Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện 1 trong 3 hình thức: bài viết (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi dưới đây là của tác giả Hoàng Thị Bích Hồng (Ninh Bình).
Có bao giờ bạn từng đếm "mình còn được ăn bao nhiêu bữa cơm nữa với ba mẹ?"
Trước 18 tuổi, những bữa ăn cùng nhiều không đếm xuể. Lên Đại học, xa gia đình, nhưng vẫn kịp về mỗi dịp nghỉ hè, lễ Tết để đòi ba mẹ nấu cho món ăn yêu thích.
Ra trường, đi làm, về nhà ăn cơm đã chỉ còn vỏn vẹn mấy dịp lễ.
Khi tự hỏi lòng: "Mình còn được ăn bao nhiêu bữa cơm nữa với ba mẹ?", có lẽ nhiều người sẽ trầm mặc suy nghĩ về ngày tháng xa gia đình, rồi xúc động mà khóc!
Với tôi thì không, từ nhỏ tới lớn, tôi chưa khi nào phải đi xa khỏi vòng tay bố mẹ, nhưng... điều đó chưa chắc đã là niềm vui.
Năm nay tôi mới ngoài đôi mươi nhưng bố mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi, thay vì đi xa để mong nhớ về gia đình thì với tôi đó là trách nhiệm.
Tôi cũng như bao đứa trẻ khác cũng lớn lên trong sự đùm bọc của ba mẹ, khi đó tôi ngây thơ lắm mong ước được đi xa, được bay xa, đi đến những nơi mà mình mong muốn.
Cho đến một ngày bố mẹ tôi ốm, khi đó bố mẹ tôi ngoài 50 còn tôi mới chỉ là cô bé 10 tuổi, ngờ nghệch, ngu ngơ.
Ngày đó tôi nhớ đêm nào tôi cũng khóc, đêm trằn trọc mãi không ngủ, một lúc lại cầm chiếc “cục gạch” lên mếu máo đôi ba câu với bố, rồi lại nức nở.
Tôi còn nhớ khi đó đúng lúc tôi lên lớp 6, bước vào môi trường mới, bạn bè mới, thầy cô mới, phương pháp học mới, tôi giống như con nai vàng ngơ ngác, cộng thêm việc bố mẹ ốm khiến tôi gần như sụp đổ, hoang mang và không có điểm tựa.
Dần dần bố mẹ tôi khỏe lên, rồi được về nhà, lúc này tôi giống như vớ được cái phao cứu sinh, đúng là giờ nghĩ lại đó là trời thương mình!
Vì nếu ngày đó bố mẹ tôi có chuyện gì thì chắc giờ đây tôi đang lang bạt nơi phương xa nào rồi ấy chứ!
Thời gian trôi nhanh quá, thế rồi tôi cũng bước sang tuổi 18, ôm trong mình bao hoài bão, khát khao, nào là xuất ngoại, nào là đi vào Nam sinh sống, rồi cả lấy chồng xa.
Nhưng hình như ông trời không thích tôi làm thế! Mẹ tôi đổ bệnh lần hai, lần này thì không vực dậy được, mẹ tôi tai biến, không chủ động được mọi chuyện. Vậy là suy nghĩ cho tương lai gần như dừng lại, tôi rút đơn thi đại học, nộp hồ sơ ngay trong tỉnh, học Cao Đẳng bất chấp khả năng cao không xin được việc chỉ cần tôi ở gần nhà để chăm sóc cho mẹ!
Mang tiếng là gần nhưng cũng cách đó hơn chục cây, ngày đó đâu có xe máy, tôi ở trọ, cuối tuần thì về với bố mẹ, tranh thủ đi làm thêm, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ.
Nhanh thật, thế rồi tôi học xong, và xin luôn được việc trong tỉnh, cũng xa nhà, nhưng với tôi thế là ổn, sáng đi tối về, đến tháng lĩnh lương, được hơn 1 năm thì bố tôi tai biến lần 2.
Bố mẹ già và ngày càng ốm yếu (ảnh minh họa)
Một lần nữa tôi lại suy sụp, rơi vào trầm mặc, khi đó tôi khóc như mưa, khóc sưng hết mắt, suy nghĩ căng thẳng đến muốn nổ tung đầu, cả ngày nhịn đói cũng không có cảm giác.
Khi đó trong tay chẳng có gì cả, mới ngoài đôi mươi, chồng con chưa có, tiền bạc cũng không, cả bố mẹ đều tai biến, tương lai mờ mịt.
Và rồi cũng vẫn là ông trời thương, bố không khỏe như trước nhưng vẫn đi lại được, nói ngọng chút, chỉ là không chăm bẵm mẹ được như trước.
Tôi thầm cảm ơn trời phật, ít nhất tôi còn bố mẹ, tôi không cô đơn!
Tôi quyết định không nghỉ việc mà tiếp tục công việc của mình, bố mẹ thì ở nhà, thuê thêm người cùng làng trông nom chăm sóc.
Buổi tối mỗi khi đi làm về thay vì ngồi bấm điện thoại hay đi chơi với ai đó thì tôi lại chọn vào buồng bố mẹ để tâm sự về buồn vui, và những chuyện đã xảy ra. Mẹ tôi ốm nằm đã 5 năm nên cũng hay tủi thân. Cứ mỗi lần nhớ người thân mẹ lại kêu khóc ầm lên:
- Thầy ơi, u ơi, thầy u chết rồi à, con nhớ thầy u lắm!
Bố tôi dù ốm, dù mệt, nói cũng cố gắng an ủi:
- Thầy u mất rồi, còn mỗi anh ở đây thôi! Em nằm xuống ngủ đi.
Mỗi lần thấy thế tôi lại bồi hồi, lại thấy xúc động, tôi nghĩ đến tương lai đang mờ mịt phía trước rồi lại nhìn nụ cười của bố mẹ, đôi lúc cảm thấy nó là gánh nặng trên đôi vai này, nhưng trên cả đó là tình yêu thương.
Bố mẹ lo lắng cho tôi nên cứ giục: “Mày lấy chồng đi!”, “Dẫn thằng nào về đây xem nào !”, “24 tuổi rồi đấy không lấy là ế đấy!”
Mỗi lần như thế tôi lại gào lên: “Con không lấy con ở vậy cả đời ! Con lấy chồng rồi ai chăm bố mẹ !”
Bố tôi cũng cáu, mặt nặng mày nhẹ: “Tao không cần mày chăm!”
Bố lắc đầu rồi hậm hực đi vào giường nằm thở dài ngao ngán.
Tôi biết tuổi già ấy mà, bố mẹ cả ngày đứng lên ngồi xuống chỉ lo con gái ế sau này bố mẹ chết đi lại bơ vơ một mình không nơi nương tựa.
Trước có thể tôi nghĩ thế nhưng giờ thì không vậy, mình là con gái mà bố mẹ có mình tôi, ở được với bố mẹ ngày nào hay ngày đấy, được thấy bố mẹ cười mỗi ngày, nó cũng là niềm vui mà cả đời này chẳng ở đâu mua được cả.
Gia đình là duy nhất trên cuộc đời mà không gì có thể thay thế được, và cho dù bạn có đi bất cứ nơi đâu thì đây cũng là nơi duy nhất chờ mong bạn trở về.