Đặc thù công việc của anh Nhâm Quang Văn và các cộng sự trong Đội cứu nạn đường thủy 116 là lênh đênh sông nước, dành hầu hết thời gian tìm người đuối nước giúp các gia đình, muốn gặp anh để trò chuyện không hề dễ.
Sau nhiều lần liên hệ, tôi cũng gặp được anh khi anh vừa hoàn thành việc tìm kiếm một nạn nhân đuối nước ở Thái Bình.
Anh Văn (mũ xanh) và những thành viên của đội cứu nạn đường thủy 116 trong một lần vớt người đuối nước
Chia sẻ với Infonet, anh Nhâm Quang Văn (Đội trưởng đội cứu hộ cứu nạn miễn phí 116 Thái Bình) cho biết mình vốn là Giám đốc một công ty vận tải, chuyên cung cấp xe cẩu hàng hóa lắp dựng các nhà máy và thực hiện cứu hộ đường bộ.
Nói về cơ duyên lập nhóm cứu hộ đường thủy miễn phí, anh kể, năm 2015, trong chuyến công tác ra biển Cồn Vành (huyện Tiền Hải, Thái Bình), chiếc xà lan chở trang thiết bị của anh cùng 7 kỹ sư bị chìm cách bờ 5km. Vị trí gặp nạn đúng phần cát bồi, cần cẩu nhô lên mặt nước vừa đủ để nhóm người leo lên và may mắn được tàu cá cứu giúp. Từ đó, vị giám đốc trẻ luôn đau đáu việc cứu người gặp nạn trên sông để trả ơn nhưng chưa có cơ hội thực hiện.
Tháng 10/2020, anh cùng bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ đưa 60 xe cứu hộ 0 đồng, chuyển hơn 100 ca nô và nhu yếu phẩm từ miền Bắc chi viện cho miền Trung trong trận mưa lũ lịch sử.
Lênh đênh trên sông nước, nhận hàng nghìn cuộc gọi cầu cứu, anh Văn hiểu hơn nỗi khổ của người mắc kẹt giữa dòng nước. Sau hành trình đó, anh tự bỏ tiền mua một ca nô, hai xuồng nhỏ và lập đội cứu nạn đường thủy 116 nhằm hỗ trợ miễn phí tàu thuyền và người gặp nạn trên các sông ở Thái Bình cùng các vùng lân cận.
Từ năm 2020 đến nay, anh Văn ngày đêm túc trực giúp đỡ những gia đình có người thân gặp nạn. Mỗi khi nhận tin có người gặp nạn nơi sông nước, anh và cả đội lại lên đường, bất kể mưa hay nắng, ngày hay đêm.
Khuôn mặt rám nắng của vị giám đốc trẻ khi lùng sục các khúc sông 2 ngày 2 đêm không nghỉ để tìm người đuối nước.
“Tôi là con một trong gia đình và cũng là bố của ba đứa trẻ nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm về sông nước nên bố mẹ và vợ rất lo lắng khi tôi tham gia công tác cứu hộ cứu nạn đường thủy. Tuy nhiên, nhận thấy ý nghĩa của công việc mà tôi làm thường ngày nên gia đình âm thầm ủng hộ, mặc dù có những lần con ốm mà tôi không có nhà, vợ tôi chưa một lần than vãn”, anh Văn tâm sự.
Nói về công việc của chồng mình, chị Hoàng Thị Oanh - vợ anh Văn nghẹn giọng chia sẻ: “Nhiều khi nghĩ cũng thương chồng vì ở nhà chăn ấm đệm êm thì không ngủ mà đêm hôm cứ lọ mọ ngoài sông.
Có những lúc muốn biết chồng ở đâu tôi cũng không dám gọi, chỉ âm thầm theo dõi trên facebook của chồng để biết anh và các đồng đội đang ở nơi nào, tìm được nạn nhân xấu số hay chưa.
Chị Oanh xúc động, nghẹn giọng khi nói về công việc mỗi ngày của chồng.
