Gia đình có đến 11 người con tại TP.HCM đã gây xôn xao trong cộng đồng
Bị hiểu lầm là... chăn dắt trẻ con
Ngồi trong căn phòng trọ chật hẹp khoảng chừng 15m vuông tại huyện Củ Chi (TP. HCM) – nơi mà cả gia đình chị Chi mới dọn về chừng 1 tháng nay, nhớ lại những ngày tháng cùng những người con nheo nhóc rong ruổi mà vợ chồng chị đau xót:
'Cuộc sống ở thành phố cái gì cũng cao, khi ấy mình không còn đủ kinh tế để trang trải cuộc sống gia đình, bắt buộc phải 'di cư' đi các tỉnh miền xa để mưu sinh. Tỉnh này ở vài tháng, tỉnh kia ở ít ngày.
Năm 2017, chồng ra Vũng Tàu làm hồ, còn em thì phụ giúp trong chùa, được một thời gian rồi lại ôm con đi Lâm Đồng, Đak Lak, Dak Nong,…sau đó đi Bình Phước nhặt điều. Dọc đường đi mưu sinh, có người thương cho tiền, cho thức ăn, nhưng cũng có người không hiểu họ tưởng mình là người lừa đảo, chăn dắt trẻ con'.
Gia đình ròng rã 20 năm nhưng vẫn chưa thể ổn định cuộc sống
Cứ thế, cả gia đình rồng rắn nhau đi bộ, đêm xuống thì ngủ mái hiên. Một lần may mắn được người dân cho mượn căn nhà trống ở tạm, không điện không nước nhưng có chỗ che mưa nắng, giấc ngủ ngon cho các con nhỏ. Đến khi bé gái thứ 10 bị bệnh nặng quá, không thể đi như thế với bố mẹ được nên gia đình chị Chi mới quyết định trở lại TP. HCM. Chính là để chạy chữa cho con.
Anh Phong mang tiếng là kinh tế chính của gia đình, thế nhưng công việc làm thợ hồ của anh cũng chẳng được ổn định. Trung bình một ngày làm được khoảng 500.000 đồng, thắt lưng buộc bụng lắm thì cũng dư được 100.000 ngàn/ngày, để dành cho những ngày không có việc làm.
'Em đi làm công trình cho người ta, người ta biết nhà mình đông con nên người ta cũng cho, công việc em đều thì các con em có sữa uống, còn không thì các con em phải uống nước đường. Nghĩ đến những bình sữa cho các con mà ráng làm, chỉ biết lao vào làm kiếm tiền nuôi con' - anh Phong chia sẻ
Anh Phong là nguồn kinh tế chính trong gia đình với công việc thợ hồ
Kết hôn đến nay là được 17 năm, ban đầu anh chị chỉ định sinh 2 đứa nhưng sau đó lần lượt thêm 9 người con liên tiếp được ra đời, trong đó có 5 bé trai và 6 bé gái. Đến bây giờ thì chị Kim Chi đang mang bầu đứa con thứ 12 được 8 tháng.
Ban đầu khi cả hai cưới nhau và sinh người con đầu tiên kinh tế gia đình không đến nỗi khó khăn, cho đến mãi sau khi những đứa con lần lượt ra đời nên những kinh tế gia đình càng ngày càng khó khăn khi mà kinh tế chính hoàn toàn phụ thuộc những ngày công phụ hồ của chồng, còn chị Chi thì ở nhà nhận những đơn hàng may mặc về để cắt chỉ.
Cách đây 6 năm, Gấu Anh bị bệnh về mắt phải cần một số tiền lớn để chữa trị, anh Phong cùng những người anh trong gia đình quyết định bán căn nhà đang sinh sống nhưng rồi cũng không mang lại kết quả gì. Mắt phải của Gấu Anh bị khiếm thị vĩnh viễn, còn mắt trái thì cận 16 độ, khả năng quan sát rất kém.
Mắt phải của Gấu Anh bị khiếm thị vĩnh viễn
'Giữa đôi mắt của con và căn nhà tôi chọn đôi mắt lành lặn cho con mình. Điều đó là quan trọng nhất, bằng mọi giá phải cứu lấy đôi mắt cho con' - chị Chi nói
Sau khi dồn hết tiền cho Gấu Anh chữa mắt, cả hai anh chị gần như trắng tay, nhà cửa cũng không không còn.
'Cũng có nhiều người ngỏ lời xin con nhưng em không cho!'
Ăn uống – ngủ nghỉ – mọi sinh hoạt của cả gia đình cũng chỉ vỏn vẹn trong căn phòng nhỏ này.
Chị Chi kể: 'Biết sinh con đông thì cuộc sống sẽ rất khó khăn, nhiều người cũng có hỏi xin con nhưng em không cho, em nghĩ mình đẻ nó ra thì mình phải có trách nhiệm nuôi nó, từng đó đứa mình nuôi được không lẽ thêm một đứa nữa mình nuôi không được'.
Cô con gái nhỏ bị tai nạn dẫn đến dập phổi
Trong số 11 người con hiện tại, chỉ có 2 bé nhỏ là được gửi học trong trường Xơ, những bé còn lại không được đến trường đàng hoàng cũng vì nhiều lý do.
Cô con gái nhỏ của anh chị trong một lần cả hai đi vắng đã bị tai nạn từ trên cao xuống nên dập phổi. Từ đó đến nay cứ đi viện suốt nên dẫn đến suy nhược cơ thể, lúc nào bé cũng ho khụ khụ đến xót lòng.
May mắn các con trong gia đình đều là những đứa trẻ hiểu chuyện và biết nghe lời
Dù vậy, các con của chị Chi là những đứa trẻ hiểu chuyện và biết nghe lời. Biết hoàn cảnh gia đình mình khó khăn nên cũng không bé nào làm bố mẹ phiền lòng.
