Năm 2015, anh Trần Vũ Minh Quang - con trai của cô Vũ Thị Mừng (62 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) ra đi đột ngột sau một tai nạn. Đứng trước quyết định khó khăn, cuối cùng cô Mừng cũng đã ký vào giấy đồng ý hiến tạng của con trai. Những phần cơ thể của anh Quang đã cứu sống nhiều người nhất tại Việt Nam vào năm đó.
6 năm trôi qua kể từ ngày anh Quang mất, cô Mừng vẫn nhớ như in tất cả xảy ra trong những ngày định mệnh ấy, mọi chuyện dường như chỉ vừa mới hôm qua.
Clip: Cô Vũ Thị Mừng nghẹn ngào kể lại những giây phút trước khi ký tên, quyết định hiến tạng con.
Lời hứa 'nghỉ lễ con về thăm mẹ' mãi không thành hiện thực
Anh Trần Vũ Minh Quang (sinh năm 1985) là con trai cả trong một gia đình gồm 4 người con. Năm 2002, anh Quang thi trượt trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM. Nhận thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có đủ điều kiện để thi lại, anh Quang quyết định đi làm để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.
Theo lời kể của cô Mừng, trước khi trở thành nhân viên cơ khí cho một công ty ở Bình Dương vào năm 2009, anh Quang đã từng làm rất nhiều nghề, từ: thợ hồ, nhân viên đóng gói bao bì sản phẩm,… Vất vả, cực nhọc là thế nhưng anh chưa từng than vãn nửa lời.
Đến gặp cô Mừng trong một buổi chiều mưa tầm tã, ngập tràn trong đôi mắt cô là một nỗi buồn khó tả. Trong trí nhớ của mình, cô Mừng không thể nào quên được cái đêm cô nhận tin báo con trai mình gặp tai nạn.
Mỗi đêm, cô Mừng đều xem di ảnh anh Quang để vơi đi nỗi nhớ con
Giọng cô Mừng nghẹn ngào: '2 giờ sáng ngày 28/8/2015, bạn cùng phòng của Quang gọi điện báo Quang gặp tai nạn ngã từ tầng ba xuống, bảo tôi phải xuống gấp. Lòng tôi như chết lặng. Trên chiếc xe máy cũ, cậu con trai thứ ba chở tôi xuống Bình Dương ngay giữa đêm.
Trong túi tôi khi ấy chỉ có đúng 400 ngàn đồng để cầm theo. Trên đường đi, tôi gọi điện thoại cho họ hàng liên tục để mượn tiền đặng xuống tới còn có cái để mà trang trải viện phí cho con. Thời tiết khi ấy ở Lâm Đồng lạnh lắm nhưng lòng tôi cứ như lửa đốt.'
5h30 sáng ngày 28/8, mẹ con cô Mừng xuống tới bệnh viện Bình Dương – nơi anh Quang nằm điều trị. Nhìn thấy con nằm bất động trên giường bệnh, đôi bàn tay run rẩy nắm lấy tay con, cô Mừng nói trong nước mắt: 'Mẹ xuống với con rồi đây, con cố gắng vượt qua nha con.'
Vừa nghe giọng của mẹ xong, nước mắt của anh Quang trào ra. Trong giây phút ấy, dù chỉ là thoáng qua nhưng cô Mừng cảm nhận được đôi bàn tay của anh Quang dường như cũng đang cố gắng nắm chặt tay mình.
Trước khi xảy ra chuyện vài tiếng, anh Quang từng mượn điện thoại của bạn gọi cho cô Mừng vào tối ngày 27/8/2015. Hai mẹ con trò chuyện được đôi ba câu thì anh Quang cúp máy. Nghe giọng con có vẻ không được khỏe, cô Mừng rất lo lắng, định xuống thăm con ngay trong đêm ấy.
Nhưng nhớ đến lời hứa 'nghỉ lễ 2/9 con sẽ về thăm mẹ' của anh Quang, cô Mừng thầm nghĩ chắc mình suy nghĩ hơi quá nên không đi nữa. Đến bây giờ, cô vẫn hối hận về quyết định của mình tối hôm ấy: 'Giá như tôi xuống thăm nó ngay đêm đó thì chắc giờ đây, mọi chuyện đã khác…'
Hạnh phúc vì sự hy sinh của con mình giúp đỡ được 6 người
Với suy nghĩ 'còn nước còn tát', cô Mừng xin chuyển anh Quang lên Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Dù biết tình hình của anh Quang rất khó để qua khỏi nhưng trong lòng, cô vẫn hi vọng anh có thể tỉnh lại. Đến ngày chữa trị thứ ba, bác sĩ thông báo anh Quang đã chết não.
Nhìn về phía di ảnh của người con trai vắn số, cô Mừng rưng rưng nước mắt: 'Các y bác sĩ động viên tôi cố gắng vượt qua, vận động tôi ký tên hiến tạng Quang để cứu sống người khác. Thời điểm ấy, nghe đến hai chữ hiến tạng, tôi thấy việc ấy lạ lẫm với mình lắm. Bác sĩ vừa đề cập tới, tôi lập tức không đồng ý. Tôi vẫn giữ niềm tin vào Quang, vẫn nghĩ con có thể tỉnh lại được…'
Ba đêm liên tiếp sau khi hay tin con mình chết não, cô Mừng gần như phát điên. Nhìn thấy con mình nằm đó trông chỉ như đang ngủ say, cô không thể chấp nhận sự thật rằng anh Quang sẽ không tỉnh lại nữa.
