Hậu quả tiêu cực cho xã hội
Trong tuần qua các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 10 triệu đồng đối với nữ streamer (N.T.T.L) có phát ngôn xúc phạm một lãnh đạo cấp cao từng gây xôn xao, bức xúc trên mạng xã hội (MXH).
Các mạng xã hội sản xuất, đăng thông tin sai sự thật, gây hưởng đến uy tín, danh dự cho nhiều tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thực tế, việc đăng tải nội dung gây phản cảm, sai sự thật lên mạng xã hội để câu view đã có nhiều trường hợp bị xử phạt. Nguyên nhân một phần do người sử dụng vẫn còn suy nghĩ không gian mạng là ảo, là “vô danh” nên tự do phát ngôn và không nghĩ đến hậu quả tiêu cực cho xã hội, cho cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng.
Ngoài các phát ngôn thiếu chuẩn mực trên MXH còn các fanpage với hàng chục nghìn lượt theo dõi cũng sản xuất, đăng các thông tin hình ảnh không chính xác, một chiều, sử dụng thông tin không có rõ nguồn, mang ý đồ riêng…đặc biệt là những fanpage này còn cố tình định hướng và dẫn dắt tâm lý người dùng mạng vào các vấn đề gây bức xúc, tạo hiệu ứng xấu, thiếu tính xây dựng.
Điều đáng ngại hơn là khi tin giả, tin thiếu chính xác xuất hiện trên mạng, nếu không được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định, công bố là tin giả thì người dân vẫn nghĩ đó có thể là tin thật và tiếp tục phát tán theo cấp số nhân, nhất là những vấn đề “nóng” nhiều người quan tâm, gây hoang mang trong xã hội.
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: Mạng xã hội bao giờ cũng có hai mặt, mặt tốt và mặt xấu, mọi cá nhân tổ chức phát ngôn trên môi trường mạng đều phải tuân thủ và chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Việc này vừa qua đã được Bộ TT&TT và Bộ Công an khẳng định và đã hứa với Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ công tác này.
Các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hoạt động như báo điện tử gây nhiễu loạn thông tin.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế, xử lý tình trạng phát tán, loan truyền tin giả, tin sai sự thật. Bộ cũng nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật; bổ sung nhiều quy định về chống tin giả, tăng chế tài và mức phạt tin giả…bổ sung Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử…
Bộ cũng đang trình bổ sung quy định định danh tài khoản người dùng, chủ mạng xã hội có trách nhiệm gỡ bỏ thông tin bị người dùng khiếu nại làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân chậm nhất 48h, chỉ cho phép các tài khoản đã định danh mới được bình luận, viết bài trên mạng xã hội; các mạng xã hội phải gỡ bỏ thông tin vi phạm (3h với mạng xã hội trong nước/24h với mạng xã hội nước ngoài) khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng...
Xác minh truy rõ nguồn gốc tài khoản mạng xã hội
Cùng với sự vào cuộc của Bộ TT&TT, Sở TT&TT ở các tỉnh cũng tích cực vào cuộc để xác minh và xử lý tin giả. Tại tỉnh Lâm Đồng trong suốt thời gian qua, Sở TT&TT tỉnh đã theo dõi quản lý chặt chẽ các tài khoản MXH, fanpage, trang tin tổng hợp. Theo đó, Sở đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các vi phạm chủ yếu là đăng thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, ông Vương Tôn Kiên - Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Chúng tôi trước tiên là nhắc nhở, hướng dẫn họ thực hiện theo đúng quy định pháp luật, răn đe các đối tượng. Có nhiều đối tượng sau khi nghe xong hiểu và nghe, tự gỡ bỏ các bài đăng, comment. Tuy nhiên cũng có những đối tượng chưa hiểu, cố tình vi phạm cho rằng đây là quyền tự do của cá nhân.
Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng xử phạt người đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh. Ảnh: Sở TT&TT Lâm Đồng
Thực tế tại tỉnh Lâm Đồng, bằng biện pháp nghiệp vụ Sở TT&TT tỉnh đã xử phạt mạnh tay các đối tượng này, đồng thời đưa thông tin đó cho các cơ quan báo chí chính thống, công khai trên các báo và hệ thống thông tin của tỉnh nhằm tuyên truyền cho nhiều người dân hiểu, thực hiện. Việc này đã hạn chế được rất nhiều thông tin đăng tải sai lệch, sai sự thật trong suốt thời gian sau đó. Đối với những thông tin chưa được chính quyền công bố thì người dân cũng không tự ý đăng tải một chiều.
“Nhiều fanpage hoạt động sản xuất tin bài như một tờ báo, chúng tôi cũng đã xử phạt khá nhiều. Tôi lấy ví dụ trước đây nhiều fanpage, trang tin tổng hợp đăng thông tin các dự án bất động sản có dấu hiệu vi phạm, không được cấp phép, ngay sau đó các cấp chính quyền và Sở TT&TT đã có phản hồi và công khai thông tin trên các fanpage của đơn vị mình, việc đã thực hiện ngăn chặn các thông tin xấu độc, tạo ra thị trường bất động sản lành mạnh và minh bạch” - Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.
Bên cạnh đó, với sự hướng dẫn của Sở TT&TT tỉnh vai trò định hướng thông tin của các cơ quan báo chí chính thống cũng được tăng cường, các cơ quan báo chí đã tuyên truyền mạnh mẽ những chủ trương chính sách đúng đắn của tỉnh, nêu khách quan những tồn tại, có tin bài để phản ánh khách quan trung thực vấn đề. Các cơ quan báo chí cũng tận dụng tối đa các MXH để mạnh dạn chia sẻ các tin bài. Một số vụ việc đang được dư luận quan tâm cũng đã được nhanh chóng đăng tải trên môi trường MXH.
Đồng quan điểm với những giải pháp này, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng: “Điều quan trọng ngành TT&TT và lực lượng công an cần truy ra tận gốc các đối tượng để xử lý, đặc biệt các fanpage thực hiện đăng tải thông tin trên mạng gây hiểu lầm, sai sự thật hoạt động như một tờ báo cần xác minh nguồn gốc tài khoản đó để xử lý những vi phạm các chủ tải khoản này. Ngay sau khi xử lý cần công khai trên thông tin đại chúng'.