Phạm Thanh Liêm (18 tuổi) đang đi làm quán cafe mỗi tháng làm được ít đều gửi phụ bố mẹ lo cho các em. Con trai đầu sống với nhà nội từ năm lớp 2, thi thoảng lại qua thăm các em. Ban đầu cũng trách và buồn bố mẹ, Liêm còn hỏi: 'Rồi ba mẹ định chừng nào mới ngưng?!'.
'Nói mãi rồi bây giờ mới quyết định là không đẻ em nữa. Giờ ba mẹ đẻ nhiều vậy cũng chịu, có em thì mình thương thôi, nhiều đứa bạn con một trong gia đình muốn có em còn không được.
Em đi làm ở quán cafe, mỗi tháng được ít thì gửi ba mẹ thêm ít đồng để lo cho các em. Đi làm từ năm 15 tuổi, dù nghèo thật nhưng em vẫn muốn làm những việc lương thiện, không giao du với những thành phần xấu', Liêm nói.
Phạm Thanh Liêm là con trai đầu lòng của anh chị
Khi hỏi về dự định sau này, cả hai vợ chồng không dám mơ mộng gì nhiều, chỉ mong có đủ cơm no cho các con, tương lai các con thì anh chị cũng chưa biết sao. '2 người con gái được đi học thì nói với anh chị muốn làm cô giáo và bác sĩ. Khi hỏi mấy đứa kia thì các con không có đi học, con cũng không biết tương lai con nằm ở đâu', chị Chi chia sẻ
Phan Vũ Hưng Khánh (8 tuổi) nằm trong căn gác chứa nhiều thùng mì, sữa, gạo và những túi quần áo cũ do các mạnh thường quân ủng hộ sau khi câu chuyện được đăng tải lên mạng xã hội, mỗi ngày cậu bé ăn mì tôm.
'Con rất thích được đến trường nhưng ba mẹ không có điều kiện nên con cũng không dám đòi hỏi' - Khánh vô tư nói.
Căn gác nhỏ chứa nhiều thùng mì, sữa, gạo và những túi quần áo cũ do các mạnh thường quân ủng hộ
Tìm mọi cách để ngưng đẻ
Hỏi về lý do sao không dùng những biện pháp tránh thai an toàn, chị Chi thoải mái chia sẻ 'Lúc sinh đứa thứ 4 là vợ chồng em quyết định đi triệt sản nhưng vì lúc đó chưa đủ tuổi để triệt rồi em cũng có dùng thử thuốc nhưng cơ thể em lại không chịu nổi thuốc, chích thuốc ngừa thai, chích xong về bệnh suốt luôn. Rồi có bầu trộm, mình không biết xong đến 4,5 tháng có gì đạp trong bụng mình mới biết là có con, em để đẻ luôn'.
Chị Chi chia sẻ sau khi sinh bé thứ 12, vợ chồng chị sẽ đi triệt sản
Từ khi câu chuyện của gia đình chị được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội thì cũng có những mạnh thường quân đến giúp đỡ, ủng hộ gạo sữa cho các bé. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng gia đình chị đã khó khăn lại còn đẻ nhiều như thế thì rất thiệt thòi cho các con. Chúng tôi có hỏi chị Chi về vấn đề này.
'Em cũng có nghe, có biết, nhưng người ta đâu ở trong hoàn cảnh của mình đâu mà người ta biết, khi nào họ ở trong hoàn cảnh này đi thì người ta sẽ hiểu' - chị Chi chia sẻ.
Chị cũng chia sẻ sau khi sinh bé thứ 12 ra, vợ chồng chị sẽ đi triệt sản và cố gắng làm để kiếm tiền xin giấy xuất viện cho các bé trước để tạo cơ hội cho các bé được đến trường.
Anh chị vẫn mong các con mình có cơ hội đến trường
Những sự giúp đỡ đầy thân tình của hàng xóm xung quanh
Tuy chỉ vừa mới chuyển về căn phòng trọ ở Ấp Tân Tiến được hơn một tháng trở lại đây nhưng gia đình chị Chi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của bà con làng xóm xung quanh, ai có gì cho nấy.
'Cả khu phố này chưa bao giờ có trường hợp này, ít có nhà nào có người con thứ 3 trở lên. Thấy tội nghiệp cho mấy đứa nhỏ, nhìn ba mẹ tụi nó cũng chịu khó. thấy 3 đứa lớn chịu khó đi làm cũng thương. Nhiều khi thấy tụi nó đói mình cũng nấu cơm, mang gạo qua cho mấy đứa. Cũng có báo cáo lãnh đạo xã và khuyên nhủ nên kế hoạch, anh chị cũng hứa sẽ triệt sản.' - chị Huỳnh Thị Kim, tổ trưởng 4B, ấp Tân Tiến, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM chia sẻ với phóng viên.
Những người hàng xóm xung quanh vẫn luôn giúp đỡ gia đình rất nhiều trong cuộc sống
'Thấy cảnh gia đình 11 12 con người mà ngao ngán. Thấy ảnh thiếu ăn, thiếu mặc mà sao khổ quá, mình một hai đứa đây mà lo còn mệt. Có gì cũng ráng giúp gia đình, nhưng căn bản ai cũng có cuộc sống riêng, phải tự túc' - Một hàng xóm nói
Dẫu những ngày tháng sắp đến sẽ còn rất nhiều khó khăn đang đón chờ. Nhưng đâu đó trong những nỗi lo vẫn là niềm hy vọng về một cuộc sống tốt hơn dành cho các con của hai vợ chồng chị Chi.