Trào lưu ám ảnh
“Há mồm ra ăn hết bát cơm này nào. Ngoan cô Trinh thương, cô Trinh yêu. Hư cô Trinh nuốt chửng!” là câu nói trong clip cùng thử thách dọa trẻ em đang lan truyền trên TikTok. Câu nói mang tính dọa dẫm cùng biểu cảm đáng sợ của một TikToker có tên Long Chun có tới 6 triệu lượt follow khiến người xem không khỏi giật mình.
Trong clip, Long Chun vào vai “cô Trinh”, cầm chiếc bát và đóng cảnh đang hăm dọa các em bé ăn cơm. TikToker này vừa liên tục đe dọa “Ăn đi, nuốt hết bát cơm đi!”, “Ăn chưa? Nuốt sạch chưa?”, vừa đấm đấm vào ngực, có biểu cảm tức giận, trợn mắt, gằn giọng.
Video của nam TikToker nhanh chóng viral và đạt top 1 trên mạng xã hội. Lời lẽ đáng sợ, hành động làm lố trong video khiến nhiều người xem cho rằng đây là kiểu nội dung bạo lực, độc hại.
Clip "Cô Trinh dọa ăn" của TikToker Long Chun
"Cái này người lớn coi thì vui đấy, nhưng với trẻ con đó thực sự là cơn ác mộng. Cho trẻ xem cái này chỉ để hù con ăn cơm, bạn đang làm một điều rất ác, đang gieo hạt mầm sợ hãi vào tâm trí non nớt của đứa trẻ", "Những video dọa nạt như thế này có tác hại rất lớn đối với tiềm thức của trẻ nhỏ. Việc bố mẹ hù dọa cho vui cũng đủ tạo nên nỗi sợ hãi suốt đời, tổn thương tâm lý của con", nhiều tài khoản bình luận.
Đáng nói, không ít phụ huynh sử dụng video này để trêu chọc hoặc dọa dẫm con rồi ghi hình lại. Khi gõ từ khóa “cô Trinh” trên thanh tìm kiếm, TikTok đưa ra hàng loạt gợi ý liên quan về clip dọa trẻ này như “cô Trinh dọa trẻ em”, “cô Trinh bắt ăn cơm”, “cô Trinh kinh dị”...
Trong đó, nhiều phụ huynh quay lại cảnh dùng clip của Long Chun để dọa con phải ăn cơm, uống sữa nhanh. Trong nhiều video, các em nhỏ được bố mẹ, người thân cho xem clip “Cách cho trẻ ăn hiệu quả” trên điện thoại, với âm thanh cỡ lớn. Khi nghe tiếng dọa nạt, các em bắt đầu ăn, uống nhanh hơn, nhiều em bật khóc. Dù thấy con khóc lóc, sợ sệt, phụ huynh không dừng lại mà tỏ ra thích thú vì đã “dọa” thành công.
Các video theo trend này được đặt tiêu đề như “Cô Trinh quyền lực”, “Cách giúp bé uống sữa nhanh”, “Sợ cô Tuấn Trinh còn hơn ông Kẹ nữa”, “Ngày xưa có ông mặt đen, bây giờ có cô Trinh”. Trong phần bình luận, nhiều người tỏ ra thích thú khi cho rằng đã tìm ra cách để ép con ăn, hoặc dọa nạt khi các bé không nghe lời.
Nhiều phụ huynh sử dụng clip gây tranh cãi này mỗi khi cho con ăn cơm
“Con em chưa đến bữa ăn cơm mà vừa xem clip vừa bảo ‘Cháu ăn rồi, cháu nuốt rồi’”, “Cô Trinh ơi, cháu nhà em khóc ré lên rồi”, “Chưa bao giờ con nhà mình ăn nhanh như vậy” là những bình luận phổ biến của người xem.
Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ lo lắng khi nội dung video đáng sợ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe tâm thần của trẻ em. Một số người kêu gọi tẩy chay kiểu video độc hại này. Nhiều dân mạng cùng quan điểm rằng khi xem clip này, “người lớn còn ám ảnh nói gì đến trẻ con”.
Mất nhiều hơn được
Những ngày qua, Kiều Diễm (sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bà mẹ 1 con cảm thấy khó hiểu và không đồng tình khi thấy nhiều phụ huynh chia sẻ clip “Cách cho trẻ ăn hiệu quả” của TikToker Long Chun, thậm chí dùng để dọa con.
Bản thân từng bị người lớn đem “ông ba bị”, “kẻ bắt cóc trẻ con” ra dọa nạt ngày nhỏ, Hải Hà hiểu cảm giác sợ hãi trước những nhân vật kinh dị như thế nào.
“Không nên gieo rắc vào đầu con trẻ những hình ảnh, suy nghĩ tiêu cực như vậy. Trẻ con rất dễ bị tác động, ám ảnh”, cô nói.
Với vấn đề này, vợ chồng Kiều Diễm cho biết thống nhất quan điểm không ép, dọa con trong chuyện ăn uống, để con ăn tùy sức. Hai người cũng quản lý chặt các kênh video và thời gian con dùng mạng xã hội, để con tránh xa các nội dung độc hại, không phù hợp lứa tuổi.