Sự hy sinh của anh Quang đã cứu sống được 6 người khác
Trước quyết định khó khăn, những người con của cô Mừng đồng lòng: 'Tất cả mọi chuyện đều để mẹ quyết định'. Đối với cô, những ngày ấy là những ngày nội tâm giằng xé dữ dội."
Nghĩ đến nhiều hoàn cảnh mắc bệnh hiểm nghèo, đang chờ từng ngày để được hiến tạng, cô Mừng chia sẻ: 'Mất đi rồi cũng thành cát bụi. Quang đã hết hi vọng cứu chữa rồi… Nếu một phần cơ thể của Quang giúp đỡ được một hoàn cảnh nào đó trong cuộc đời này thì tốt quá. Quang vẫn đang sống, chỉ là sống trong cơ thể của một người khác thôi'.
Sau này, cô Mừng mới biết, những bộ phận cơ thể của anh Quang đã giúp đỡ được cuộc đời của 6 người khác. Năm 2017, nhân dịp được Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia mời ra Hà Nội, cô có cơ hội gặp người đàn ông nhận tim của anh Quang.
Theo chia sẻ của cô, người đàn ông ấy là trụ cột trong một gia đình gồm có bà nội, mẹ ruột, vợ và ba con nhỏ. Nếu không có tim của Quang hiến tặng, có lẽ họ cũng không qua khỏi. Cô cảm nhận được nhịp tim của con trai mình khi đưa tay chạm lên ngực trái của người ấy.
Cô Mừng hạnh phúc khi nhìn thấy người nhận tim của con mình vẫn khỏe mạnh. Đây là niềm an ủi rất lớn đối với cô, sự hy sinh của con trai cô đã mang lại cơ hội được sống cho những người khác. Tự tay cô Mừng cũng đã điền vào đơn đăng kí hiến tạng sau khi anh Quang mất không lâu. Cô hi vọng đến lúc mất đi, cô cũng có thể giúp ích cho cuộc đời một chút gì đó giống như con trai mình đã làm.
Gắng vực dậy để lo cho con cháu
Khoảng thời gian sau khi người con trai cả mất là những ngày tăm tối nhất trong cuộc đời của cô Mừng. Cô không buồn ăn uống, trong người lại mang nhiều bệnh nên có thời điểm, cân nặng của cô chỉ còn 39kg.
Tháng 2 năm 2015, chồng cô Mừng đột ngột qua đời trước khi anh Quang mất 6 tháng. Những nỗi đau liên tiếp ập tới tưởng chừng như đã khiến cô Mừng gục ngã hoàn toàn. Nghĩ tới các con của mình cũng đang suy sụp vì sự ra đi đột ngột của anh cả, cô Mừng cố gắng vực dậy bản thân để lo lắng cho các con, các cháu.
Nỗi đau mất chồng, mất con chưa kịp nguôi, cô Mừng phải chịu đựng thêm những lời xì xầm, bàn tán của hàng xóm xung quanh.
Niềm vui của cô Mừng giờ đây là được nhìn thấy các con, các cháu khỏe mạnh
Cô chia sẻ: 'Họ bảo vì gia cảnh nghèo khó mà tôi bán nội tạng con, kiếm tiền tỉ để trang trải cuộc sống. Có người bảo tôi ác khi làm vậy, người ta quan niệm chết thì phải được toàn thây. Lúc ấy, nhà tôi thiếu tiền thật nhưng tôi không nhận một đồng nào từ việc hiến tạng của con trai cả'.
Dù ánh mắt của người đời dành cho cô Mừng đầy dè bỉu, khinh khi nhưng cô vẫn luôn 'ngẩng cao đầu mà sống'. Cô luôn nghĩ mình không làm gì trái với lương tâm, những gì anh Quang để lại cho đời có ý nghĩa rất lớn, là động lực để cô sống tiếp.
Anh Quang là niềm tự hào của cả gia đình. Đến giờ, cô vẫn nhớ rất rõ cảm xúc của mình khi cầm trong tay 400.000 đồng - tháng lương đầu tiên vất vả làm việc của anh Quang.
Những đêm nhớ con trai, cô Mừng nhìn chiếc di ảnh của anh Quang mà khóc mãi. Nói đến đây, những giọt nước mắt của cô Mừng tuôn ra: 'Đến lúc làm di ảnh cho con, tôi mới nhận ra con trai mình chỉ có đúng một bức ảnh. Bức ảnh đó nó dùng để làm thẻ nhân viên của công ty.
Ngoài miệng tôi cứ ráng động viên mấy đứa con còn lại cố gắng quên đi để mà sống tiếp nhưng lòng tôi day dứt lắm, lúc nào cũng nhớ đến con. Tôi hối hận nhiều điều lắm, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi để Quang phải chịu nhiều vất vả, thiệt thòi quá.'
Trên đời này, có nỗi đau nào bằng nỗi đau của một người mẹ mất con, 'người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh'. Ngoài trời, mưa vẫn cứ rơi rả rích giống như nỗi nhớ của người mẹ dành cho đứa con đã mất chưa bao giờ nguôi…