Có những hôm cả ngày anh và các đồng đội mải mê với công việc, ở vùng sông nước cũng chẳng có gì mà ăn. Mỗi khi anh về nhà là tôi tranh thủ nấu nhiều món cho chồng, nghe anh nói rằng có những lần tìm mò xác ở sông đói đến mức chỉ ước rằng có ai đó mang cho suất cơm mà lòng tôi xót xa quá.
Thương chồng nhưng biết đó là đam mê của anh, là lẽ sống của anh nên tôi cũng không ngăn cản, chỉ lặng lẽ ở phía sau ủng hộ anh, cầu mong anh và đồng đội luôn được an toàn”.
Những hộp cơm cả đội ăn vội trong đêm khi gấp gáp tìm kiếm người bị nạn.
Bỏ công việc, bỏ thời gian và tiền bạc đi hỗ trợ cứu giúp người gặp nạn đường thủy hoàn toàn miễn phí, anh Văn phải đánh đổi nhiều thứ. Công việc của công ty cũng ảnh hưởng khi anh không còn nhiều thời gian đàm phán các hợp đồng.
Lênh đênh theo con nước, bất kể ngày hay đêm, trời mưa hay nắng, mùa đông lạnh thấu xương hay mùa hè nắng cháy da cháy thịt, vất vả là thế, nhưng với các thành viên cứu hộ cứu nạn 116 Thái Bình, không gì đau xót bằng những tiếng than khóc đầy đau đớn của người nhà nạn nhân khi xác người đuối nước được tìm thấy.
Anh Nhâm Quang Văn bộc bạch: 'Thật tình, chúng tôi chỉ mong thất nghiệp, bởi mỗi lần đưa nạn nhân lên mặt nước là một lần ám ảnh về đời người”.
Thậm chí, có những khi tìm được thi thể trên sông, đội còn cử thành viên tình nguyện làm các công việc như tắm xác, thay đồ, trang điểm, khâm liệm cho nạn nhân... Tất cả đều miễn phí.
Có người bảo công việc của anh Văn và những đồng đội là 'dở hơi, thừa tiền', nhưng các thành viên vẫn lặng lẽ làm công việc của mình một cách chu toàn nhất. Họ sẵn sàng lăn xả, chấp nhận vất vả, hiểm nguy, chỉ với một mục đích ''sớm tìm được nạn nhân cho người nhà bớt cảm giác thương đau''.
Thành viên trong nhóm từ vài người ban đầu giờ lên đến con số 30, trong đội có cả những người trên 50 tuổi, và cũng có những cậu thanh niên chỉ mới tròn 20.
Nhóm cứu hộ đường thủy 116 của anh Văn lên đường bất kể ngày đêm.
Bùi Quang Ninh (20 tuổi) thành viên nhỏ nhất của đội cứu hộ miễn phí 116 đường thủy cho biết công việc chính của mình là lái ca nô.
“Thuyền bè chở hàng sẽ chọn dòng nước để chạy,còn công việc của đội mình là tìm kiếm nên phải lùng sục tất cả các ngõ ngách của dòng sông, không được chọn dòng để chạy.
Nơi nào càng khó thì càng phải đi vào, đối mặt với rất nhiều rủi ro. Có những lúc ca nô vào vòng xoáy nước rất mạnh, bất cứ lúc nào cũng có thể bị cuốn xuống dưới lòng sông.
Thời gian đầu mới tham gia đội, lúc về nhà, mình phải giấu bố mẹ vì bị ngăn cấm. Tính chất công việc này quá nguy hiểm nhưng mình vẫn cứ làm. Mình chỉ tâm niệm rằng, tuổi 20 sức dài vai rộng, bây giờ không cống hiến thì đợi đến bao giờ”, chàng trai trẻ chia sẻ.
Sau hơn 2 năm hoạt động, thành viên đội cứu hộ đường thủy miễn phí 116 Thái Bình không nhớ nổi đã vớt bao nhiêu thi thể, góp một phần nhỏ tiễn đưa người xấu số bao nhiêu lần. Với các gia đình được hỗ trợ, các thành viên đội cứu hộ 116 thực sự là những 'người hùng' thầm lặng giữa thời bình...