức, ê ẩm cả mình mẩy. Về TP HCM khám, các bác sĩ chẩn đoán anh T. có dấu hiệu thoái hóa khớp.
Xương khớp 'hành' từ sớm
Bà N.T.L (62 tuổi) lâu nay sức khỏe bình thường, tuy nhiên dạo này mỗi khi ngồi xuống đứng dậy chỗ khớp gối kêu rắc rắc rất đau, ngón tay nhiều khi co vào duỗi ra cũng khó. Đi khám tại Bệnh viện Nhân Dân 115 TP HCM, các bác sĩ xác định xương khớp có vấn đề.
BSCK2 Chế Thanh Đoan, Phó Khoa Khám và Điều trị theo yêu cầu - Bệnh viện Nhân Dân 115, cho biết đây là số ít trong những người biểu hiện bệnh thoái hóa khớp. Bà L. bị thoái hóa khớp gối và các khớp nhỏ ở bàn tay. Về điều trị phối hợp nhiều biện pháp: Loại bỏ những tư thế, thói quen làm nặng quá trình thoái hóa khớp, dùng thuốc, tập luyện, vật lý trị liệu; một số trường hợp đặc biệt can thiệp bằng thủ thuật…
Người trẻ bị bệnh xương khớp đến các phòng khám ngày càng đông, chủ yếu ở độ tuổi 30-60
ThS-BS Nguyễn Nhựt Linh, Khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết bệnh lý cột sống bao gồm bệnh lý chấn thương cột sống, thoái hóa cột sống, các bệnh liên quan đến u tân sinh, các tác nhân gây viêm cột sống - tủy sống. Trong đó thường gặp nhất là nhóm bệnh lý liên quan đến thoái hóa cột sống như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, trượt thoái hóa đốt sống chèn ép dây thần kinh… Một số nghiên cứu cho thấy, trong số người bệnh đến khám với các vấn đề về cột sống thì tỉ lệ bệnh lý cột sống chiếm khoảng 30% và thường gặp nhất ở người trong độ tuổi từ 30-60 tuổi.
Bệnh còn có thể xuất hiện ở những người trẻ do lối sống ít vận động, tư thế học tập, sinh hoạt chưa đúng làm ảnh hưởng đến cột sống. Bên cạnh đó, nhiều người trẻ còn gặp các chấn thương cột sống do sai tư thế, sai kỹ thuật, thiếu các bước khởi động dẫn đến chấn thương trong quá trình tập thể dục, chơi thể thao, tập gym… Theo thống kê, mỗi năm Bệnh viện Đại học Y Dược tiếp nhận và điều trị hơn 30.000 trường hợp bệnh cơ xương khớp. Còn tại các bệnh viện ở TP HCM như Chấn thương Chỉnh hình, Nhân dân Gia Định, Chợ Rẫy, 115, Thống Nhất..., số bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh về xương khớp mỗi ngày một đông.
Chữa sớm để tránh tàn phế
Theo Hội Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cứ 5 người thì có 2 người bị bệnh về cơ khớp. Cùng với tuổi tác, các bệnh này làm giảm hiệu quả làm việc cũng như ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng sống, nếu để kéo dài có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Trong môi trường làm việc áp lực cao hiện nay, nhất là nhân viên văn phòng, có xu hướng bị các bệnh phổ biến như đau lưng, đau vai, khớp tay, khớp gối…
Phần lớn người bệnh cơ xương khớp vẫn chưa ý thức được phòng, chữa bệnh, gây nên tình trạng tàn phế, tạo gánh nặng cho xã hội. Thông thường do biểu hiện bệnh không quá nghiêm trọng nên nhiều người chủ quan để bệnh tiến triển nghiêm trọng mới thăm khám thì quá muộn.
TS-BS Nguyễn Minh Anh, Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết đa phần những bệnh lý về cột sống, nhất là nhóm bệnh lý về chấn thương hoặc thoái hóa có thể hạn chế biến chứng nếu được điều trị đúng và kịp thời. Tuy nhiên, đối với người bệnh đã xảy ra những di chứng khiếm khuyết nặng về chức năng thần kinh gây yếu liệt, mất chức năng vận động…, người bệnh sẽ phải chịu đựng di chứng và đau đớn lâu dài. Do đó ngoài điều trị về chuyên khoa thần kinh, người bệnh còn cần được điều trị đau, điều trị tâm sinh lý để tránh trầm cảm, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu
Hiện nay tại Việt Nam đã có nhiều cơ sở y tế điều trị chuyên sâu về các bệnh lý cột sống. Trong điều trị các bệnh lý cột sống, các phương pháp xâm lấn tối thiểu như phẫu thuật nội soi cột sống, phẫu thuật bắt vít qua da cột sống cố định cột sống, phẫu thuật đặt điện cực kích thích tủy sống điều trị đau, điều trị chứng tổn thương thần kinh… đã được triển khai thường quy, mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh. Bên cạnh đó, việc phối hợp đa chuyên khoa cũng giúp người bệnh điều trị đau hiệu quả, tránh những can thiệp không cần thiết cho người bệnh trước và sau mổ…