Diễm cho biết cách đây 3, 4 tháng, cậu con trai lớn (4 tuổi) của cô không rõ vô tình xem được hình ảnh đáng sợ về ma quỷ trên mạng hay bị người lớn dọa trêu. Bình thường, cậu bé có thể tự mình đi hết con ngõ dài khoảng 100 m qua nhà hàng xóm chơi vào đầu giờ tối song bỗng nhiên không dám nữa hay đòi mẹ đưa đi vì “con sợ ma”. Phải mất cả tháng trời động viên, giải thích, Diễm mới có thể giúp con bình tĩnh và bớt ám ảnh.
Thậm chí, cô cũng không nói với con rằng nếu không ngoan sẽ báo chú cảnh sát, bác sĩ phạt, để con không hiểu nhầm và sợ sệt. Bây giờ nếu gặp, con cũng rất quý và yêu thích những người làm nghề nghiệp này.
Đồng tình với Kiều Diễm, Thu Huyền (27 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho rằng với người lớn, clip “cô Trinh” chỉ mang tính đùa giỡn, hài hước song với nhiều trẻ nhỏ, nhất là giai đoạn 1-5 tuổi, lời lẽ hăm dọa cùng âm thanh ghê rợn trong clip có thể gây ám ảnh tâm lý lâu dài. Bên cạnh đó, hình ảnh một số em nhỏ vừa khóc vừa bị bón thức ăn vào miệng trong khi xem clip, được cha mẹ chia sẻ cũng khiến cô lo ngại.
Cha mẹ có thể áp dụng nhiều cách làm khoa học, lành mạnh hơn trong việc giáo dục trẻ, đặc biệt trong vấn đề ăn uống
“Mẹ và chồng mình làm việc trong bệnh viện. Thi thoảng qua thăm, mình có chứng kiến nhiều em bé nhập viện do sặc sữa, thức ăn do vừa ăn vừa khóc, rất nguy hiểm. Có nhiều bé tím tái, phải đặt nội khí quản”, Huyền nói.
Theo cô, dù có thể đạt được hiệu quả tức thì là cho các bé ăn xong bữa, những hình ảnh đáng sợ sẽ để lại hậu quả nặng nề với tinh thần trẻ, thậm chí khiến trẻ có tâm lý sợ sệt mỗi khi phải ăn uống về sau.
Bà mẹ trẻ cũng cố gắng kiểm soát những nội dung cô con gái 3 tuổi có thể xem được trên các nền tảng sau một sự cố. Cụ thể trước đây, trong một lần vô tình lướt trúng hình ảnh đáng sợ trên điện thoại, bé bị ám ảnh, khóc, không ngủ nổi vào ban đêm.
Hiện, vợ chồng Huyền cố gắng tạo không khí vui vẻ, thoải mái vào mỗi bữa ăn cho con. Khi gửi bé đi nhà trẻ, cô nhờ giáo viên quan sát, nếu thấy bé khóc quá, không muốn ăn nữa thì không ép, để bé ăn tùy sức.
“Chính người lớn cũng không muốn ăn uống trong tâm trạng sợ sệt, vậy tại sao cha mẹ lại để cho con mình vừa khóc vừa ăn chứ?”, Huyền chia sẻ thêm.
Chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên nhận định việc dọa nạt, ép trẻ nhỏ ăn uống hay thực hiện các hoạt động khác bằng những clip như “cô Trinh dọa ăn” là phản giáo dục, gây ám ảnh, sợ hãi và hoàn toàn không nên làm.
Theo chuyên gia, những người lớn khi bắt gặp clip tương tự nếu không thoải mái có thể từ chối, tắt đi nhưng một đứa trẻ không thể làm vậy khi bị ép xem. Đó là hành vi bạo lực với trẻ, có thể đem lại nhiều hệ lụy về tâm lý, hành vi. Việc ép trẻ ăn ngủ bằng clip đáng sợ có thể tạo ra những phản xạ có điều kiện, khiến việc ăn uống, đi ngủ vốn là tự nhiên, dễ chịu thành nỗi sợ hãi. Về lâu dài, nó có thể ảnh hưởng đến tính cách, nhân cách, cách trẻ đối phó với các vấn đề trong cuộc sống.
Cũng theo chị Nguyên, cha mẹ có thể áp dụng nhiều cách làm khoa học, lành mạnh hơn trong việc giáo dục trẻ, đặc biệt trong vấn đề ăn uống.
Thứ nhất là tạo nếp. Trẻ nhỏ thường dễ bắt chước nên nếu gia đình có nếp giờ nào việc nấy, hành động tốt, trẻ sẽ học theo một cách thoải mái. Bên cạnh đó, phụ huynh có thể tạo phản xạ có điều kiện cho trẻ, cho trẻ ăn theo nhu cầu cơ thể, khi vừa đến lúc đói. Khi đó, trẻ sẽ đáp ứng được tốt hơn so với khi quá đói hoặc còn no và dẫn tới không hứng thú với việc ăn uống hoặc ăn không nhiệt tình, chống đối. Việc theo dõi nhu cầu con là rất quan trọng.
“Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cho con ngồi ăn ở chỗ yêu thích, tạo nghi thức ăn vui vẻ, thoải mái nhưng cũng không nên làm xao nhãng như dùng TV hay máy tính bảng, điện thoại bởi trẻ sẽ không cảm nhận được việc ngon khi ăn, gây mất tập trung”, chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên chia sẻ thêm.